Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Nhìn Tây Tạng, Miến, Nghĩ VN

Tác giả : Vi Anh
Hai tấm gương đấu tranh kiên trì có kết quả khả quan, người dân Việt đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền có thể rút kinh nghiệm và tự an ủi, khuyến khích. Một là Tây Tạng sau gần nửa thế kỷ bị TC chiếm đang tiến dần đến cuộc Cách Mạng Áo Cà sa bị trấn áp trong nước hồi năm 2008, nay đã lan sang trong nội địa của TC tại các vùng đông người Tây Tạng ở như tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải và Cam Túc của Trung Quốc. Với những vụ tự thiêu chấn động công luận thế giới, của quí vị tăng ni để cúng dường cho chánh nghĩa giải trừ quốc nạn và pháp nạn do TC gây ra cho quốc gia dân tộc Tây Tạng. Hai là Miến điện đang trên đường dân chủ hóa sau gần một phần tư thế kỷ Bà Aung San Suu Kyi và lực lượng đối lập bị nhà cầm quyền quân phiệt cầm tù, quản thúc và trấn áp.

Có thể nói trong lịch sử cận đại và thời sự thế giới, chưa có một nhân vật nào bôn ba các nước nhiều như Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chưa có vị lãnh đạo tinh thần hay vị lãnh đạo quốc gia nào bền tâm, vững chí, sẵn sàng uốn mình qua ngỏ hẹp để vận động chánh quyền nhiều nước giúp giải trừ pháp nạn và quốc nạn cho Tây Tạng. Và chưa có một nhà đấu tranh nào bị chống đối như Đức Đạt Lai Lạt Ma bởi một chế độ như TC kiểm sóat một dân số 1 tỷ 3 người, đông nhứt hòan cầu, kinh tế đang lên hàng thứ hai trên thế giới, có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
TC chống Ngài liên tục, chuyện lớn nhỏ gì cũng chống, đến nỗi vị lãnh đạo quốc gia nào trên thế giời đồng ý tiếp kiến Ngài thì TC phản đối, hăm dọa sẽ có rắc rối ngọai giao, giao thương để ngăn cản. Kể cả tổng thống Mỹ đệ nhứt siêu cường, CS Bắc Kinh cũng áp lực chống việc tiếp kiến.
Dù chánh quyền các siêu cường Tây Phương ở Tây Âu và Bắc Mỹ biết rõ, ủng hộ chánh nghĩa và ngưỡng mộ Ngài, nhưng TC áp lực ngọai giao và giao thuơng quá mạnh khiến hầu hết các siêu cường Tây Phương vì quyền lợi của nước họ không dám gây áp lực về vấn đề Tây Tạng với TC.
Ngay khi mới đây TC bắn giết người Tây Tạng biểu tình ở Tứ Xuyên, Thủ Tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn đến điều tra. Nhưng quốc tế chẳng đáp ứng.
Quốc tế tránh né can thiệp vì TC có bang giao với 172 quốc gia và hầu hết các nước vì quyền lợi riêng mặc thị coi Tây Tạng là một phần lãnh thổ của TC. Nên cộng đồng quốc tế cho tới nay chỉ kêu gọi đối thoại và hòa dịu mà thôi.
Có trường hợp một số chánh quyền đã cấp chiếu khán nhập cảnh cho Đức Đạt lai Lạt Ma đến viếng thăm, dự lễ nhưng TC phản đối, nước đó phải rút lại visa. Người ngọai cuộc thấy điều đó cũng cảm nhận nỗi cô đơn, thất vọng. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma không than phiền, không dừng bước, mà tiếp tục chân cứng đá mềm và bền tâm vững chí trên con đường quốc tế vận để giải trừ quốc nạn và pháp nạn, để ngăn chận TC cào bằng văn hóa Tây Tạng để Hán hóa, mà mất văn hóa là mất tất cả.
Ngài đã chuẩn bị cho người sau tiếp tục như tạo điều kiện cho một người Mỹ gốc Miến Điện trẻ đang làm công tác nhà nghiên cứu của Đại Học Harvard lên thay Ngài trong chức vụ Thủ Tướng chánh phủ lưu vong.
Nói tóm lại, trong đời Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể không thành công trong công tác quốc tế vận giải trừ quốc nạn và pháp nạn, nhưng Ngài đã thành danh. Dù bị áp lực của TC, dù phải tránh né những rắc rối ngọai giao với TC, hầu hết các lãnh đạo quốc gia hết sức trọng thị và lắng nghe Ngài bày tỏ nổi niềm của một tôn giáo bị pháp nạn, một quốc gia dân tộc bị quốc nạn, một nền văn hóa bị TC ra sức cào bằng. Đặc biệt là công luận thế giới ngưỡng mộ Ngài như đã từng ngưỡng mộ thánh Gandhi của Ấn độ hay Nelson Mandela của Nam Phi.
Và gần VN hơn là trường hợp vững tâm bền chí đấu tranh của Bà Aung San Suu Kyi và lực lượng đối lập tại Miến Điện đã làm cho thế giới tăng áp lực chống nhà cầm quyền quân phiệt và nhà cầm quyền quân phiệt phải cải cách dân chủ. Sau non một phần tư thế kỷ, Tướng Thein Sein lên nắm chánh quyền dân sự và dân cử. Chánh quyền mới này thấy bao nhiêu năm đi với độc tài TC thì bị cô đơn, chống đối từ trong ra ngòai. Còn TC thì gậm nhấm dần tài nguyên đất nước, cơ nguy mất nước là mất tất cả gần kề, nên tìm đường hòa giải với Tây Âu, Bắc Mỹ để cứu nước, cứu dân và cứu chánh quyền do phe Ông lãnh đạo. Lãnh đạo Miến điện quyết định cắt bỏ dự án TC xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3.6 tỉ USD để tránh cho hàng ngàn người dân Miến và môi trường vùng làm đập bị thiệt hại trầm trọng.
Còn đối nội, quyết tâm cải tổ, dân chủ hóa, trả tự do cho Bà Aung San Suu Kyi và hàng trăm tù nhân, bãi bỏ luật quản chế các nhà dân chủ, công nhận đảng phái đối lập, công nhận quyền biểu tình, tổ chức bầu cử tự do, ngưng chiến với lực lượng sắc tộc thiểu số chống chánh quyền để tạo đòan kết dân tộc.
Nhờ vậy đại diện ngọai giao Mỹ, Pháp, Liên hiệp Quốc đến quan sát. Liên Âu gỡ bỏ cấm vận, Mỹ gỡ từng phần.
Để tỏ thiện chí xây dựng quốc gia, Đảng đối lập Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ tái họat động. Bà Aung San Suu Kyi và một số đảng viên ra ứng cử 46 ghế dân biều còn khuyết của Quốc Hội. Bà nói với báo chí sau khi nộp đơn ứng cử “… chúng tôi hy vọng được càng nhiều ghế càng tốt để phục vụ hiệu quả cho đất nước”.
Hai tấm gương của Đức Đạt lai Lạt Ma bền lòng chặt dạ đấu tranh giải trừ pháp nạn và quốc nạn cho Tây Tạng và của Bà Aung San Suu Kyi Khôi Nguyên Nobel Hòa Bình đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Miến Điện, là hai tấm gương thế nào người Việt đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN cũng nhìn và rút kinh nghiệm, để không nản lòng sau hơn 36 năm liên tục đấu tranh mà CS Hà nội độc tài đảng trị tòan diện vẫn còn thống trị quốc gia dân tộc VN.
“Bền chí là mẹ của thành công” là câu cách ngôn đa số đều có học hồi nhỏ. Trong chuyện lớn đấu tranh chánh trị – cách ngôn này cũng có giá trị – trong chánh trị không có chuyện một ngày một bữa mà thành công. Kiên tâm, bền chí với thời gian và lập trường là điều kiện tiên quyết để thành công. Thời Thực dân Pháp ở VN, chí sĩ Phan bội Châu của Việt Nam trong công cuộc chống thực dân Pháp rất có lý khi nói, đời ta không thành thì có con ta, con ta không thành thì có cháu ta.

Không có nhận xét nào: