Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
Nước Nga căng thẳng chờ đợi bầu cử Tổng thống
Áp-phích tranh cử của các ứng viên Tổng thống
tại một phòng phiếu ở Stavropol, ngày 03/03/2012.
REUTERS/Eduard Korniyenko
Thụy My
Hôm nay 03/03/2012 người dân Nga im lặng chờ đợi trong bầu không khí căng thẳng cuộc bầu cử Tổng thống ngày mai, là dịp để Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin có thể quay lại điện Kremlin dù đang có phong trào phản kháng chưa từng thấy chống lại ông.
Theo luật bầu cử Nga, hôm nay là « Ngày im lặng », cấm tất cả các hoạt động vận động trước khi bước vào cuộc bầu cử Chủ nhật 4/3. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được công bố vào cuối tháng Hai cho thấy ông Putin sẽ giành thắng lợi ngay từ vòng đầu với 60% số phiếu. Nhưng phe đối lập đã làm mọi cách để huy động cử tri, nhằm buộc nhân vật quyền lực nhất nước Nga phải vượt thêm vòng bầu thứ hai.
Ông Putin phải tranh cử với bốn ứng cử viên khác luôn cố tránh né việc đả kích trực diện viên cựu sĩ quan KGB đã từng làm Tổng thống suốt hai nhiệm kỳ, và không có khuôn mặt đối lập kiên định nào được phép ra ứng cử.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhiều báo đài nước ngoài được công bố hôm qua, ông Vladimir Putin cho biết là ông tin chắc sẽ được đa số dân Nga ủng hộ, ngay cả tại các thành phố lớn và trong giai cấp trung lưu vốn đang có phong trào phản kháng. Theo ông Putin thì chỉ đơn giản là số người ủng hộ ông có ít hơn, nhưng họ vẫn chiếm đa số.
Liên minh đối lập được hình thành từ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12/2011 mà theo họ là gian lận hàng loạt, đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng thấy tại Matxcơva kể từ 12 năm qua, và dự kiến sẽ tiếp tục biểu tình ngay từ thứ Hai 5/3 tại trung tâm thủ đô nước Nga.
Theo các nhà quan sát của tổ chức Golos, thì chiến dịch tranh cử Tổng thống lần này được đánh dấu bằng việc mọi nguồn lực nhà nước đều được tận dụng tối đa để vận động cho ông Putin. Bên cạnh đó là chính sách trấn áp các nhà đối lập và các tổ chức nào muốn giám sát cuộc bầu cử.
Về phía đương kim Thủ tướng Putin thì lên án phe đối lập là công cụ của phương Tây, chính họ đã chuẩn bị các vụ gian lận, và ngay cả mưu toan ám sát một người trong phe mình để vu cáo chế độ. Trong một bài diễn văn gay gắt đọc trước những người ủng hộ vào tuần rồi, ông Putin còn coi kỳ bầu cử này là « một cuộc chiến đấu mới của nước Nga ».
Đắc cử Tổng thống lần đầu tiên năm 2000 với tỉ lệ 53% phiếu bầu trong khi đang tạm thay ông Boris Eltsine, ông Putin đã tái đắc cử năm 2004 với tỉ lệ 71%. Theo các nhà xã hội học, đó là nhờ mức sống được nâng cao do dầu hỏa tăng giá, và tái lập được ổn định. Buộc lòng phải rời điện Kremlin do Hiến pháp không cho giữ chức Tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin vẫn là nhân vật quyền lực nhất nước Nga. Sau khi sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm, nếu đắc cử lần này thì ông có thể sẽ tiếp tục làm Tổng thống đến tận năm 2024.
Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, thì nếu quay lại điện Kremlin, ông Putin sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước. Một trung tâm phân tích châu Âu nhận định, phong trào phản kháng sau cuộc bầu cử Quốc hội gian lận tuy chưa đe dọa được quyền lực của Putin, nhưng là dấu hiệu cho thấy một nước Nga ngày càng bất ổn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét