Pages

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Myanmar: Lùi một bước để tiến hai bước

Tác giả: Hoàng Dũng Nhân

Tổng thống Thein Sein bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm lịch sử của bà Clinton tới Myanmar
Những thay đổi “trầm trầm mà cương quyết” diễn ra ở Myanmar không chỉ là kết quả các điều chỉnh về ngoại giao và nội trị của giới cầm quyền Naypyidaw, mà còn là phần quan trọng trong chiến lược mới về châu Á của Mỹ.
Chuyến thăm Myanmar của ngoại trưởng Hillary Clinton đầu tháng này được cả thế giới chú ý không chỉ vì bà là vị ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Myanmar trong vòng 50 năm qua, mà còn do kết quả các cuộc tiếp xúc của bà trong vòng 48 giờ đồng hồ tại Naypyidaw (với chính quyền) và tại Rangoon (với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi).

Đồng thanh tương ứng

Tháng 10 năm ngoái, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar được đổi tên thành “Cộng hòa Liên bang Myanmar”. Hai tuần sau, nhà nước liên bang tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau 20 năm người dân xứ này không được cầm lá phiếu.
Tại diễn văn nhậm chức của Tổng thống Thein Sein (một vị tướng về hưu), ông tuyên bố với người dân trong nước và thế giới bên ngoài rằng, Myanmar muốn hội nhập vào sân chơi khoáng đạt và bình đẳng của thế giới trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu. Để làm được điều đó, ông nói Myanmar cần giải tỏa cấm vận và áp lực quốc tế, cần tự thân vượt khỏi “cái bóng đè tàn khốc” của ngoại bang, như lòng dân nước này mong mỏi từ lâu. Để đất nước cất cánh, cái gốc chuyển hóa vẫn là đáp ứng khát vọng của người dân đòi đổi mới và cải cách, chứ không chỉ là vấn đề duy trì quyền bính.
Một loạt các biện pháp về đối nội và đối ngoại được thực thi với tốc độ “kỷ nguyên số”. Đầu tiên Tổng thống Thein Sein thả “quả bom tấn” bằng việc đột ngột thông báo ngừng dự án thủy điện Mitsone; sau đó ông cử tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing sang Việt Nam thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trước khi tới thăm Bắc Kinh. Nhưng có lẽ chuyển biến quan trọng nhất là Tổng thống Thein Sein mời lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự một cuộc họp ở Naypyidaw, cho phép bà và đảng của bà tham gia tranh cử. Ông dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số.
Thông điệp của nước Myanmar mới, không chỉ ở cái tên, càng rõ ràng hơn khi Tổng thống Thein Sein khẳng định ông muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và dỡ bỏ cấm vận của phương Tây. Chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama, vừa “can dự xây dựng”, vừa “duy trì cấm vận” đối với Naypiydaw dường như bắt đầu phát huy hiệu quả. Washington đón ngoại trưởng Myanmar và cử đặc phái viên Mỹ Derek Mitchell tới Naypiydaw. Tại Cấp cao ASEAN-19, các nước ĐNÁ nhất trí trao cương vị Chủ tịch luân phiên cho Myanmar vào năm 2014.

Cơ hội đảo ngược tình thế
Tổng thống Obama đã lấy quyết định mau lẹ cử ngoại trưởng Clinton sang Myanmar ngay khi ông đang có mặt ở châu Á cuối tháng trước. Chuyến thăm của bà ngoại trưởng diễn ra vào đầu tháng này đã đạt một số kết quả ngoạn mục. Tuy Mỹ chưa hoàn thoàn bỏ cấm vận nhưng đã loan báo giảm bớt mức độ cấm vận. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, nếu chính phủ Myanmar có thêm đổi mới, tiến tới dân chủ và bớt sự lệ thuộc một chiều vào TQ.
Những thay đổi nói trên cần đặt trong toàn bộ khung cảnh của bức tranh vân cẩu về một Á châu đang biến động. Nghịch lý trong chính trị quốc tế cũng giống như ngoài đời thường: thái quá thì bất cập! Sau năm 1990, việc Mỹ và phương Tây chấm dứt mọi quan hệ với Myanmar, cô lập quốc gia này đã tạo cơ hội cho TQ nhảy vào thế chân, bằng vũ khí, tiền bạc và cả ngoại giao. Kết quả, giờ đây TQ là đối tác kinh tế hàng đầu của Myanmar. Năm 2010, thương mại song phương lên tới 4,4 tỷ usd, tổng vốn đầu tư của TQ đạt gần 16 tỷ usd.
TQ cũng ký được thoả thuận khảo sát dầu và khí đốt trên diện tích 10.000 km2 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Myanmar. Công ty CNPC đã khởi công xây dựng ống dẫn dầu dài 2300 km để nhập dầu từ Phi châu và Trung Đông, với dung lượng 400. 000 thùng/ngày, từ cảng Sittwe đến hai thành phố Côn minh và Trùng Khánh. CNPC cũng dự trù xây ống dẫn khí đốt dài 1400 km giữa đảo Ramree và Côn Minh để chuyển tải 170 tỷ mét khối khí đốt trong 30 năm. TQ cũng đặt một trạm theo dõi thông tin tại quần đảo Coco để kiểm soát Ấn Độ dương, vùng then chốt của các tuyến hàng hải chuyên chở các nguyên nhiên liệu chiến thuật.
Tuy nhiên, chính sự thái quá của Bắc Kinh trong các nỗ lực nắm toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là thâu tóm nhiều nguồn tài nguyên của nước này đã gây ra phản ứng ngược trong dân chúng ở đây. Người dân Myanmar cho rằng TQ đã không giúp ích gì cho việc cải thiện đời sống của họ, không ủng hộ các nổ lực dân chủ và đáng sợ hơn, Myanmar có nguy cơ lệ thuộc TQ ngày càng cao. Làn sóng bài Hoa ngày càng gia tăng, ngay cả trong giới tướng lĩnh quân sự. Ngay cả báo chí TQ cũng để lộ rằng, quan hệ Bắc Kinh – Naypiydaw là kết quả do sự tuyệt vọng của Myanmar.
Chính phủ TQ cho biết họ không lo ngại về các cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các giới chức Myanmar và Mỹ. Người phát ngôn BNG TQ nói Bắc Kinh hoan nghênh những bước tiến mà chính phủ Myanmar đang thực hiện để mở rộng quan hệ với các nước phương Tây. Bề ngoài, Bắc Kinh không thể công khai chống lại những bước đi của Napyidaw xích lại gần Washington; vẫn phải tuyên bố yêu cầu các nước liên quan dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và thúc đẩy sự ổn định tại nước này. Tuy nhiên, TQ lên án Washington dùng Myanmar trong khuôn khổ một sách lược để kiềm chế TQ.
Không phải là “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhưng TQ đang tìm cách cân bằng lợi ích giữa chính phủ và nhân dân Myanmar. Truyền thông TQ thừa nhận, vào thời điểm hiện nay, TQ chưa có năng lực xuất khẩu giá trị của mình, chưa thể phát huy được sức mạnh mềm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TQ đứng nhìn giá trị Mỹ thống trị cả vùng. Đối với những nước có hoàn cảnh như Myanmar, vẫn theo quan sát báo chí từ Thượng Hải, TQ cần có một tấm lòng rộng mở hơn để hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của chính mình. TQ sẽ không trở thành rào cản cho các nước trong việc tìm kiếm sự phát triển và thịnh vượng. Được như vậy, TQ mạnh lên mà vẫn còn bạn
Bà Hillary Clinton hôm qua có buổi đi thăm ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất của Myanmar với đôi chân đất theo đúng truyền thống của quốc gia Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ cùng các quan chức Myanmar đi thăm Shwedagon, ngôi chùa Phật giáo được lập nên từ giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên tại thủ đô cũ Yangon. Bà Clinton đang có mặt tại Myanmar trong một chuyến thăm lịch sử. Đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ tới Myanmar sau 57 năm.Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Clinton đi chân đất khi vãn cảnh chùa Shwedagon theo đúng phong tục truyền thống của người Myanmar. Ảnh: AFPNgoại trưởng tới trước tòa tháp dát vàng, biểu trưng nổi tiếng của chùa Shwedagon. Ảnh: AFPNgoại trưởng Mỹ nói chuyện cùng bà Suu Kyi và các nhân viên tư thất của nữ lãnh đạo này ở Yangon hôm qua. Ảnh: AFPNgười đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn vui vẻ chụp ảnh lưu niệm trong khi bà Suu Kyi thể hiện một động tác khá hài hước. Ảnh:AFP

Không có nhận xét nào: