Bài phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc hội nghị trung ương lần 4 khóa 11 ngày 26/12/2011 nhằm gợi ý, định hướng để hội nghị thảo luận gồm 2 phần. Phần đầu “Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 – 2020″. Phần sau “Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay” nói ngắn gọn là đề án chỉnh đốn đảng. Phần này đã thu hút được dư luận cả trong, ngoài nước qua hàng loạt bài viết “Đổi mới và chỉnh đốn đảng”, “Chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ”, “Chỉnh đốn đảng hãy bắt đầu từ huyện Tiên Lãng”, “Chỉnh đốn đảng vì sự sống còn của chế độ”, “Chỉnh đốn đảng hay là sụp đổ”,…. Bởi đương kim tổng bí thư đã phải công khai thú nhận ” Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”. Không có gì mới.
Vẫn lấy “không ít”, “không nhỏ” để thay cho “nhiều”, “lớn”, “đại bộ phận” kiểu nói thường thấy trong các kiểm điểm đánh giá của lãnh đạo nhằm để người nghe cảm thấy những khuyết điểm, yếu kém,… chưa tới mức độ trầm trọng.
Vẫn là những câu chữ được lặp đi lặp lại trong các báo cáo đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ đại hội 8 tới nay.
Nhưng nó được đương kim tổng bí thư đưa ra cách thời điểm tổ chức đại hội đảng 11 chưa đầy năm. Thời điểm mà những âm vang của đại hội 11 như “dân chủ, trí tuệ”, “đại hội của đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm và đổi mới”,…vẫn chưa dứt làm dư luận thắc mắc không hiểu vì sao mà đội ngũ đảng viên ưu tú được lựa chọn sau đại hội này lại nhanh chóng “xuống cấp” đến thế! Đặc biệt nó chính là nguyên nhân để ông Trọng hỏi rồi tự trả lời ” Trong 3 vấn đề trên phải chăng vấn đề thứ nhất (ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất?”. Nghĩa là ông đã báo động: chỉnh đốn đảng là công việc cấp bách nhất hiện nay. Đây là một công việc không chỉ đảng viên mà ngay cả nhiều người ngoài đảng cũng biết khá tường tận. Đại hội nào cũng hô hào phải làm, từ “nhiệm vụ quan trọng” tăng lên thành “chủ yếu” đến “then chốt” và giờ đây là “trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”. Còn hiệu quả chỉ cần xem phần “tồn tại trong công tác xây dựng đảng” ở báo cáo chính trị của các đại hội đảng.
Đại hội 9 kiểm điểm công tác xây dựng đảng trong nhiệm kỳ của đại hội 8 ” Điều đáng lo ngại là không ít cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức, sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở đảng suy yếu”.
Tới đại hội 10 thì “điều đáng lo ngại” đã “diễn ra nghiêm trọng” “ Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”.
Sau một nhiệm kỳ nữa điều “diễn ra nghiêm trọng” đã có “diễn biến phức tạp” ” Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định phát triển của đất nước. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu” .
Gần một năm sau theo lời ông Trọng “diễn biến phức tạp” đó đã làm “xói mòn lòng tin với đảng”.
Như vậy công việc chỉnh đốn đảng của các nhiệm kỳ trước và một năm của nhiệm kỳ 11 không có hiệu quả đồng nghĩa với thất bại, với “càng chỉnh càng đốn”. Và một lần nữa ông Trọng lại quyết làm tiếp công việc ” xe cát” của “Dã Tràng”. Để các giải pháp đưa ra mang tính thuyết phục ông lần lượt đưa ra các nguyên nhân của “căn bệnh suy thoái”. Giống như những tiền nhiệm khi bị mất mùa vẫn đổ cho thiên tai(1) ông vờ thăm dò thực ra là nêu chính kiến “Phải chăng nguyên nhân khách quan của mặt yếu kém là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá, kích động chia rẽ, phân hóa nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân”. Nhưng cũng không quên chê bai các đồng chí của mình- những kẻ được “ngồi xổm trên pháp luật”, được núp dưới “chủ trương của đảng” để làm bất kỳ điều gì, được tùy tiện “bịt mồm” những người nói mình xấu, được…- đã “không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; việc tổ chức thực hiện nghị quyết không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm”. Tựa như trách những con mèo không chịu nhịn ăn miếng mỡ để bên cạnh(2).
Biết rằng “thượng bất chính thì hạ tắc loạn” nên đương kim tổng bí thư đã gợi ý những việc cần và có thể phải làm ngay theo thứ tự là ” trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”. Cũng chẳng có gì mới lạ.Vẫn là hình thức đấu tranh phê bình trong nội bộ đã có từ khi đảng mới thành lập. Nhưng lâu nay hầu như chỉ áp dụng để thanh lọc những đảng viên có quan điểm chính trị khác biệt. Còn những sai phạm khác như tham nhũng, lãng phí, sa đọa đạo đức, vô trách nhiệm,… của đảng viên nhất là ở cấp cao được phát hiện phần lớn không phải từ hình thức này. Vì từ lâu nó đã ngầm bị vô hiệu hóa. Chẳng hạn phê bình các đảng viên cao cấp nhất là các UVBCT bị đánh đồng là nói xấu đảng, nhà nước hoặc “tiết lộ bí mật quốc gia”, “tiếp tay cho các lực lượng thù địch”. Các đảng viên có chức có quyền thấp hơn thì được”tinh thần đoàn kết” theo nguyên tắc cấp trên bao che cho cấp dưới, cấp dưới nịnh bợ cấp trên “bảo kê”. Các đảng viên không có chức có quyền thì được che giấu vì sợ ảnh hưởng tới thành tích danh hiệu và sự thăng tiến của lãnh đạo đơn vị.
Vẫn là phong trào học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phát động tốn kém thời gian, tiền của nhưng vô tác dụng.
Nói công việc chỉnh đốn đảng thất bại cũng chưa hẳn là chính xác bởi đảng chỉ hô hào mà không hề làm. Lần này ông Trọng lại khởi xướng. Giả sử có một phép lạ nào đó để giải pháp cũ mèm của ông thực thi được thì sao nhỉ? Các đồng chí “cốt cán”của ông bị “chặt chém” gần hết. Có nghĩa là đảng của ông bị tiêu vong. Chắc hẳn vị đương kim tổng bí thư đầy năm chỉ muốn chỉnh đốn chứ không hề muốn cái kết cục này. Giải pháp ông đưa ra để “mua vui một vài trống canh”(3), để đánh bóng tên tuổi hay vì một lý do nào khác?
Dân Hà Nội có câu tục ngữ “Giàu như Phú – Lú như Trọng – Lật lọng như Nghiên – Tiêu tiền như Triệu.’’để nói về 4 nhân vật từng giữ các chức quan trọng nhất thành phố, là các ông Phùng Hữu Phú, chủ tịch; Nguyễn Phú Trọng, bí thư; Hoàng Văn Nghiên, phó chủ tịch và Nguyễn Quốc Triệu, phó bí thư. Các ông Phú, Nghiên, Triệu đều đã có các dẫn chứng cụ thể giải thích cho câu tục ngữ trên. Trường hợp ông Trọng hiện chưa có dẫn chứng cụ thể. Nếu ông thực sự muốn chỉnh đốn đảng thì các đề xuất trong bài phát biểu là lời giải thích bổ xung cho ý nghĩa của câu tục ngữ trên.
1/2012 TRẦN HOÀNG LAN
Chú thích:
(1) Ý trong hai câu thơ
“Mất mùa đổ tại thiên tai
Được mùa lãnh đạo thiên tài đảng ta
Được mùa lãnh đạo thiên tài đảng ta
(2) Câu thành ngữ “Mỡ để miệng mèo”
(3) Trong câu Kiều “Mua vui cũng được một vài trống canh”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét