Ông Lobsang Sangay – thủ tướng Tây Tạng tiếp bà Maya Graf – dân biểu Thụy Sĩ, tại Dharamsala ngày 10/11/ 2011. Reuters |
Trọng Thành
Tờ Le Figaro hôm nay chú ý đến hồ sơ Tây Tạng qua cuộc phỏng vấn thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay, người thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cương vị lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng về mặt chính trị từ một năm nay. Theo Thủ tướng Tây Tạng, mọi đường lối đối thoại với chính quyền Bắc Kinh từ hai năm nay đều bị tắc. Tuy nhiên, ông khẳng định tiếp tục theo đuổi đường lối đối thoại hòa bình với Trung Quốc để Tây Tạng được tự trị.
Thủ tướng Tây Tạng nhấn mạnh đến khát vọng tự do và tinh thần không chấp nhận hòa tan của người Tây Tạng, trước xu thế Hán hóa ồ ạt tại các vùng đất truyền thống của Tây Tạng. Bài viết mang tựa đề « Cuộc chiến đấu của thủ tướng Tây Tạng » giải thích về một thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị của dân tộc Tây Tạng, diễn ra cách đây một năm. Thay đổi này được tờ báo đánh giá là « một cuộc cách mạng ».
Ngày 10/03/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố từ bỏ quyền lãnh đạo cộng đồng về mặt chính trị. Kể từ đó, người đứng đầu chính phủ Tây Tạng do người dân bầu lên theo thể thức dân chủ. Quyết định này cho phép Tây Tạng thực hiện được việc tách quyền lực chính trị ra khỏi uy quyền tôn giáo. Đây là hai phương diện vốn hòa làm một trong suốt lịch sử của nhà nước Tây Tạng cận đại và hiện đại.
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, thủ tướng Tây Tạng nhấn mạnh đến những khác biệt lớn giữa ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu cộng đồng Tây Tạng về mặt tâm linh. Một bên sinh ra và được đào tạo tại Tây Tạng, một bên sinh ra ở bên ngoài xứ sở và đào tạo ở Phương Tây. Một bên là nhà tu hành, bên kia không. Tuy nhiên thủ tướng Tây Tạng cũng khẳng định ông chính là người kế nhiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về mặt chính trị, của một truyền thống đã được bắt đầu từ năm 1642, với người đứng đầu Tây Tạng – Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm.
Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cho biết, một mục tiêu lớn của ông là làm sao để trình độ người Tây Tạng được nâng cao, bởi vì điều đó sẽ giúp cho cuộc đấu tranh của họ có một nền tảng vững chắc, cho phép Tây Tạng có được các lãnh đạo xuất sắc và tiếng nói của Tây Tạng được chú ý.
Khác với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thủ tướng Tây Tạng có thái độ trực diện hơn đối với Bắc Kinh trong các chỉ trích, lên án sự chiếm đóng Tây Tạng và việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng. Tuy nhiên, thủ tướng Tây Tạng vẫn tiếp tục phương pháp đấu tranh ôn hòa của người tiền nhiệm, không đòi độc lập với Trung Quốc, mà chỉ đòi quyền tự trị cho người Tây Tạng.
Mặc dù các kênh đối thoại với Bắc Kinh đều rơi vào bế tắc từ hai năm nay, theo thủ tướng Tây Tạng, ông chờ xem ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ là những người cứng rắn hơn hay ôn hòa hơn, tuy nhiên lịch sử 50 năm trong quan hệ với Trung Quốc đã để lại nhiều kinh nghiệm khiến người Tây Tạng không ảo tưởng.
Một trong các nhiệm vụ hàng đầu mà thủ tướng Tây Tạng cố gắng thực hiện là giữ được mối đoàn kết giữa những người Tây Tạng trong nước và những người tỵ nạn, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp ngăn cản các thông tin từ bên ngoài lọt vào trong nước.
Vẫn theo Le Figaro, hiện tại Bắc Kinh lo ngại nhất là vấn đề Tây Tạng bị quốc tế hóa, đặc biệt với các vụ tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây. Thứ Hai này, đại sứ Úc tại Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh cho ông và các nghị sĩ Úc vào Tây Tạng để tìm hiểu về nguyên nhân đã dẫn đến các vụ tự thiêu kể trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét