Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Ngày Phụ nữ thế giới tuy rầm rộ và được nhiều nước tôn vinh nhưng rất nhiều phụ nữ Việt Nam tỏ ra hững hờ với ngày này vì thực chất vẫn chưa đúng với sự mong mỏi của họ.
Làng quê thiếu bóng phụ nữ
Mặc Lâm: Xin chào chị Quế Mai. Một lần nữa xin chị nhận nơi đây lời cảm ơn của chúng tôi về thời gian chị dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do một buổi nói chuyện rất đặc biệt nhân ngày 8 tháng 3 hôm nay. Thưa chị, chúng tôi được biết chị là một chuyên gia trong lãnh vực hỗ trợ phát triển, xin chị cho biết nhận xét chung về vấn đề phát triển bền vững trong khu vực Châu Á.So với các nước khác, phụ nữ Việt Nam có một vị thế khá tốt khi nói về vấn đề bình đẳng giới, nhưng phụ nữ Việt Nam cũng bị áp lực rất nhiều.Nguyễn Phan Quế Mai: Công việc của em không chỉ làm ở Việt Nam mà em làm ở nhiều quốc gia lắm. Em cũng đi khảo sát và làm ở rất nhiều nơi như Lào, Thái Lan, Kampuchia, Bhutan, Nepal, thì thấy ở miền quê của những nơi đó có những hoàn cảnh tương tự như Việt Nam mình. Có những trường hợp rất đau lòng, trẻ con bị bắt cóc phải đi làm lao động rất sớm, rồi cha mẹ cũng thiếu nhận thức. Nói chung tình trạng rất phức tạp khi Châu Á càng ngày càng phát triển mà sự ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn, và chính những tầng lớp thấp trong xã hội là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, và thiệt thòi lớn nhất đối với họ là thiệt thòi về cơ hội, tức là họ không có khả năng tiếp cận với các cơ hội, cho nên họ bị bỏ xa. Tức là xã hội thì cứ phát triển mà họ thì càng ngày đi giật lùi.
Nguyễn Phan Quế Mai
Mặc Lâm: Có nhiều ý kiến cho là sự phát triển không đồng đều trong xã hội sẽ dẫn đến những hệ lụy về bình đẳng giới, và ngược lại, những vấn đề bình đẳng giới cũng là một trong những rào cản cho sự phát triển bền vững của xã hội. Theo kinh nghiệm của chị thì câu hỏi này có thể được giải thích như thế nào?
Nguyễn Phan Quế Mai: Bây giờ về những làng quê Việt Nam có một vấn đề em rất là trăn trở, đó là em thấy làng quê bây giờ không còn thuần Việt nữa. Đất thì người ta bán đi, những cánh đồng trồng lúa bị bỏ hoang rất nhiều, cỏ mọc um tùm hầu hết. Và bây giờ ở các làng quê thiếu bóng dáng phụ nữ, vì phụ nữ phải bương chải đi kiếm sống, còn đàn ông thanh niên thì phiêu bạt xa xứ đi làm thợ hồ hay bất cứ ngành nghề chân tay nào. Nhưng đau lòng nhứt là người phụ nữ, vì không có bàn tay chăm sóc của họ thì những đứa con không được nuôi dưỡng một cách đầy đủ về mặt tinh thần nữa. Cho nên đó là một điều chúng tôi hết sức lo lắng và cố làm sao tạo ra các dự án lao động, các dự án tạo việc làm ngay tại địa phương, chứ còn bây giờ các thành phố lớn phát triển hút hết lao động, bỏ rơi làng quê tụt lại phía sau, cho nên hậu quả xã hội rất là lớn.
Mặc Lâm: Vậy thì nếu có sự so sánh thì chị đánh giá ra sao về tình trạng của Việt Nam nếu so với các nước khác?
Nguyễn Phan Quế Mai: Thực ra em cũng là người làm trong lãnh vực bình đẳng giới và em thấy như thế này. So với các nước khác, phụ nữ Việt Nam có một vị thế khá tốt khi nói về vấn đề bình đẳng giới, nhưng phụ nữ Việt Nam cũng bị áp lực rất nhiều.
Tất cả phụ nữ Việt Nam, cả xã hội đều nghĩ là họ phải đảm đương được tất cả mọi công việc, ở trong gia đình và cả ngoài xã hội. Nếu một phụ nữ Việt Nam ở nhà chăm sóc con thì những người khác nhìn vào sẽ nói “Tại sao cô ấy ở nhà? Tại sao cô ấy không đi làm?”, tức là cái áp lực đè lên người phụ nữ Việt Nam rất là lớn. Ở những vùng nông thôn thì sự phân biệt bất bình đẳng giới còn rất là rõ nét; ví dụ đơn giản là tất cả các gia đình đều muốn có con trai vậy nếu không sinh được con trai thì người ta đổ tội cho người phụ nữ, rồi dẫn đến việc bạo hành đối với người phụ nữ.
Trọng nam khinh nữ?
Mặc Lâm: Câu chuyện về người Việt muốn sinh con trai thì đã có từ hàng ngàn năm rồi. Chị có dịp tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ Việt Nam, có câu chuyện nào hiện còn gây ấn tượng nhất cho chị không ?Nguyễn Phan Quế Mai: Câu chuyện về một bà mẹ. Đó là một câu chuyện rất đau lòng. Có một hôm em vô bệnh viện thấy chị này ngồi ở một góc hành lang bệnh viện và đang khóc. Em mới ngồi xuống một bên và hỏi tại sao chị lại khóc, thì chị nói là hôm nay cả gia đình quyết định đưa con về tại vì gia đình không có tiền để chữa trị nữa.
Nhà chị đó ở rất xa và đưa con lên Hà Nội để trị bệnh thì gia đình phải bán đất ruộng mới có tiền đưa con lên. Tức là cha mẹ ở đó cũng không có việc làm mà chi phí điều trị cho bệnh ung thư rất lớn. Gia đình có bảo hiểm nhưng mà những loại thuốc đắt tiền thì không được bảo hiểm gì cả nên người ta phải tự bỏ tiền ra, tức là những gia đình có người bị ung thư thì người ta phải bán tất cả mọi thứ.
Về quê bây giờ phụ nữ vẫn ăn ở mâm dưới, đàn ông ăn ở mâm trên và bao giờ cũng ăn trước. Đó là những chuyện rất là nhỏ thôi nhưng nó xảy ra nhiều trong xã hội.
Nguyễn Phan Quế Mai
Nhưng gia đình chị này rất là nghèo, chị đã vay mượn quá nhiều và không còn đi vay mượn ở đâu được nữa nên gia đình quyết định đưa con về mặc dù biết về là em bé sẽ chết thôi. Sau khi nói chuyện với chị đó thì em nói chuyện với bác sĩ thì được biết là tình trạng của bé này rất là nặng vì phát hiện quá muộn, mà đứa trẻ đó bị ung thư máu với khả năng tử vong là 85%, còn nếu muốn chữa trị thì tốn kém rất là nhiều. Lúc đó em mới cầm tay thằng bé, nó tên Đức, em mới nghĩ nó như là con trai của mình, em nhìn vô mắt nó và thấy nó như là con trai của em, tức là nó rất ngây thơ, nó không biết là nó sẽ chết. Rồi em nói với mẹ nó là “Chị cứ ở đây đi, em sẽ kiếm sự giúp đỡ cho chị.”
Nhờ đó chị ấy còn ở trong bệnh viện hơn một năm nữa. Một hôm em tới thăm và đưa chị đi ăn trưa, khi chị với tay lấy đôi đũa thì em thấy lưng chị ấy bầm tím hết. Lúc đó em mới hỏi tại sao như vậy thì chị mới nói là chồng chị đánh. Từ ngày biết con bị ung thư thì chồng chị quay ra bạo hành đối với chị và cả gia đình chồng chì chiết chị là kiếp trước ăn ở như thế nào mà kiếp này sanh ra đứa con bị bạo bệnh như thế.
Có thể tin nỗi không? Người ta đổ mọi tội lỗi cho người phụ nữ, trong khi chị đã bị bất hạnh như thế nào khi có một đứa con bị ung thư! Vậy mà người chồng cứ đổ tội là tại vì cái lỗi của chị. Tại vì kiếp trước chị ăn ở thất nhân thất đức như thế nào mới sinh ra đứa con như thế. Từ đó người chồng bạo hành vợ, đánh đập chị bầm hết thân thể! Em không thể nào tưởng tượng nỗi một cảnh ngộ như vậy mà đó lại là sự thật.
Mặc Lâm: Trong ngày 8 tháng 3, tức là Ngày Phụ Nữ Thế Giới, là người Việt Nam chị có những suy tư gì về vai trò của phụ nữ hiện nay ở trong nước hay không vậy, thưa chị?
Nguyễn Phan Quế Mai: Thực ra thì bây giờ người ta vẫn còn nặng đầu óc trọng nam khinh nữ, nhứt là ở miền quê. Về quê bây giờ phụ nữ vẫn ăn ở mâm dưới, đàn ông ăn ở mâm trên và bao giờ cũng ăn trước. Đó là những chuyện rất là nhỏ thôi nhưng mà nó xảy ra rất là thường xuyên trong xã hội. Phụ nữ bao giờ cũng phải đảm đương chuyện gia đình và người ta vẫn cứ đổ tội “con hư tại mẹ”.
Người phụ nữ phải quán xuyến việc gia đình lại còn phải đảm đương việc xã hội cho nên người phụ nữ bị áp lực rất là lớn, trong khi đó sự kỳ thị đối với phụ nữ ở các địa phương bây giờ vẫn còn rất là nhiều.
Em lấy một thí dụ là một tổ chức quốc tế với một dự án nuôi bò sữa tại một nước trong khu vực châu Á, người ta tính ra là nếu mà cho những gia đình này vay vốn nuôi bò sữa thì kinh tế gia đình của họ sẽ được cải thiện được bao nhiêu. Cuối cùng, sau 2 năm thì người ta điều tra ra là những bé gái phải ở nhà để vắt sữa bò, cho bò đi ăn, như vậy là tạo thêm gánh nặng công việc cho người phụ nữ, trong khi đó thì cánh đàn ông suốt ngày say xỉn và chỉ có các bé trai là được đi học. Tức là làm công việc phát triển thì nó rất là phức tạp và mình phải tìm hiểu tất cả mọi ngọn nguồn, mọi vấn đề.
Riêng vấn đề bình đẳng giới thì lại là vấn đề hết sức phức tạp. Bây giờ làm công tác bình đẳng giới không chỉ ảnh hưởng riêng với người phụ nữ, mả bây giờ còn phải tác động giới đàn ông mà họ lại là chủ yếu. Ví dụ như vấn đề bạo lực gia đình thì mình phải tác động tới người đàn ông rằng “mình là đàn ông, mình không bạo hành phụ nữ”, làm sao xóa tan cái tư tưởng thể hiện quyền lực của người đàn ông bằng cách đánh người phụ nữ.
Mặc Lâm: Cảm ơn chị Nguyễn Phan Quế Mai. Những kinh nghiệm, nhận xét và chia sẻ của chị trong Ngày Phụ Nữ 8-3 có thể dùng để thay một bông hồng mà Đài Á Châu Tự Do muốn trân trọng trao cho những mẹ, những chị, những phụ nữ chịu thương chịu khó trong thiên chức của mình, với hy vọng rằng ngày 8 tháng 3 năm nay sẽ là một ngày khác, tươi tắn hơn, hồng hào hơn trong toàn bộ các mái ấm gia đình Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét