Pages

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Vợ Cù Huy Hà Vũ và vợ Ðiếu Cày đòi tự do cho chồng

HÀ NỘI (NV) -Hai phụ nữ, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn, đang sốt ruột về tình trạng tù tội hoặc biệt tích của chồng, gửi thư tới Tòa Án Tối Cao Việt Nam và các cơ quan ngoại giao, nhân quyền quốc tế, mong tự do cho người thân của họ.

Bà Nguyễn Thị Dương Hà cầm tấm bảng “Chồng tôi vô tội” trên đường tới dự phiên tòa phúc thẩm xử ông Cù Huy Hà Vũ ngày 2 tháng 8, 2011 mà ông bị y án sơ thẩm. (Hình Blog Nguyễn Xuân Diện)

Hai bức thư của họ được gửi đi trước ngày nhân quyền quốc tế 10 tháng 12 năm nay.
Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, ngày 8 tháng 12, 2011, gửi thư tới Tòa Án Tối Cao và tổng thư ký Liên Hợp Quốc về trường hợp bắt giam trái phép và kết án tù bất chấp luật lệ của chính nhà cầm quyền đối với chồng bà.

“Tôi được biết ngày 1 tháng 11, 2011, Ủy ban Giám sát việc bắt giữ vô căn cứ của Liên Hợp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention - UNWGAD) đã gửi công văn cho chính phủ Việt Nam nói rõ ý kiến về việc bắt giam trái phép Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, yêu cầu trả tự do ngay cho ông. Ðây là chính kiến và yêu cầu chính thức của Liên Hiệp Quốc.”
Bà Dương Hà viết trong lá thư, “Tôi cũng được biết ngày 20 tháng 9, 1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đến nay Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, chồng tôi vẫn chưa được trả tự do.”
Bà Dương Hà đặt câu hỏi và yêu cầu ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa Án Tối Cao của chế độ trả lời: “Vậy, thưa quý ông, công văn nói trên của UNWGAD có giá trị pháp lý gì không? Và nếu có, thì việc tiến hành trao trả tự do cho Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào?”
Từ khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt ngày 5 tháng 11, 2010 rồi kết án ông 7 năm tùợ và 3 năm quản chế ngày 4 tháng 4, 2011 vì cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước...” bà Nguyễn Thị Dương Hà đã gửi nhiều đơn thư tới hệ thống tòa án, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội, thủ tướng nêu rõ sự vi phạm Hiến Pháp và pháp luật trầm trọng của chính chế độ về việc bắt giữ, khám xét nhà, rồi xử án, nhưng không hề được trả lời.
Các luật sư bào chữa trong vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã cáo buộc hệ thống tòa án này vi phạm thủ tục hình sự tố tụng và luật lệ của nhà nước. Dù vậy, ông Hà Vũ vẫn bị kết án tù nặng nề với một bản án có sẵn, gọi là “án bỏ túi.”

Xin quốc tế giúp Ðiếu Cày

Mặt khác, bà Dương Thị Tân, mẹ hai người con của nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải bút hiệu Ðiếu Cày, gửi thư tới các cơ quan ngoại giao ngoại quốc tại Việt Nam và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế kêu gọi họ giúp đỡ bà để có thể biết được tung tích và trả tự do cho ông.
Ông Nguyễn Văn Hải bị vu cho tội “trốn thuế,” mãn án 2 năm rưỡi tù ngày 20 tháng 10, 2011 nhưng đã không được trả tự do mà lại bị giam giữ tiếp tục với lý do điều tra tội tuyên truyền chống nhà nước.
Từ khi ông Hải bị bắt ngày 19 tháng 4, 2008 đến nay, bà Tân và hai người con không hề được thăm viếng, nhìn mặt, để biết ít nhất ông còn sống và biết tình trạng sức khỏe của ông trong vòng tù tội bất công.
Bà Dương Thị Tân đã khiếu nại rất nhiều lần. Hàng tháng bà đến tòa án và cơ quan công an ở Sài Gòn, đến nhà tù ở tỉnh Ðồng Nai, nơi nhiều phần ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ, đòi được thăm viếng theo đúng luật lệ quy định. Bà đều không được cho gặp ông Hải hay trả lời. Ngay cả việc yêu cầu cho biết tình trạng sống chết của ông cũng không được trả lời.
Từ khi ông Hải mãn án tù đến nay đã 14 tháng, bà Tân nói ông Hải “vẫn biệt vô âm tín.”
Bà viết trong thư cầu cứu là “mọi cố gắng của gia đình cũng như của luật sư đều bị cản trở mặc dù trong một lần tiếp xúc, chính cán bộ an ninh điều tra của công an tên là Phạm Văn Tấn đã khẳng định với tôi: ‘Thời hạn tạm giam đã qua rồi.’”
Bà tố cáo rằng “không một điều nào trong Hiến Pháp cũng như trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự ở Việt Nam cho phép công an có quyền giam giữ một công dân mà không cần xét xử, hoặc trong thời hạn tạm giam để điều tra không cho phép tiếp cận luật sư và cấm việc thăm nuôi gặp mặt của thân nhân họ. Công an Việt Nam đã vi phạm chính luật pháp của chính phủ cũng như vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền 10 tháng 12, 1948 mà Việt Nam đã ký.”
Bà cho hay “hiện nay gia đình chúng tôi đang trong tình trạng tuyệt vọng vì lo lắng cho sự an nguy của thân nhân mình” và bà viết bức thư này, nhân ngày Quốc Tế về Nhân Quyền 10 tháng 12 “mong ước nhận được sự trợ giúp khẩn cấp từ phía quý vị, để những người Việt Nam dám đấu tranh vì quyền con người không bị lãng quên.” (TN)

Không có nhận xét nào: