Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Điện bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng sông Mekong lần thứ 4 (GMS) hôm thứ Hai 19/12.
Cuộc gặp này diễn ra trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bắt đầu từ ngày 20/12.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin là trong cuộc gặp này, hai bên đã ‘phối hợp chuẩn bị chu đáo’ cho chuyến thăm của ông Tập nhưng không nói rõ chi tiết.
Ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định với Thủ tướng Dũng rằng lãnh đạo Trung Quốc ‘hết sức coi trọng đại cục quan hệ hữu nghị hợp tác Việt-Trung’ và quyết tâm giải quyết thỏa đáng những tranh chấp trên biển.
Thượng đỉnh GMS
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã cùng lãnh đạo các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc tham dự Hội nghị GMS khai mạc ngày 20/12 tại Nay Pyi Taw dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein.Hội nghị có chủ đề: ‘Sau năm 2012: hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS’.
Các nhà lãnh đạo GMS sẽ bàn về việc thúc đẩy hợp tác trong chín lĩnh vực chủ chốt bao gồm giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thương mại và đầu tư.
Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo cũng thông qua Khung chiến lược GMS sẽ định hình hợp tác GMS trong giai đoạn từ năm 2012 cho đến năm 2022 và ký Tuyên bố chung của hội nghị.
Hội nghị nhấn mạnh việc sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của khu vực.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Miến Điện Thein Sein, nói rằng Hội nghị GMS lần thứ 4 diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với khu vực khi tình hình kinh tế toàn cầu đang u ám.
“Tuy nhiên tiểu vùng chúng ta đã cho thấy sự kiên cường phi thường trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý lãnh đạo các nước trong khu vực ‘không nên thỏa mãn với các thành tựu hiện tại và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được một tầm nhìn chung về một tiểu vùng hội nhập, hài hòa và thịnh vượng.”
Sau hội nghị hai ngày này, Thủ tướng Dũng sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Miến Điện.
Trong khi đó, báo chí Thái Lan đưa tin Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, hiện cũng đang ở Miến Điện, dự kiến có cuộc gặp với người lãnh đạo phong trào dân chủ nước này, bà Aung San Suu Kyi, ở Rangoon.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan cho biết bà Yingluck sẽ mời bà Aung San Suu Kyi thăm Thái Lan nếu và khi nào bà được phép rời Miến Điện trong tương lai.
Lịch trình chuyến viếng thăm Miến Điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đề cập gì đến bà Aung San Suu Kyi, vốn là biểu tượng dân chủ của nước Miến Điện và được kính trọng trên toàn thế giới.
Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong được phát động vào năm 1992 bởi sáu nước chia sẻ sông Mekong theo ý tưởng của Ngân hàng phát triển châu Á vốn cũng là nhà điều phối, ngân hàng tài trợ và nhà hỗ trợ kỹ thuật của chương trình.
Hội nghị thượng đỉnh GMS lần đầu tiên được tổ chức tại Phnom Penh vào năm 2002. Các hội nghị GMS sau đó lần lượt được tổ chức ở Côn Minh năm 2005 và Vientiane năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét