“Giống như LS. Lê Công Định, LS. Cao Trí Thịnh là một luật sư giỏi ở Trung Quốc. Ông Thịnh đã từng được Bộ Tư pháp Trung Quốc xếp vào nhóm “10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc” khi mới 34 tuổi.”
Luật sư Cao Trí Thịnh đã từng là thần hộ vệ giúp người dân chống sự lạm quyền của quan chức địa phương và đàn áp tôn giáo. Hiện tại, ông đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm, tra tấn, mọi tin tức liên quan đến ông đều bị bưng bít. Phản ánh sự kiện này, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài viết: « Luật sư can đảm của Trung Quốc ».
Sau 14 tháng « bặt vô âm tín », đột nhiên luật sư Cao Trí Thịnh xuất hiện vào tháng 4 rồi. Mọi người không còn có thể nhận ra ông nữa : Cơ thể tàn tạ và tinh thần suy sụp. Trước kia, luật sư Cao từng được xem là « lương tâm Trung Hoa », « luật sư bạo miệng » và là « nỗi kinh hoàng » của các quan chức tham nhũng.
Thế nhưng, ngày 21 tháng 4, ông lại bị chính quyền « bắt cóc ». Hiện tại, người ta hoàn toàn không có tin tức gì về số phận của ông, ngay cả nơi giam giữ.
Tờ báo cánh tả nhận định đây là một « hình phạt tàn nhẫn » dành cho người đã từng là gương mặt tiêu biểu của phong trào bảo vệ dân quyền. Thật ra, phong trào này có tên là Vệ Quyền, tập hợp các luật sư, các nhà đấu tranh dân quyền và giới ký giả, với mục tiêu không nhằm lật đổ chế độ hiện hành của Trung Quốc, mà là gây sức ép để chính phủ Bắc Kinh tuân thủ đúng những điều luật mà họ ban hành.
Trên cơ sở những quy định về dân quyền trong Hiến pháp, các luật sư Vệ Quyền đứng ra bảo vệ người dân chống nạn lạm quyền, một vấn nạn đang này càng trở nên trầm trọng. Năm 2009, chính nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thừa nhận : Những vụ vòi vĩnh tiền bạc đã làm dấy lên 100 000 kháng nghị tập thể và đã có 12 triệu đơn khiếu nại được gửi cho chính quyền trung ương liên quan đến những tiêu cực của quan chức địa phương.
Những năm 2000, Cao Trí Thịnh đã tham gia tích cực trong việc bảo vệ dân quyền. Có những người dân oan vượt hàng ngàn cây số đến cầu cứu ông, bởi khi đó ông đã nổi tiếng nhờ đã nhiều lần thắng kiện chống lại các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, người dân tin tưởng ông vì họ biết rằng ông dành 1/3 thời gian làm việc của mình cho các hồ sơ « vì dân », và sẵn sàng đứng ra biện hộ miễn phí. Một người bạn của ông là Đằng Bưu cho biết : « Anh Cao nhận rất nhiều vụ kiện mà không hề sợ làm mất lòng chính quyền ». Sự tận tụy của ông trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp vào nhóm « 10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc » vào năm ông 34 tuổi.
Thế rồi, năm 2003, ông đấu tranh cho một học viên Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử ở tòa án. Từ đó, Cao Trí Thịnh chính thức bị xem là « kẻ thù của chế độ ». Tờ báo cho rằng thật ra, ông Cao không biết rằng trong vô vàn những vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm, có những vấn đề thuộc hàng « cấm kỵ », như liên quan các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương, và nhất là Pháp Luân Công, chính quyền không tìm được bất kỳ lý do gì để đàn áp Pháp Luân Công, nên đã chụp mũ họ, ra các chỉ thị cấm tập và bắt bớ các học viên Pháp Luân Công, nhưng lại không dá m đưa vào bất kỳ điều luật nào cấm tập luyện môn này. Năm 2005, luật sư Cao đã công khai gửi thư cho chủ tịch Hồ Cẩm Đào phản ánh về đàn áp Pháp Luân Công. Ngay hôm sau, văn phòng luật sư của ông bị đóng cửa. Không chùn bước, ông tiếp tục đi thu thập thông tin ở những vùng học viên Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất. Năm 2006, Luật sư Cao gửi một thư nữa cho lãnh đạo Trung Quốc. Lần này, Luật sư Cao công khai thông tin về phòng 610, cơ quan mật vụ chuyên trách theo dõi và trấn áp học viên Pháp Luân Công. Sau đó, ông xin rút tên khỏi danh sách đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, mà ông từng công khai chỉ trích là « tàn bạo, bất nhân ».
Tháng 8 năm 2006, Luật sư Cao bị một nhóm « võ biền » bắt cóc bằng cách bịt miệng, bịt mắt. Họ yêu cầu ông nhận tội « kích động lật đổ chế độ ». Sau mười ngày bị tra tấn, Cao buộc phải ký tên nhận tội. Ra tù, Cao lập tức tố cáo việc ông bị hành hạ dã man. Năm 2007, Cao gửi thư cho Quốc hội Hoa Kỳ tố cáo chính quyền Trung Quốc là « phát xít » và yêu cầu xét xử những người đàn áp Pháp Luân Công về « tội ác chống nhân loại ». Luật sư Cao lập tức bị tống giam vào tháng 9 năm 2007. Sau 54 ngày tù tội, Cao Trí Thịnh công khai tố cáo đã phải chịu nhiều đòn tra tấn dã man trong trại giam. Năm 2008, Cao Trí Thịnh được đề nghị cho giải Nobel Hòa bình. Thế nhưng ông vẫn bị quản thúc tại gia, còn vợ con ông thì luôn bị theo dõi. Cuối cùng, vợ con ông phải trốn đi tị nạn ở Mỹ, còn ông bị bắt sau đó.
Một người bạn của ông nhận xét : « Cao là người có một nghị lực « dời non lấp biển » và một tinh thần đấu tranh « phi thường ». Tờ báo kết luận bằng nhận định của Đằng Bưu : « Cao Trí Thịnh là luật sư đầu tiên dám đứng ra bảo vệ học viên Pháp Luân Công. Anh ấy đã phải trả giá đắt ».
Tổng hợp từ rfi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét