Chỉnh đốn Đảng không thể chỉ dựa vào tinh thần tự giác bởi chẳng ai lại muốn lấy đá ghè chân mình…
Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2012), nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (ảnh) bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM những suy nghĩ của mình về Đảng, nhất là khi Trung ương vừa ra nghị quyết về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng Nguyễn Đình Lộc nói:
Ngần ấy năm theo Đảng, trải qua nhiều chức trách, nhiệm vụ, qua chiêm nghiệm thực tế, giới đảng viên già như chúng tôi có khá nhiều trăn trở. Hội nghị Trung ương 4 trước tết đã nói hộ chúng tôi điều day dứt bấy lâu nay là tình trạng suy thoái trong Đảng giờ rất nghiêm trọng. Phạm vi không còn là “một bộ phận”, “một bộ phận không nhỏ” như trước nữa, mà đã có thêm đuôi “trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Điều đó đòi hỏi, đúng như tên của nghị quyết là phải có giải pháp cấp bách. Nói thế để thấy Hội nghị Trung ương 4 đã mở ra hy vọng củng cố lại niềm tin, uy tín của Đảng trước nhân dân. Nhưng có làm được không, vẫn chờ câu trả lời từ thực tiễn.
Không thể chỉ dựa vào tinh thần tự giác
. Ông nói có hy vọng nhưng thực hiện được hay không vẫn phải chờ, tại sao vậy?
+ Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vốn là việc khó, giờ càng khó vì mức độ nghiêm trọng, phức tạp gia tăng. Đọc nghị quyết, nghe phát biểu của Tổng Bí thư thì thấy giải pháp vẫn chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của từng đảng viên, nhất là cấp cao. Với đảng chính trị nào thì yêu cầu đó cũng đúng. Nhưng với Đảng ta, đặt vào hoàn cảnh đặc thù một đảng duy nhất cầm quyền thì mới thấy tự giác là rất khó. Chẳng ai muốn tự lấy đá ghè vào chân mình, tự tước bỏ lợi quyền của mình cả…
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng đem lại niềm tin nơi nhân dân. Ảnh: HTD
Với đặc thù ấy, “đức trị” là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải “pháp trị”, thực sự dựa vào dân, trọng dân, thực hiện mọi quyền bính thuộc về dân, thì Đảng mới có động lực, sức ép để xây dựng, chỉnh đốn mình.
. “Pháp trị” ở đây là gì, thưa ông?
+ Đảng lãnh đạo chủ yếu dựa vào lòng tin của dân. Nhưng khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, như Bác nói, thì phải khác. Quyền của dân mà anh nắm thì nhân dân phải có quyền đòi hỏi, kiểm tra, giám sát. Chúng ta khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền thì những quyền ấy của dân phải được thực hiện bằng pháp luật, bằng quyền – nghĩa vụ pháp lý.
Chúng ta vẫn nói phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Vậy làm thế nào để đổi mới? Theo tôi, luật hóa sự lãnh đạo của Đảng là chìa khóa.
Đảng cầm quyền không thể bằng điều lệ, nghị quyết, quy định nội bộ của mình. Tất cả cần luật hóa mà quan trọng nhất cần có luật về Đảng. Có thế, nguyên lý mọi quyền lực thuộc về dân mới vận hành được. Có thế, Đảng mới thể hiện được vai trò chính trị – pháp lý của mình trước xã hội.
Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng
. Ông băn khoăn rằng Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu ra được những trăn trở, lo lắng của toàn Đảng, toàn dân nhưng vẫn còn câu hỏi “có làm được không”. Vậy luật hóa sự lãnh đạo của Đảng có giúp trả lời câu hỏi ấy?
+ Vấn đề này nhiều người đã đề nghị. Đảng vận hành quyền lực chính trị của mình trong khuôn khổ pháp luật là vấn đề quy luật của đảng cầm quyền. Nhìn ra các nước có chế độ đa đảng, có cạnh tranh chính trị mà họ vẫn cần luật về đảng chính trị. Vậy thì với đặc thù một đảng duy nhất cầm quyền như ở ta, điều này càng cần thiết. Chỉ có như vậy, người dân mới thực hiện được quyền lực của mình trước Đảng. Chỉ như vậy, Đảng mới giữ được vị thế của mình trước dân tộc. Chỉ có luật hóa sự lãnh đạo của Đảng mới ngăn chặn được lạm quyền.
. Ông nói Trung ương 4 hé ra một hy vọng… Hy vọng ấy cụ thể là gì ?
+ Nhóm giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là phê – tự phê, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương. Hy vọng các đồng chí sẽ kiểm điểm nghiêm khắc, liên hệ trách nhiệm bản thân, làm rõ tại sao những khuyết điểm, hạn chế của Đảng ta nói ra đã nhiều, đã lâu mà chưa được khắc phục.
Đã đến lúc thay đổi thói quen, lối mòn khen ngợi nhau, dễ dàng chấp nhận yếu kém, khuyết điểm của mình kéo dài mãi. Dân tin Đảng bởi Đảng có lịch sử máu xương, dấn thân vì lợi ích dân tộc. Nhưng lịch sử ấy đang dần lùi xa và niềm tin của dân thì không mù quáng. Đảng phải lắng nghe dân, trọng dân, có giải pháp để giữ niềm tin của dân vào Đảng.
. Xin cảm ơn ông.
Công khai, minh bạch với dân . Ông có vẻ mặn mà với giải pháp luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Vậy có thể hình dung cần bao nhiêu luật và làm thế nào để luật hóa? + Điều đó không đơn giản. Một quy định mới với dân, đi vào cuộc sống thành nề nếp còn khó, huống chi đối tượng điều chỉnh ở đây lại là đảng đang cầm quyền. Luật hóa hoạt động của Đảng thì mối quan hệ của Đảng – nhân dân, phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng đã đến lúc cần bàn thảo, thống nhất tư tưởng và có chủ trương. Thống nhất rồi thì mới có thể bắt tay vào nghiên cứu chi tiết. Trước mắt, tôi cho là có thể luật hóa một số nội dung để hoạt động của Đảng công khai, minh bạch hơn với dân. Lấy ví dụ, Quốc hội hoạt động công khai, vậy tại sao các hoạt động quan trọng như các hội nghị trung ương, đến đảng viên như tôi cũng chỉ tiếp cận được qua phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư, thông báo hội nghị của Văn phòng Trung ương. Tôi cho rằng người dân có quyền được biết hội nghị ấy diễn ra thế nào, các nội dung trực tiếp hay gián tiếp đều ảnh hưởng đến quyền lợi của dân được bàn thảo tranh luận ra sao. Ngoài ra có thể nghiên cứu thực hiện nhất thể hóa, người đứng đầu Đảng đồng thời là người đứng đầu nhà nước. Bằng cách ấy, sẽ có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với các vị trí chủ chốt trong Đảng. |
NGHĨA NHÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét