Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, do Kiểm toán nhà nước thực hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của tập đoàn này cao hơn con số 7,3 triệu đồng được Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh công bố ở một cuộc họp báo trước đó.
Cụ thể, khối phân phối điện là khối có thu nhập thấp cũng đạt 7,9 triệu đồng/người/tháng. Khối truyền tải điện có thu nhập bình quân 10,8 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập cao nhất thuộc về công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, tính chung toàn công ty.
Riêng thu nhập bình quân cơ quan văn phòng của công ty mẹ cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của toàn công ty mẹ (13,7 triệu đồng/người/tháng).
Khối phân phối điện có thu nhập bình quân 7,9 triệu đồng/tháng - Ảnh minh hoạ
Kiểm toán nhà nước chỉ rõ việc quản lý tiền lương của EVN có một số tồn tại sau. Đó là hệ thống định mức lao động tổng hợp của EVN ban hành năm 2008 chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Công ty mẹ thực hiện quyết toán tiền lương trên cơ sở Thông báo số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, theo đó quy định đơn giá tiền lương năm 2010 bằng 95% đơn giá tiền lương năm 2009.
Việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc công ty mẹ Tập đoàn còn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị, thể hiện ở thu nhập bình quân cơ quan Văn phòng cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương các doanh nghiệp Nhà nước năm 2009 ước đạt 3,35 triệu đồng/tháng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng.
Như vậy, mặc dù EVN đang hoạt động thua lỗ, nợ chồng chất nhưng vẫn có thu nhập rất cao so với mặt bằng chung của xã hội.
Trước đó, trong buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện ngày 19-11, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Ông Thanh cho rằng đó là mức lương thấp, không đủ sống với nhân viên của tập đoàn.
“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, người đứng đầu EVN nói.
Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh nói ông cảm thấy đau lòng khi lương nhân viên chỉ 7,3 triệu đồng/tháng
Phản ứng về lương của EVN trong khi tập đoàn này đang lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, phải xem lại việc EVN nói mức lương trên 7 triệu đồng/tháng mà không đủ sống và trả lương cao như vậy có đúng với cơ chế hiện hành và hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn đang lỗ nặng này hay không.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho biết, trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể yêu cầu EVN xem lại việc trả lương cho người lao động đã phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị hay chưa.
"Nếu bất hợp lý thì Bộ sẽ kiến nghị phải theo cơ chế hiện hành của Nhà nước", bà Chuyền tỏ thái độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét