Pages

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Phê và tự phê – ít ai tự nhận lỗi của mình


Đảng viên tại Đại hội Đảng.

Việt Anh

Sau bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị triển khai quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đã có nhiều ý kiến đóng góp, phân tích mổ xẻ nhằm thực hiện tốt nghị quyết này. Báo Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó ban Tổ chức trung ương Đảng.

Thưa ông, ông có nhận định gì về bối cảnh hội nghị triển khai nghị quyết Trung ương 4?
Có thể nói rằng chưa có nghị quyết nào của Đảng được phổ biến một cách chính quy và quy mô như lần này, với hơn 1.000 người đến nghe và Tổng bí thư trực tiếp chỉ đạo. Trong bài phát biểu của Tổng bí thư đã nhấn mạnh sự cấp thiết đến mức nói “sống còn”, “cấp bách”… Bởi một thực tế là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện cơ hội, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Đó là một thực tế vô cùng nhức nhối, chúng ta cứ hình dung như cái cây bị sâu mọt đục thủng ruột.
Tổng bí thư đã nhấn mạnh “kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Đảng ta có quy định phê và tự phê hàng năm vào cuối năm với đảng viên. Cán bộ về hưu thì cuối năm cũng phải nộp cho chi bộ nơi mình sinh hoạt bản kiểm điểm. Trong đó phải chỉ ra những ưu khuyết điểm, những nhiệm vụ hoàn thành hay không… để chi bộ nhận xét đóng góp ý kiến. Thì đó là phê bình thông thường và bình thường.
Theo tôi, đợt phê bình và tự phê bình lần này là khác. Bây giờ nổi lên các vấn đề cấp bách, trong đó có chống suy thoái về tư tưởng, chống suy thoái về đạo đức trong các đảng viên. Ai dính đến suy thoái thì phê bình. Nhưng bây giờ có ai nhận là mình suy thoái không? Phải phân biệt với phê bình theo điều lệ Đảng hàng năm.
Tôi cho rằng đợt sinh hoạt chính trị thực hiện nghị quyết Trung ương 4 là cuộc đấu tranh gay gắt quyết liệt, có thể là giằng xé giữa cái đúng với cái sai, giữa chân lý và không chân lý, giữa cái được và cái mất. Cái được và cái mất cũng gay gắt, bởi nghị quyết lần này nói đến chống suy thoái, thì phải nhận định trong Đảng có suy thoái và phải chống, bằng phê bình và tự phê bình. Nhưng không phải bằng thanh lọc Đảng, không phải cuộc đấu tố, không phải tố cáo lẫn nhau, bôi nhọ, vu khống, đả kích lẫn nhau, mà cùng tiến bộ. Khó là ở chỗ đó.
Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải phát động một cuộc vận động toàn Đảng toàn dân tham gia chỉnh đốn Đảng. Người dân chỉ cho cho Đảng những con sâu con mọt bằng nhiều hình thức, nhiều kênh.
Vậy phê bình là như thế nào? Trong cuộc đời tôi làm công tác ở ban Tổ chức Trung ương nửa thế kỷ, ít ai tự nhận lỗi của mình, khó lắm. Chẳng hạn như vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua, đến mức huyện, tỉnh không giải quyết được, Thủ tướng phải lập đoàn kiểm tra mới giải quyết được. Rồi như vụ hai quan chức ở Sóc Trăng đánh bạc…Rất nhiều vụ đổ vỡ thì mới bị phanh phui ra, chứ ai tự nhận là tôi suy thoái, tôi nhận hối lộ, bao che cho người làm ăn phi pháp đâu.
Vậy theo ông, để đợt phê và tự phê lần này có hiệu quả thì cần phải như thế nào?
Muốn phê bình và tự phê bình có hiệu quả thì phải có sự tham gia từ hai phía, một là tự giác, tự xác định mình của chính các đảng viên và hai là tập thể, quần chúng. Tức là nếu có tín hiệu, dư luận gì của quần chúng về trường hơp A, B, C nào đó, không nhất thiết phải có đơn tố cáo thì tổ chức Đảng phải đi kiểm ra rõ rồi dùng phê bình và tự phê bình để họ nhận, nếu không nhận thì có chứng cứ khiến họ tâm phục khẩu phục.
Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải phát động một cuộc vận động toàn Đảng toàn dân tham gia chỉnh đốn Đảng. Người dân chỉ cho Đảng những con sâu con mọt bằng nhiều hình thức, nhiều kênh. Ví dụ như trong cùng một xóm, một cơ quan thì mọi người đều biết ai làm ăn thế nào, giàu nghèo thế nào…
Khi phát động cuộc vận động thì người dân sẽ có ý thức giám sát Đảng.
Đấy là đối với quần chúng, còn nếu cán bộ cấp dưới giám sát cấp trên trong cùng cơ quan thì sao, thưa ông?
Phải đưa vào quy chế, phải bình đẳng, xét về chức vụ anh lãnh đạo tôi nhưng cùng là đảng viên thì có mối quan hệ bình đẳng. Nếu cứ để nhân viên ra ngoài nói nọ kia nhưng vào cuộc họp giơ tay ủng hộ ào ào thì hỏng.
Cơ quan nào cũng phải lắng nghe ý kiến của tập thể, của số đông. Cho nên từ xưa các cụ đã nói là dùng ba thứ. Thứ nhất là đức trị, tức là người đứng đầu phải anh minh, sáng suốt. Thứ hai là dân trị, người vi phạm lúc nào cũng sợ nhất là dân. Thứ ba là pháp trị, nêu ra kỷ luật, xem xét, nếu cần có thể truy tố, khởi tố.
Tôi cho rằng sự suy thoái trong Đảng bắt đầu là từ tham nhũng. Chúng ta nói đến chống suy thoái của đảng viên về mặt chính trị và lối sống. Chính trị thì là lý tưởng phân hoá, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Còn suy thoái lối sống chủ yếu là tham nhũng mà thôi. Người dân vẫn rất yêu Đảng nhưng mất niềm tin cũng vì tham nhũng.
Và để sửa sai thì phải bắt đầu từ xây dựng chế độ mình cho mạnh lên, tóm lại là loại trừ tham nhũng, những kẻ sâu mọt và cơ hội, cần phải mạnh tay.
Nếu nói tham nhũng ở Việt Nam là do tiền lương thấp, tôi không đồng tình. Thời kháng chiến trước đây không khó khăn à? Bây giờ ra kinh tế thị trường, lại có cơ chế xin cho…
Cho nên cái lớn nhất là phải có “cái phanh”, tức là có một cơ chế giám sát quyền lực.
Với nhiều năm làm công tác cán bộ Đảng, ông có gửi gắm gì?
Tôi đúc kết rằng, nếu trên nghiêm thì dưới sẽ sợ, trên thẳng thì dưới không nghiêng.
Bài học kinh nghiệm là người đứng đầu một tổ chức Đảng, một cơ quan nhà nước, người đứng đầu phải mẫu mực. Người đứng đầu phải có bốn phẩm chất, một là bản lĩnh, gặp sóng to gió lớn thì phải kiên cường, hai là gương mẫu, ba là có đạo đức, và bốn là phải sát dân.
Tổng bí thư cũng nói đến tăng cường chất vấn trong Đảng. Theo ông, cụ thể cần làm như thế nào?
Ban chấp hành Trung ương phải tổ chức chất vấn, trung ương chất vấn Bộ Chính trị, các uỷ viên Bộ Chính trị chất vấn các uỷ viên Trung ương phụ trách các tỉnh. Quan trọng là phải cải tiến cách chất vấn. Không phải là nói tràng giang đại hải, mà phải đi thẳng vào vấn đề, vấn đề số 1 có hay không, chứ nhiều ông lòng vòng rồi hết thời gian. Và để làm được thì phải có người cầm trịch.
Như Tổng bí thư nói dân chủ trong Đảng, nếu được thế thì tốt quá. Bác Hồ đã dặn dò phải dân chủ rộng rãi, nhưng chưa ai giải thích mấy về chữ rộng rãi ở đây.
Việt Anh (thực hiện)
Theo: SGTT

Không có nhận xét nào: