Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Miến Điện thả tù nhân để đổi lại gì?

Khi bước khỏi nhà tù và vẫn chỉ mặc áo T-shirt, cựu Thủ tướng Miến Điện, Tướng Khin Nyunt đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực hòa giải của bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein.
Ông Khin Nyunt, cựu thủ tướng (đứng giữa) ra tù sau hơn 6 năm
biệt giam
Ông nói trong ngày quốc tế đón nhận tin hàng trăm tù nhân được thả và đổ về cố đô Rangoon:
“Riêng sự kiện bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống gặp nhau đã là tích cực, và tôi nghĩ đây là điều rất tốt cho đất nước chúng ta.”
Từng nắm tình báo quân đội và bị mất quyền, mất tự do trong cuộc thanh trừng năm 2004, ông Khin Nyunt nói:
“Hôm nay là ngày đầu tiên tôi được tự do và tôi cần xem xét điều gì đang xảy ra bên ngoài, vì tôi không hề biết chuyện gì xảy ra. Tôi muốn làm những gì tốt đẹp cho đất nước.”
Cựu tướng Khin Nyunt chỉ là một trong số trên 600 tù chính trị và bất đồng chính kiến được thả trong nỗ lực của chính quyền Liên bang Myanmar nhằm giành tính chính danh trong con mắt các nước Phương Tây.

Để thoát cấm vận
Theo phân tích của Charles Scanlon, biên tập viên châu Á của BBC tại London, Hoa Kỳ và các nước đồng minh liên tục nhắc rằng nếu Miến Điện muốn được bỏ cấm vận thì họ phải thả tù nhân chính trị.
Cũng có yếu tố hoàn cảnh tác động đến đợt thả tù này.
"Hoa Kỳ cũng nhìn thấy các cơ hội cho kinh doanh và một lối vào Miến Điện rất bất ngờ, nhằm ngăn lại ảnh hưởng của Trung Quốc"
Charles Scanlon
Theo ông Myint Swe, biên tập viên của BBC Miến Điện tại London cho hay hôm 13/1, tin thả tù được đưa ra cùng lúc có hai nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ thăm nước này.
Hôm 12/1, ông Derek Mitchell, đặc sứ của Hoa Kỳ về tình hình Miến Điện rời nước này sau khi đến để chứng kiến các tiến triển sau bầu cử.
Cùng ngày, ông Joseph Crowley, Hạ nghị sĩ từ New York, người chủ trương cấm vận Miến Điện từ lâu nay, vừa đến nước này.
Sắp tới, Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ, Mitch McConnell cũng sẽ bay vào thăm Miến Điện, văn phòng của ông cho biết hôm 13/1.
Nhưng theo biên tập viên Charles Scanlon, đợt thả tù, mà thực chất là ân giảm sẽ không đủ để thuyết phục tất cả những ai quan tâm đến Miến Điện ở bên ngoài.
Dù được thả, như nhà hoạt động đối lập Soe Aung cho BBC hay, không có đảm bảo gì là phe đối lập được tự do hoạt động.
Cũng chưa rõ các tướng lĩnh vẫn duy trì quyền lực đằng sau chính phủ dân sự sẽ phản ứng ra sao nếu diễn biến tới đây không theo ý họ.
Theo ông Myint Swe, về mặt thủ tục thì Tổng thống Thein Sein đã ký lệnh ân giảm cho các tù nhân.
Vì đây là đặc quyền của tổng thống nên theo luật Miến Điện, quyết định này không cần tham vấn với hội đồng tướng lĩnh.
Nhưng cũng vì thế, các tù nhân được thả trước hạn đều có nguy cơ bị bắt lại để ngồi hết án tù một khi bị nhà chức trách cho là “vi phạm” trở lại.
Tuy thế, tốc độ của các nỗ lực thay đổi tại Miến Điện cũng gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát.
Vẫn theo Charles Scanlon, nếu chính quyền có thể thuyết phục Washington rằng cuộc bầu cử bổ sung tới đây là tự do và công bằng và Miến Điện thực sự nghiêm túc về các cuộc ngưng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang, thì con đường tới một mối quan hệ mới sẽ được mở rộng.
Hoạt động của bà Aung San Suu Kyi và truyền thông góp phần biến đổi Miến Điện
Cả hai phía, Phương Tây và Miến Điện đều được khuyến khích mạnh.
Miến Điện muốn cân bằng lại quan hệ của họ, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, bằng quan hệ với Phương Tây.
Hoa Kỳ cũng nhìn thấy các cơ hội cho kinh doanh và một lối vào Miến Điện rất bất ngờ, nhằm ngăn lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại nơi Bắc Kinh từng cho là sân sau của mình.
Cũng có tin tới đây tỷ phú Bill Gates của Mỹ sẽ sang thăm Miến Điện, một dấu hiệu giới doanh nhân và từ thiện Hoa Kỳ bước vào xứ sở nghèo bậc nhất Đông Nam Á này.
Chết vì mong con
Đằng sau các đợt mở cửa chính trị tại Miến Điện còn rất nhiều câu chuyện về con người.
"Còn hàng nghìn người tỵ nạn ở các vùng biên giới cũng cần được quan tâm"
Một người dân Kachin
Cùng được thả với các tù nhân chính trị đợt này có cháu trai của cựu tổng thống Ne Win, ông Zwe Ne Win.
Người cháu cùng gia đình bị kết án tử hình vì tội 'phản quốc' và sau được chuyển xuống thành tù chung thân.
Trả lời ban Miến Điện của BBC, ông cho hay nếu còn chính quyền quân sự như trước, có lẽ cả gia đình ông sẽ chết trong tù chứ không mong ước có ngày được tự do.
Các cuộc thanh trừng nội bộ và cách chính quyền quân nhân Miến Điện trả thù cả những người từng nắm quyền đã để lại dấu ấn đen tối cho đất nước.
Cũng trong cuộc nói chuyện với BBC, cựu tướng an ninh Khin Nyunt cho hay kể từ khi bị bắt năm 2004, ông không được tiếp xúc với bất cứ ai và không hề biết chuyện gì xảy ra bên ngoài.
Điều này cho thấy một chế độ biệt giam tàn khốc với cả một cựu thủ tướng.
Khi ngồi tù, ông đã tìm lại triết lý Phật giáo để vượt qua và nay tin rằng đạo Phật sẽ giúp nhiều cho Miến Điện hồi sinh.
Vẫn theo BBC Miến Điện, ṃột người trong phong trào Sinh viên thế hệ 88 ra tù có công việc đầu tiên là thăm mộ mẹ ông.
Mẹ của Wint Thu, người được thả khỏi nhà tù Bhamo hôm 13/1, đã đột tử vì thất vọng trong ngày chính quyền công bố thả tù đợt trước vì không thếy tên con trai được thả.
Phản ứng của dư luận Miến Điện tuy vui nhưng cũng vẫn dè dặt.
Nụ cười tự do của Nilar Thein, sinh viên tranh đấu được thả ngày thứ Sáu lịch sử
Trả lời chương trình phát thanh của BBC Miến Điện, một loạt người dân, từ lái taxi và giáo viên về hưu ở Rangoon tới người di dân tại Bangkok, Thái Lan hay học giả gốc Miến Điện ở London, đều tin rằng đợt thả tù này là một chuyển biến quan trọng.
Tuy nhiên, họ cũng muốn biết các bước đi tiếp theo của chính quyền sẽ ra sao và đem lại lợi ích gì cho người dân.
Một thính giả của BBC Miến Điện tại vùng sắc tộc Kachin gần Vân Nam, Trung Quốc nói không chỉ các diễn biến chính trị là quan trọng mà còn hàng nghìn người tỵ nạn Miến Điện đang chạy trốn giao tranh và đói nghèo sang các vùng biên giới cũng cần được quan tâm.
Với mọi phe phái tại Miến Điện, ngày thứ Sáu 13/1 lại là một ngày vui dù còn rất nhiều điều phải làm và làm đúng đắn, cẩn trọng để cả nước có một tương lai tươi sáng.

Không có nhận xét nào: