Nhiều ý kiến cho rằng quản lý là cần thiết nhưng chỉ nên thực hiện đối với hoạt động dạy – học thêm bên trong nhà trường, các trung tâm giáo dục ngoài giờ hay những cơ sở dạy thêm có quy mô đông học sinh. Còn một số quy định như cấm dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ những trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của phụ huynh, phụ đạo các em kém; không dạy thêm với những học sinh học hai buổi/ngày… là không cần thiết, thậm chí bất công như “không cho giáo viên trường công tổ chức hoặc tham gia các lớp dạy thêm ngoài trường”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ân, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5 (TP.HCM) – cho biết: theo kinh nghiệm, việc dạy thêm có thể xuất phát từ hai mặt: một là giáo viên muốn tăng thêm thu nhập tổ chức lớp dạy thêm và bằng mọi cách thu hút học sinh; hai là những giáo viên dạy thêm theo yêu cầu và thoả thuận với phụ huynh. “Theo tôi chỉ nên đặt vấn đề quản lý đối với nhóm trên”, bà Ân thẳng thắn.
Bà Võ Ngọc Thu, trưởng phòng giáo dục quận 5 cho rằng, việc hạn chế một số nhà trường, giáo viên cố ý tổ chức dạy – học thêm tràn lan là đúng, nhưng đặt ra những quy định cứng nhắc như trong dự thảo liệu có hợp lý? Nếu việc kèm cặp học sinh là nhu cầu của phụ huynh và học sinh thì không thể cấm. Không khéo lại phát sinh tình trạng vượt rào, dạy chui – học chui còn khó xử lý hơn. Nhiều phụ huynh cho biết, ngay cả quy định không dạy chữ trước khi vào lớp 1 đối với trẻ mẫu giáo còn không thực hiện được, nói chi đến việc quản lý dạy thêm?
Nhu cầu có thật
Phụ huynh Phan Thị Thu Hà, có con đang học trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) nêu ý kiến: “Theo tôi việc cấm dạy thêm và học thêm cần phải được thực hiện triệt để, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Bởi vì chương trình học ở các cấp hiện nay đã quá nặng, hầu như trẻ không còn thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi, thậm chí muốn dạy cho chúng những thói quen phụ giúp gia đình như lau nhà, rửa chén… cũng không làm được”.
Tuy nhiên, đa số phụ huynh cho rằng, mấu chốt vấn đề học – dạy thêm hiện nay là chương trình trong sách giáo khoa quá nặng. Mặt khác, nhiều phụ huynh vì thiếu thời gian phải nhờ thầy cô kèm cặp con hoặc đơn giản “vì muốn lấy lòng giáo viên”. Phụ huynh Lê Thành Phương, có con đang học một trường tiểu học ở quận 1, nói: “Tôi đồng tình với việc không dạy thêm cho học sinh tiểu học và học sinh bậc trung học cơ sở đang học bán trú. Suy cho cùng, nếu ngành giáo dục thay đổi phương pháp dạy – học thì việc học của các cháu sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn và không cần phải học thêm”.
Theo bà Võ Ngọc Thu, trong nhiều năm qua ngành giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm – học thêm như: giảm tải chương trình, hạn chế cho bài về nhà, đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng cá thể… “Kèm theo những giải pháp đó, nếu giáo viên có tâm huyết với nghề thì nhà trường không cần phải tổ chức dạy thêm, học thêm”, bà Thu khẳng định.
Được biết, hiện nay nhiều trường cũng có nỗ lực hạn chế tình trạng giáo viên gây sức ép với học sinh bằng cách tổ chức các kỳ kiểm tra (từ 15 phút đến một tiếng) tập trung toàn khối lớp, với đề do nhà trường đưa ra. Một số trường tổ chức giáo viên dạy thêm tập trung trong trường bằng cách công khai giờ dạy của từng giáo viên để học sinh chọn lựa và đăng ký với giám thị.
Một giáo viên đang dạy ở trường THPT quận 12, cho biết: “Học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, vì có những học sinh không hiểu kịp bài khi ở trong lớp. Dạy thêm chỉ vô đạo đức khi giáo viên cố tình gây sức ép với trẻ bằng điểm”.
Diệu Thuỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét