Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa bỏ cấm vận đối với ngân hàng trung ương và một số ngân hàng đầu tư nước ngoài ở Libya, các nhà ngoại giao cho biết.
Tài sản của các ngân hàng Libya ở nước ngoài đã bị phong tỏa hồi đầu năm 2011 như một biện pháp trừng phạt cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi.
Hôm thứ Sáu 16/12, Hội đồng Bảo an đã quyết định bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Libya và ngân hàng con chuyên trách đầu tư mang tên Ngân hàng nước ngoài Libya.
Thứ Sáu tuần trước, Hội đồng Bảo an đã đồng ý dừng phong tỏa tài sản ngân hàng Libya vào lúc 17:00 giờ địa phương (22:00 GMT) ngày 16/12 , trừ khi có trường hợp phản đối. Các nhà ngoại giao ở New York cho biết thời hạn này đã trôi qua mà không có phản đối nào.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng quyết định mới "đánh dấu một thời điểm quan trọng nữa trong quá trình chuyển tiếp ở Libya".
Thông cáo của ông Hague viết: "Điều này có nghĩa là chính phủ Libya nay có thể tiếp cận các khoản vốn lớn cần cho tiến trình tái thiết đất nước, để tăng cường ổn định và bảo đảm rằng người dân Lybia có thể thực hiện các giao dịch cần thiết trong cuộc sống hàng ngày".
Ngoại trưởng Hague cho biết thêm rằng London sẽ giải phóng khoản tiền 6,5 triệu bảng của Libya tại Anh.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta dự kiến sẽ công du đến Libya vào thứ Bảy ngày 17/12.
Trách nhiệm của Libya
Theo sau quyết định của LHQ, Chính phủ Hoa Kỳ ra thông cáo nói "Mỹ đã bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Libya để thực hiện cam kết của chúng tôi đối với người dân Libya".Bộ Tài chính Mỹ cho hay họ "sẽ cho phép giải phóng 30 tỷ đôla tài sản của ngân hàng trung ương Libya cũng như của LAFB (Ngân hàng nước ngoài Ả Rập Libya).
"Chính phủ Libya hiện nay có khả năng và trách nhiệm để quản lý khoản tiền này."
Phóng viên BBC Barbara Plett ở New York cho hay một số biện pháp trừng phạt đã được nới lỏng sau khi chế độ của Đại tá Gaddafi sụp đổ, nhưng quá trình giải phóng các ngân khoản rất chậm vì lý do pháp lý và kỹ thuật.
Các nhà ngoại giao nói rằng đó là bởi vì những quốc gia đang nắm giữ các tài sản này chưa rõ ai là người có quyền sở hữu hợp pháp chúng, và liệu chính phủ mới ở Libya có đủ thống nhất để quản lý lượng tiền này hay không.
Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính phủ Gaddafi vào tháng Hai. Lệnh này bao gồm cấm vận vũ khí và phong tỏa tài sản.
Vào tháng 8/2011, sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, LHQ đã đồng ý giải phóng một khoản tiền dinar trị giá tương đương 1,5 tỷ đôla đang được giữ tại các ngân hàng Anh.
Cùng lúc đó, LHQ chuẩn thuận yêu cầu của Mỹ về việc dừng phong tỏa 1,5 tỷ đôla tài sản bị đóng băng của Libya.
Cuộc nổi dậy vừa qua gần như đã làm ngành khai thác dầu mỏ của Libya tê liệt, và nước này mới chỉ xuất khẩu dầu trở lại hồi tháng Chín.
Các quan chức nói rằng họ hy vọng sản lượng dầu thô sẽ trở lại mức bình thường là khoảng 1,6 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét