HẢI PHÒNG (NV) -Chỉ trong ngày đầu tiên công bố bản “Kiến nghị của công dân” gửi Viện Kiểm Sát thành phố Hải Phòng, 400 người gồm rất nhiều trí thức nhân sĩ nổi tiếng ở Việt Nam đã ký tên kêu gọi xét lại lệnh truy tố những người trong gia đình ông Ðoàn Văn Vươn về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”
Khoảng 200 nông dân bị nhà cầm quyền cướp đất ở huyện Văn Giang, Hưng Yên và Dương Nội, Hà Ðông (Hà Nội) tới thăm gia đình ông Vươn, ông Quý. Họ bày bữa ăn ngay chỗ căn nhà bị phá để cùng ăn và chia sẻ với gia chủ. (Hình Blog Nguyễn Quang Vinh) |
Căn cứ trên kết luận của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận việc thu hồi đất rồi cưỡng chế tài sản của ông Ðoàn Văn Vươn là trái luật dẫn đến sự kháng cự bất đắc dĩ để bảo vệ tài sản.
Ngày 15 tháng 2, 2012, Luật Sư Ðoàn Vũ Hải thảo một bản kiến nghị gửi ông Lương Văn Thành, viện trưởng Viện Kiểm Sát thành phố Hải Phòng (ông này lại còn là đại biểu quốc hội), yêu cầu xét lại các tội danh gán cho ông Ðoàn Văn Vươn cũng như những người khác trong đại gia đình nhà ông.
Bản kiến nghị nêu ra những bằng chứng để tố cáo những người cầm đầu huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang là lợi dụng nhân danh chính quyền địa phương, cướp đoạt có tổ chức tài sản của đại gia đình ông Vươn.
Khi tổ chức cưỡng chế ngày 5 tháng 1, 2012 lại sử dụng cả lực lượng quân sự là “trái luật quốc phòng.” Hậu quả, để bảo vệ tài sản bị tước đoạt bất công, một vài viên đạn hoa cải đã được bắn ra từ một địa điểm không phải chỗ bị cưỡng chế mà lại bị cưỡng chế.
Các ông Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Sịnh, Ðoàn Văn Quý, Ðoàn Văn Vệ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) đều bị truy tố với tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ,” dù nhiều người trong số đó không có mặt ở chỗ nổ súng.
LS Triển cho rằng đoàn cưỡng chế là những người thi hành một nhiệm vụ “bất hợp pháp” thì không thể được gọi là “thi hành công vụ.” Người nhà ông Vươn chống lại chỉ là tự vệ chính đáng, không thể bị gọi là “giết người” với những viên đạn hoa cải có khả năng gây thương tích rất thấp.
Nguyên nhân dẫn đến chống đối, bản kiến nghị nói nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng “nuốt cam kết” để “giao cho người khác” đã dẫn tới chống đối.
“Do quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật (và cần phải xem xét truy cứu hình sự đối với những người đã ban hành những quyết định trái luật trên), nên việc cưỡng chế là trái pháp luật, không thể coi là thi hành công vụ, Vì vậy cần hủy bỏ tội danh chống người thi hành công vụ đối với các bị can này (kể cả với bà Thương và bà Hiền).”
Bản kiến nghị viết: “Ðoàn Văn Quý (và những người khác) sử dụng vũ khí thô sơ, tự tạo chống lại lực lượng xâm nhập trái phép không nên được coi là hành vi giết người. Những vũ khí này chỉ gây thương tích nhẹ (như trường hợp trong vụ án này), không gây nguy hiểm đến tính mạng cho người khác khi bắn từ xa (chỉ khi bắn tầm rất gần mới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị bắn). Như vậy không xác định được bị can Quý đã có ý tước bỏ tính mạng người khác, hành vi chống trả một hành vi trái pháp luật phải được coi là hành vi phòng vệ chính đáng. Nếu gây bị thương nhẹ cho một số chiến sĩ, chỉ nên coi đã vượt quá phòng vệ chính đáng.”
Bản kiến nghị cũng kêu gọi trả tự do cho anh em ông Vươn và người cháu đang bị giam giữ.
“Vụ án Ðoàn Văn Vươn sẽ là một vụ án lịch sử. Mỗi hành vi, quyết định liên quan đến vụ án này sẽ được lịch sử đánh giá. Vì vậy chúng tôi hy vọng ông với tư cách viện trưởng VKSNDTPHP, đồng thời với tư cách đại biểu Quốc Hội tại Hải Phòng sẽ cân nhắc những ý kiến nêu trong nội dung kiến nghị này của chúng tôi, đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt, hợp lòng dân.” Bản kiến nghị kết luận.
Trong khi đó, theo tin phổ biến trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, khoảng 200 dân oan của các xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân Quang huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên và dân Dương Nội, Hà Ðông, từng biểu tình nhiều lần hàng ngàn người chống giải tỏa đền bù bất công, đẩy họ vào vòng nghèo khó đã đến khu đầm thăm thân nhân ông Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý.
Họ nghe câu chuyện và cũng kể lại chuyện oan ức của họ với những cuộc biểu tình những năm 2009, 2011 hàng ngàn người và gần đây nhất là ngày 8 tháng 2, 2012. Biểu tình ở địa phương không ăn thua, họ kéo nhau lên Hà Nội biểu tình cũng rơi vào yên lặng.
Các nông dân đã đồng ký tên kêu gọi trả tự do cho anh em ông Ðoàn Văn Vươn. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét