Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Sáu mươi năm vẫn còn sợ

Phải ngậm ngùi mà hét lên, “cách mạng tài thật”. Việc làm của cách mạng diễn ra cách nay đã 60 năm, thế mà người ta vẫn còn sợ. Đối với cách mạng, cốt là “cách cái mạng” – như cụ Hồ nói – thì đường lối này đã thành công mỹ mãm quá rồi? Ở đây, cái mạng của cụ Đ. tuy chưa “cách” được nhưng đã để lại nỗi sợ hãi suốt đời, thì cũng coi như là đã “cách” được rồi. Các vị lãnh đạo hôm nay, liệu có hãnh diện và sung sướng trước nỗi sợ này không nhỉ? Cụ Trịnh Đ. (tôi giấu tên) năm nay đã 97 tuổi, người Thiệu Giang, phủ Thiệu Hoá, là một trong những người hoạt động đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh Phong kiến thời trước năm 1945. Cụ là anh em bên ngoại nhà tôi, có anh, lúc ấy là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến phủ Yên Định.

Năm 1951, quê cụ thực hiện giảm tô, gia đình cụ vướng vào thành phần địa chủ. Cụ bị bắt, bị đấu tố. May mắn cụ thóat được, ly hương ra Thủ đô Hà Nội, sống cho đếm hôm nay.
Biết tin cụ vẫn còn sống, vào những ngày cuối tháng 10/2011, tôi theo chú tôi từ Sài Gòn ra, đến thăm cụ tại Phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội.


Gặp nhau – mừng mừng, tủi tủi; hỏi thăm người này người kia- còn còn, mất mất. 97 tuổi mà cụ vẫn còn tỉnh táo lắm, miệng nói chưa chậm, tay viết chưa run, chữ nghiêng nghiêng, to, bay bướn, giống với hầu hết chữ viết của những người có học thời ấy.
Cụ nói, cụ có cả một cuốn nhật ký dày. Chẳng phải văn chương gì, nhưng nó là “mối hận” của một đời. Cụ còn làm thơ nữa. Khác với nhiều người, thơ cụ không bi lụy, đẫm nước mắt, mà là những ý, những từ “coi thời, xem thế”. Này là những thằng hèn, “chưa gì đã van xin”, nào là những kẻ “gắp lửa bỏ tay người” đắc ý một thời, nào là những tên vô lại “nhắm mắt làm càn” vênh vênh váo váo.
Cụ nói, phải cố mà sống, xem “ngày tàn của chúng”.
Rồi cụ đọc thơ. Tất nhiên là thơ lục bát.
Tôi ngỏ ý muốn được chép lại một vài bài thơ của cụ. Cụ không cho.
Tôi nói “sợ cái gì chứ?”.
Chú tôi bảo, cụ vẫn còn sợ đấy:
- Bác không biết cháu, nên không tin tưởng, sợ lại bị vạ như thời trước.
Chú tôi nói thêm:
- Bác Đ. là người bị bắt và bị đấu tố đợt đầu ở Thanh Hoá. Kinh khiếp lắm. Bác bị đánh đấm, rồi còn bị chúng nó cho vào cái rọ lợm, dìm xuống ao.
Cụ Đ. đình chính:
- Đâu có được dìm xuống ao ngay, chúng còn chửi rủa, hành hạ thân xác mấy tháng rồi mới bị chúng nó cho vào rọ lợn, dìm xuống ao. Còn sống được là nhờ chúng nó tưởng tớ đã chết.
Cụ kể thêm:
- Sau khi dìm mình xuống ao, đến chập tối thì chúng thấy tớ không cựa quậy gì nữa nên kéo lên, ném cả người, cả rọ vào góc vườn. Đang lúc mê man, bỗng thấy có mùi khai khai, hoá ra là một tay bần cố cải cách đang vắt chim tè vào người tớ. Nhờ nước đái của nó mà tớ tỉnh lại, sau đó, lần mở nút buộc rọ, rồi đang đêm chuồn khỏi quê nhà.
Cụ than: “Trong cải cách có biết bao là chuyện đau lòng!”.

Tôi thưa với cụ:
- Bây giờ có khác rồi đấy. Như cháu đây có truyện “Hậu Chí Phèo, Hậu Ngự Thiện” ít nhiều có nói về cải cách ruộng đất đấy, mà có làm sao đâu”.
Cụ nói, cụ chưa đọc và có nhã ý xin quyển sách này.
Tất nhiên là tôi sẽ đem sách đến biếu cụ.

Mong người già đắc thọ, trước khi ra về, chú tối biếu cụ một ít tiền tiêu vặt, cụ quắc mắt lên, chòm râu bạc rung rung, hỏi đầy khí khái:
- Tiền này có sạch không đấy?
Chú tôi thưa:
- Thưa bác, rất sạch. Nó là đồng tiền, tôi dành dụm từ các khỏan chi tiêu.
- Thế thì được.
Thế mới biết “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”. Tính người khảng khái thì lúc nào cũng khảng khái. Cái khí chất đó ở trong cụ Đ. gần 100 năm vẫn không đổi, dù “vật” đã “đổi”, “sao” đã “dời”.
Sáu mươi năm là kết thúc một vận hội. Người, cảnh vật sống quá sáu mươi năm như được tái sinh để sống tiếp một vận hội khác. Ấy thế mà nỗi sợ dường như chưa được lột xác và tái sinh, nó vẫn còn trong tâm khảm của cụ Đ. Mấy câu thơ của cụ, dù có là “phản động”, bây giờ có là gì nữa đâu. Ấy mà cụ vẫn sợ, khăng khăng không cho người khác chép lại hoặc cầm đi.
Ôi đấu tố! Ôi cái rọ lợn dìm người!
Phải ngậm ngùi mà hét lên, “cách mạng tài thật”. Việc làm của cách mạng diễn ra cách nay đã 60 năm, thế mà người ta vẫn còn sợ. Đối với cách mạng, cốt là “cách cái mạng” – như cụ Hồ nói – thì đường lối này đã thành công mỹ mãm quá rồi? Ở đây, cái mạng của cụ Đ. tuy chưa “cách” được nhưng đã để lại nỗi sợ hãi suốt đời, thì cũng coi như là đã “cách” được rồi. Các vị lãnh đạo hôm nay, liệu có hãnh diện và sung sướng trước nỗi sợ này không nhỉ?

Không có nhận xét nào: