Trần Khải
Chính phủ Phi Luật Tân đã dịu giọng với Trung Quốc về Biển Đông, và gửi lời nhắn là có thể sẽ có một thỏa hiệp để chấp nhận Trung Quốc vào vùng đảo Trường Sa nơi Phi đang tranh chủ quyền để “cùng khai thác dầu khí” với điều kiện 60% lợi tức sẽ thuộc về chính phủ Phi. Đó là một chuyển biến đáng ngại cho Việt Nam.
Hãy hình dung rằng, nếu VN chấp nhận cho TQ vào vùng biển do VN đang kiểm soát và đang tranh chấp chủ quyền với TQ để khai thác dầu, với khẩu hiệu TQ luôn luôn đưa ra là tạm gác tranh chấp để cùng khai thác kinh tế, chắc chắn sẽ là một cớ để TQ sau này ra Liên Hiệp Quốc tranh biện rằng chính VN đã chấp nhận vùng tranh chấp đó đã có sự hiện diện của TQ để khai thác kinh tế. Đó là một cớ để sẽ dằng dai hoài, cho dù có ra trước tòa quốc tế nào đi nữa.
Thêm câu hỏi nữa: nếu tạm gác tranh chấp để cùng khai thác kinh tế, tại sao không để ngư dân VN vào đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, nơi nhiều thế hệ ông cha của ngư dân Việt đã đánh cá từ lâu và là nơi Hải Quân TQ tấn công Hải Quân VNCH để đánh chiếm từ năm 1974?
Nhà bình luận Xu Tianran trên ấn bản 19-3-2012 của báo Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) ở Bắc Kinh vui mừng gọi diễn biến hôm Chủ Nhật là “Chính phủ Manila dịu giọng về Đảo Trường Sa (TQ gọi là Nansha)”.
Tại sao Phi mời TQ vào khai thác chung ở vùng Trường Sa thuộc Phi?
Ngoại Trưởng Phi Albert del Rosario qua cuộc phỏng vấn của News5 nói rằng TQ đã có nhiều gợi ý về thăm dò chung và khai thác chung vùng đảo Trường Sa, thuộc Biển Tây Phi mà Việt Nam gọi là Biển Đông, ngay cả khi TQ nói rõ rằng vùng tranh chấp đó là thuộc chủ quyền TQ.
Hiện thời vùng Trường Sa ở Biển Đông là thuộc một phần hay toàn phần tranh chấp bởi 6 quôc gia, đó là Phi, TQ, Việt Nam, Đaì Loan, Brunei và Mã Lai và là nơi được tin là có nhiều mỏ dầu, khí và khoáng sản.
Mới đây, Bộ Năng Lượng Phi nói là sẽ cho thăm dò vùng Recto Bank (còn gọi là Bãi Cỏ Rong — Reed Bank). Năm ngoái, một tàu thăm dò do hãng Phi thuê đã bị tàu TQ chận lại ở Bãi Cỏ Rong, nơi mà TQ nói là chủ quyền TQ. Rồi mới đây, Đaì Loan loan báo phản đối thăm dò dầu ở Bãi này.
Del Rosario khẳng định rằng Bãi Recto Bank là thuộc chủ quyền Phi. Phó Chủ Tịch TQ Shin Jingping là một trong vài người nếu ý tưởng khai thác chung, và Del Rosario thú nhận rằng vẫn chưa đóng cửa về khả năng này.
Del Rosario nói, “Nếu họ muốn khai thác chung, thăm dò chung ở đó — chúng ta sẽ đồng ý như thế, với điều kiện làm theo luật Phi.” Ông nói rằng, theo luật Phi, sẽ có 60% thương vụ của hợp tác đó là thuộc về chính phủ Phi.
Tuy nhiên, rõ ràng là Phi đã nhượng bộ như thế, sẵn sàng chia tứ-lục, vậy mà TQ vẫn chưa hài lòng.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ghi lời một số học giả TQ rằng, TQ sẽ không đồng ý cho Phi chia phần lớn hơn trong hợp tác khai thác chung này.
Zhuang Guotu, người tự nhận là chuyên gia về Biển Đông và hiện là Khoa Trưởng Đại Học Nghiên Cứu Đông Nam Á tại đại học Xiamen University, nói với Hoàn Cầu Thời Báo, “TQ sẽ không chấp nhận rằng 60% mức thu là về phía Phi, vì điều kiện này lá chấp nhận chủ quyền lãnh thổ của Phi [trên Bãi Cỏ Rong].”
Zhuang cũng ghi nhận, dù vậy, như thế là Phi cũng dịu giọng rồi. Đồng thời, Zhuang hù dọa, rằng tuy TQ cam kết không giải quyết chủ quyền Trường Sa bằng vũ lực, nhưng “TQ sẽ bảo vệ quyền lợi TQ bằng cách củng cố hoạt động tuần hải và thực thi luật hàng hải.”
Lời đó hẳn nhiên là nặng kí, vì năm ngoáí đã có chuyện xảy ra: hồi tháng 3-2011, một nhóm tàu hải giám Trung Quốc đã tới xua đuổi tàu thăm dò dầu do Phi đưa tới Bãi Cỏ Rong tại Trường Sa.
Có nghĩa là, muốn khai thác dầu Biển Đông là sẽ bị TQ quấy rối hoài.
Một điểm cần chú ý cũng hôm Chủ Nhật 18-3-2012, báo Business Mirror của Phi Luật Tân ghi lời chuyên gia về chính trị Đông Nam Á Carlyle Thayer, giáo sư đạị học ở University of New South Wales và Học Viện Quốc Phòng Úc Châu, thúc giục chính phủ Phi Luật Tân và chính phủ CSVN phải có những bước củng cố “chủ quyền quốc gia” về các khu đặc quyền kinh tế ở Biển Đông.
Trong bài viết nhan đề “Security Cooperation in the South China Sea: An Assessment of Recent Trends” (Hợp Tác An Ninh ở Biển Đông: Lượng Định Các Khuynh Hướng Gần Đây), GS Thayer nói rằng sự mềm yếu của Manila sẽ chỉ mời gọi Bắc Kinh “hành động hung hăng thêm.”
Ông cũng thúc giục ASEAN và cộng đồng quốc tế, những nước có tàu hàng đi xuyên qua Biển Đông, hãy chạm trán về mặt ngoại giao với TQ về hành vi “hung hăng giành biển.”
Bản đồ chín khúc, hay bản đồ lưỡi bò hình chữ U mà TQ vẽ lấy chủ quyền ở Biển Đông đã lẹm vào nhiều đảo của Việt Nam và Phi. Do vậy, Thayer gọi đó là phi lý, khi việc thăm dò dầu của taù Phi ở Bãi Cỏ Rong và khu vực khác ở nhóm đảo KIG, và ngay cả khi VN thăm dò dầu trong vùng biển VN cũng bị TQ xem là hành vi “cướp bóc tàì nguyên” và là một thách thức với hiện hữu của TQ.
Soong Enlai, chủ tịch hội đồng quản trị của hãng dầu quốc doanh TQ China National Offshore Oil Corp. (CNOOC), trước đó đã nói rằng đất nước TQ mất khoảng 20 triệu tấn dầu hàng năm, tức là khoảng 40% tổng sản lượng dầu khai thác hải ngoại của TQ, chỉ vì các hành vi như thế ở Biển Đông (do Phi và VN khai thác dầu).
Thayer nhắc rằng, hồi tháng 3 năm ngoái, Ngoạị Trưởng TQ Yang Jiechi tuyên bố rằng chính sách ngoiạ giao TQ sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế TQ. Tuyên bố này ngay lập tức theo sau là một lời cảnh cáo đối với bất kỳ việc thăm dò nào trong các vùng biển mà TQ đã khoanh bản đồ ở Biển Đông, đồng thời tăng cường tuần hải và tuyển mộ thêm 1,000 thủy thủ cho lực lượng hải giám TQ để nâng quân số này lên 10,000 người.
Nhìn các diễn biến mấy năm qua, chúng ta đã thấy Việt Nam thực tế đã dịu giọng từ trước khi Phi Luật Tân dịu giọng. Những cuộc biểu tình đòi chủ quyền Biển Đông ở Sài Gòn và Hà Nội đã bị vùi dập tệ hại, trong đó chị Bùi Minh Hằng đã bị đẩy vào trại cải huấn lấy cớ là gây rối loạn đường phố.
Không chỉ chuyện của năm ngoáí. Thực ra, cuộc biểu tình đầu tiên đòi chủ quyền Biển Đông là cuối năm 2007, do anh Điếu Cày và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do tổ chức ngay giữa Sài Gòn sau khi TQ tuyên bố lập huyện Tam Sa để quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Bây giờ anh Điếu Cày vẫn còn bị giam, bất kể là án tù đã mãn từ lâu.
Chính phủ Hà Nội đã dịu giọng từ lâu. Bây giờ chính phủ Phi cũng dịu giọng. Có vẻ như, Biển Đông sắp bị bán cho TQ, không kiểu này thì cũng kiểu khác.
Riêng với VN, chắc chắn TQ không chỉ đòi Biển Đông, mà đã và đang dùng nhiều cách để hiện diện ở các vùng khác và lĩnh vực tại VN, từ rừng đầu nguồn cho tới mỏ bauxite, từ phim Lý Thái Tổ cho tới đòi hỏi dạy tiếng Hoa cho trẻ em VN 4 tiết/tuần.
Không lẽ, tới thời nhà Hồ là VN bị xóa sổ hay sao? Có cơ may nào khác hơn không? Đành chờ vậy.
Theo: Việt báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét