Pages

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Chuyện ông Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh “tiền hậu bất nhất”?

 
 
Ông Phạm Văn Đức – Bí thư đảng ủy xã Hương Minh
 
Lê ThôngPhạm Hào
 
“Trái ngược với “trần tình” của ông Đức về việc GCNQSD đất là giả mạo, bà Lê Thị Lục, mẹ đối tượng Trần Văn Thế, khẳng định giấy GCNQSD đất của bà là do chính ông Đức làm rồi đưa cho bà sử dụng.
Sự việc ông Phạm Văn Đức – Bí thư đảng ủy xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị đứa cháu gọi ông bằng dượng giết hụt có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn do cách ứng xử thiếu trung thực của chính ông Đức.
GCNQSDĐ mà bà Lục nói là do ông Đức làm cho.
Trả tiền bảo vệ rừng bằng GCNQSD đất?
Trái ngược với “trần tình” của ông Đức về việc GCNQSD đất là giả mạo, bà Lê Thị Lục, mẹ đối tượng Trần Văn Thế, khẳng định giấy GCNQSD đất của bà là do chính ông Đức làm rồi đưa cho bà sử dụng. Sự việc bắt đầu từ khi chồng bà là ông Trần Xuân Diện và xã Hương Minh đã có hợp đồng cam kết ngày 20/10/1992 để bảo vệ 2.000 ha rừng dự án.
Được biết, dự án bảo vệ rừng này là do Chính phủ Hà Lan tài trợ cho Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang. Sau đó, Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang lại giao cho chính quyền xã Hương Minh để hợp đồng với người dân bảo vệ.

Giấy xác nhận của Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang về việc gia đình bà Lục đã từng nhận hợp đồng bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, sau khi nhận 2.000 ha rừng từ dự án, chính quyền xã Hương Minh chỉ tiến hành hợp đồng duy nhất với gia đình bà Lục. Có một điều lạ là bà Lục lúc đó không phải là công dân của xã Hương Minh?
Việc đứng ra kí kết hợp đồng giữa hai bên được thực hiện gồm: ông Phạm Văn Đức – Chủ tịch UBND, kiêm Chủ nhiệm HTX; ông Phạm Văn Quang, phó chủ tịch; ông Phạm Hồng Vân, xã Đội trưởng đại diện cho bên A với ông Trần Xuân Diện (chồng bà Lục) đại diện bên B.
Theo hợp đồng, trong tổng số 2.000 ha rừng được bảo vệ thì gia đình bà Lục đảm nhận 60 ha và toàn bộ diện tích đập nước ở xóm 2 để nuôi cá. Diện tích còn lại do chính quyền xã Hương Minh tự quản lí.
Số tiền bảo vệ rừng là 19.000 đồng/ha/năm, thời gian bảo vệ 3 năm. Riêng diện tích đập nước để nuôi cá có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng mỗi lần thu hoạch cá gia đình bà Lục phải trích 5% nộp vào ngân sách của xã.
Toàn bộ nội dung của bản hợp đồng bảo vệ rừng và thuê đập để nuôi cá giữa gia đình bà Lục và UBND xã Hương Minh đều do ông Đức soạn thảo. Sau khi dự án tài trợ kết thúc, số tiền bảo vệ rừng từ dự án mà UBND xã Hương Minh nhận được là 114 triệu đồng. Trong đó, tiền bảo vệ rừng mà gia đình bà Lục được nhận theo hợp đồng là trên 3 triệu đồng.
Bà Lục cho biết: “Tiền bảo vệ rừng hồi đó gia đình tôi không nhận được một đồng nào cả. Ông Đức đã trả số tiền đó bằng GCNQSDĐ mà hiện nay tôi đang ở. Thời đó miếng đất này cho cũng không ai lấy, chứ đâu giá trị như bây giờ. Ngôi nhà mà hiện nay chúng tôi đang ở cũng chính là ông Đức bán cho”.
Trao GCNQSDĐ cho chúng tôi xem, bà Lục nói thêm: “Tôi được ông Đức đưa cho cái này vào cuối năm 1999″.
Theo số liệu được ghi thì GCNQSDĐ mang tên Lê Thị Lục được cấp vào ngày 20/11/1998, do ông Phan Văn Tích, chủ tịch UBND huyện Hương Khê ký, số vào sổ sử dụng là 607.
Ông Bí thư “tiền hậu bất nhất”?
Khi được hỏi có chuyện ông đã trả GCNQSDĐ cho bà Lục thay cho số tiền bảo vệ rừng mà gia đình bà đã hợp đồng với xã Hương Minh như bà Lục phản ánh không thì ông Đức nói: “Xã Hương Minh chưa bao giờ làm hợp đồng bảo vệ rừng theo dự án với gia đình bà Lục. Mọi cái bà Lục nói ra cũng chỉ để vu vạ cho tôi”.

Hợp đồng BVR và sử dụng diện tích đập nước ở xóm 2 giữa xã Hương Minh với gia đình bà Lục. (mặt trước)

Hợp đồng BVR và sử dụng diện tích đập nước ở xóm 2 giữa xã Hương Minh với gia đình bà Lục (mặt sau).
Khi chúng tôi hỏi lại là không có việc gia đình bà Lục làm hợp đồng bảo vệ rừng thì tại sao lại có sự xác nhận của Ban bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang hồi đó thì ông Đức “đá” lại: “Xác nhận đó là do ông Trần Thanh Long (ôn Long nguyên là Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang – PV) tự ý ghi ra”.
Khi chúng tôi đưa ra bản Hợp đồng bảo vệ rừng cùng với việc thuê diện tích hồ nước ở xóm 2 để nuôi cá giữa chính quyền xã Hương Minh do chính ông Đức ký với với ông Trần Xuân Diện thì ông Đức nói là bản hợp đồng này đã không còn giá trị.
Chẳng lẽ ông Đức không thể phân biệt nỗi giữa bản hợp đồng không còn giá trị với việc đã từng kí kết hợp đồng là hai việc hoàn toàn khác nhau?
Sự tráo trở này cho thấy ông Đức đã ứng xử thiếu trung thực.
Theo: Tamnhin.net

Không có nhận xét nào: