Pages

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

VN yêu cầu TQ dừng hoạt động ở Biển Đông

Quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tại
Hoàng Sa kể từ đầu năm 2012
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối các hoạt động của một số bộ ngành Trung Quốc ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm đến nay.
Trong phiên họp báo thường kỳ hôm thứ Năm ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị một lần nữa khẳng địnhViệt Nam ‘có chủ quyền không thể tranh cãi’ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam,” ông nói.

Trái thỏa thuận

Ông Nghị cũng chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đã ‘làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.’
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký với Trung Quốc thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà ông Nghị cáo buộc là phía Trung Quốc đang làm trái.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cùng các bên liên quan hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Trước đó, theo báo chí Trung Quốc thì chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng từ đầu năm, nước này đã có các hoạt động dồn dập tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ trưởng giao thông Trung Quốc ra Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần. Cục trưởng Cục thể thao đến thăm đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa trong khi cục trưởng Cục ngư chính khu ‘Nam Hải’ loan báo nước này đang tính xây dựng căn cứ nghề cá trên đảo Phú Lâm cũng như xây cầu tàu và căn cứ cho dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.
Viện nghiên cứu môi trường và khảo sát công trình hải dương của ‘Nam Hải’ đang thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo ở Hoàng Sa.
Trước đó, tân Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Cơ Thanh đã phát biểu trong buổi đón tiếp tại tòa đại sứ Trung Quốc ở Manila hôm thứ Hai ngày 20/2 rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại hòa bình trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông
Bà Đại sứ Mã cũng nhắc lại lời của phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp mới đây tại Nhà Trắng rằng ‘chiều rộng của Thái Bình Dương có đủ không gian cho cả Mỹ và Trung Quốc hiện diện’.
“Tôi nghĩ điều đó thể hiện rõ ràng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác trong khu vực,” bà nói, “Chúng tôi nhìn nhận vai trò của mình ở đây là vai trò của hòa bình và ổn định và chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể làm việc cùng với Mỹ vì mục tiêu đó.”

‘Đường lối xuyên suốt’

Bình luận về những động thái gần đây của Bắc Kinh, TS sử học Nguyễn Nhã, người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa, nói với BBC rằng các động thái này chứng tỏ rằng ‘Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền của mình ở những đảo mà họ đã chiếm đóng’.
Giải thích lý do cho các hoạt động này của Trung Quốc trong bối cảnh nước này và Việt Nam vừa có các động thái làm giảm căng thẳng và cam kết không làm phức tạp thêm tình hình, ông Nhã cho rằng ‘Trung Quốc luôn như thế – nói một đằng làm một nẻo’.
“Cái gì về ngoại giao thì họ (Trung Quốc) cứ làm, còn cái gì thể hiện sức mạnh ở Biển Đông thì họ cũng cứ tiếp tục,” ông nói.
Còn về cách đối phó của Việt Nam, ông Nhã cho rằng Việt Nam nên kết hợp nhiều hoạt động, không chỉ ngoại giao mà còn kinh tế, quân sự.
“Trong lịch sử Trung Quốc luôn muốn thể hiện mình có sức mạnh nhưng kết quả thế nào thì đã thấy rõ,” ông nói, “Việt Nam luôn có đủ kiên cường để đòi lại những gì của mình.”
Ông nói vào lúc này Việt Nam vẫn phải tiếp tục con đường đấu tranh ngoại giao ‘khi còn yếu’ và một khi đã hùng mạnh ‘thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.’

Không có nhận xét nào: