Pages

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

‘Vụ Tiên Lãng cho thấy gần như cơ chế giám sát bị vô hiệu hóa’

Bá Mạnh thực hiện
 
Để chỉnh đốn Đảng lần này thành công thì cần những biện pháp rất mới và mạnh thì mới trị được “con bệnh nhờn thuốc”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định.
Nghị quyết TƯ4 ra đời thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác chỉnh đốn Đảng. Đất Việt đã phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, về việc thực hiện và đưa Nghị quyết lần này vào cuộc sống.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Đảng ta ban hành Nghị quyết TƯ4 và quyết tâm thực hiện trong thời điểm này?
- Nghị quyết TƯ4 được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng vì nó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Mặc dù công việc chỉnh đốn Đảng lẽ ra phải được làm sớm hơn, nhưng ra được Nghị quyết cũng là điều rất tốt rồi.

Một tín hiệu vui là tại Hội nghị cán bộ triển khai Nghị quyết vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những quan điểm cơ bản và vạch ra những biện pháp chủ yếu để đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống.
GS Nguyễn Minh Thuyết: ”Chúng ta cần đặt câu hỏi là tại sao từ trước đến nay, rất nhiều Nghị quyết được đưa ra mà không thực hiện được”. Ảnh: Bá Mạnh.
- Theo ông, có những điểm gì mới và đáng chú ý trong các phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc thực hiện Nghị quyết TƯ4?
- Các phát biểu của Tổng Bí thư là khá mạnh mẽ và chỉ rõ được nhiều vấn đề quan trọng.
Thứ nhất là “chống phải đi đôi với xây”. Chống ở đây là chống sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Xây là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, đủ năng lực đảm nhận công việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Xây còn có nghĩa là gắn liền nhiệm vụ xây dựng Đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Ý thứ hai mà TBT nhấn mạnh là cần phải đặt cuộc vận động thực hiện Nghị quyết TƯ4 trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, tránh để bị lợi dụng làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, suy yếu đất nước. Từ khoảng 10 năm nay, thế giới chứng kiến nhiều cuộc “cách mạng màu” dẫn đến thay đổi chế độ ở nhiều nước từ châu Âu sang châu Á và Bắc Phi. Nhưng có một chân lý là không một thế lực nào từ bên ngoài có thể làm suy yếu một chế độ nếu như bản thân chế độ ấy vững vàng, xã hội ấy kết thành một khối. Điều này cũng giống như ngay ở vùng dịch bệnh, bệnh tật cũng không thể quật ngã những cơ thể khoẻ mạnh. Cho nên, tập trung chống giặc nội xâm, chống những kẻ thù từ bên trong mới là quan trọng. Chỉnh đảng chính là chống vi trùng phá hoại từ bên trong, tăng khả năng kháng bệnh của cơ thể để đứng vững trước mọi bệnh tật.
Quan điểm thứ ba trong bài phát biểu của TBT là phải xác định được những vấn đề cấp bách và những vấn đề lâu dài. Trong ba vấn đề cấp bách cần thực hiện ngay, theo TBT, việc đầu tiên cần làm là chống suy thoái tư tưởng, đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên. Đòi hỏi này xuất phát từ thực tế là hiện nay có không ít cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu nhân dân, khiến người dân vô cùng bức xúc. Bên cạnh đó, nhiều đảng viên có lối sống bê tha, buông thả. Tôi không tưởng tượng được có ông cán bộ có thể đánh một ván cờ ăn thua tới 5 tỷ đồng, càng không tưởng tượng được có loại cán bộ như ông cựu lãnh đạo tỉnh nọ vô luân đến mức mua dâm cả học trò vị thành niên. Một việc nữa cũng cần thực hiện ngay là khắc phục tình trạng đảng viên “nhạt đạo”, xa rời lý tưởng. Bây giờ, sinh hoạt đảng ở nhiều nơi rất nhạt nhẽo, không còn sinh khí của tổ chức chính trị nữa.
Trong các nhiệm vụ cấp bách mà TBT chỉ ra có việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Ở nước ngoài, nếu xảy ra tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng thì bộ trưởng giao thông phải từ chức hoặc bị cách chức, mặc dù ông này không trực tiếp chỉ đạo người gây ra tai nạn ấy. Có cơ chế xử lý trách nhiệm như vậy thì người đứng đầu mới chú ý tuyển dụng, bổ nhiệm, tập huấn, kiểm tra, xử lý công chức, viên chức cấp dưới một cách nghiêm túc. Nếu chỉ ai làm người nấy chịu, người đứng đầu chẳng hề hấn gì thì công việc sẽ giống như cái áo cũ, rách đâu díu đấy, chẳng bao giờ cải thiện được.
Bên cạnh một số nhiệm vụ cấp bách, TBT cũng chỉ ra những nhiệm vụ lâu dài. Đó là phải nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phát triển. Phải nhận rõ những nhiệm vụ lâu dài thì mới đưa đất nước đi đúng đường được.
- Trong Nghị quyết TƯ4, bên cạnh nêu các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, Đảng ta đã chỉ rõ những biện pháp để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp đã này?
- Để chỉnh đốn Đảng lần này thành công thì cần những biện pháp rất mới và mạnh thì mới trị được “con bệnh nhờn thuốc”. Chúng ta cần đặt câu hỏi là tại sao từ trước đến nay, rất nhiều Nghị quyết được đưa ra mà không thực hiện được. Ngay trong vấn đề chỉnh đốn, xây dựng Đảng, Nghị quyết TƯ6 lần hai trước đây cũng thực hiện được trong một thời gian ngắn rồi lại đâu vào đấy. Có tìm ra đúng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì mới đề ra biện pháp đúng được.
- Việc đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thường rất khó khăn, nguyên nhân là gì, thưa ông?
- Theo tôi, có một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, nghị quyết thường thể hiện kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo, nó sâu sắc, cao xa, toàn diện nhưng ít phù hợp với thực tế. Ví dụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải dùng hình ảnh “một bầy sâu” để nói về tình trạng nhiều cán bộ suy thoái; trong tình hình ấy, chỉ kêu gọi bầy sâu tự phê bình, sửa chữa lỗi lầm để thành “thịt ngon cá ngọt” thì rất khó.
Thứ hai, cơ chế chịu trách nhiệm chưa rõ. Đảng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối từ Trung ương cho đến cơ sở. Mọi việc từ vạch chiến lược, thực hiện kế hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, thanh tra, kiểm tra, xử lý… nhất nhất đều theo sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng khi không thực hiện được nghị quyết, không thấy cán bộ nào, cấp uỷ nào bị xử lý trách nhiệm.
Thứ ba, chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát có hiệu lực, hiệu quả. Giống như một cỗ xe cần phải có phanh. Nếu xe có hệ thống phanh tự động thì khi tốc độ chạy quá cao, phanh sẽ điều chỉnh ngay. Nhưng bộ máy hoạt động của chúng ta hiện nay giống như một cỗ xe điều chỉnh bằng phanh chân, phanh tay. Loại phanh này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và sức khỏe của người cầm lái, như vậy không ổn chút nào. Lãnh đạo thì phải có giám sát bởi quyền lực mà vô biên thì chắc chắn sẽ dẫn đến tha hóa. Đó là lý do giải thích cho việc nhiều cán bộ ban đầu rất tốt nhưng để nắm quyền lâu sẽ dần dần bị tha hóa.
Qua vụ Tiên Lãng, có thể thấy gần như cơ chế giám sát đã bị vô hiệu hóa. Tất cả các quyết định sai hết nhưng không ai dám nói lên điều đó với lãnh đạo. Khi sự việc xảy ra cũng chẳng thấy hội đoàn nào lên tiếng, từ đoàn ĐBQH, HĐND, MTTQ dưới địa phương gần như đứng hẳn về phía những người làm sai trong chính quyền. Giá như lúc lãnh đạo đưa ra quyết định sai có một vài cán bộ dám đứng ra phản biện lại các quyết định sai của lãnh đạo thì quý biết bao nhiêu. Được như vậy chắc sẽ không xảy ra những đổ vỡ cho Hải Phòng, gây tai tiếng cho đất nước như vừa rồi.
Chúng ta cần tìm ra một cơ chế giám sát, cơ quan giám sát thực sự đủ mạnh thì việc giám sát mới có hiệu quả. Muốn làm được việc này, rất cần phải dựa vào dân. Phải công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Báo chí là một phương tiện quan trọng để công khai, minh bạch và phát huy vai trò xây dựng của người dân. Kinh nghiệm hoạt động ở Quốc hội cho tôi thấy nhờ các phiên chất vấn được truyền hình công khai mà công việc quốc gia thu hút được sự quan tâm của người dân, đồng thời truyền hình trực tiếp cũng tạo sức ép buộc các đại biểu Quốc hội và những người đứng đầu các cơ quan trao đổi, tranh luận với tinh thần trách nhiệm cao về các vấn đề quốc kế dân sinh. Về cơ quan giám sát của Đảng, tức là các Uỷ ban Kiểm tra, theo tôi, tốt nhất là để Đại hội Đảng trực tiếp bầu ra. Như vậy, cơ quan giám sát này sẽ có tính độc lập đối với Ban Chấp hành và có thẩm quyền cao hơn để kiểm tra, xử lý cán bộ.
- Qua phân tích ở trên và với kinh nghiệm trên chính trường của mình, ông kì vọng gì vào việc thực hiện Nghị quyết TƯ4 lần này?
- Việc Trung ương đã ra Nghị quyết 4 chứng tỏ Trung ương và Bộ Chính trị thấy rõ nhu cầu phải chỉnh đốn Đảng và nguy cơ nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ cấp bách này. Tuy nhiên, quyết tâm của từng thành viên ở cấp lãnh đạo, từng cấp ủy Đảng bên dưới như thế nào thì chưa thể phán đoán ngay lúc này được. Vì hiện nay số cán bộ suy thoái, có sai phạm không phải là ít, và nhiều người trong số này gắn với nhau bằng những sợi dây vật chất. Điều này dẫn đến khả năng các nhóm lợi ích câu kết với nhau để vô hiệu hóa Nghị quyết. Vụ Tiên Lãng có thể là một ví dụ: Thủ tướng đã kết luận rồi nhưng việc triển khai thực hiện ở Hải Phòng rõ ràng là hết sức quanh co, chậm chạp.
Tôi e rằng không dễ để thực hiện thành công Nghị quyết TƯ4 lần này. Nhưng nếu cấp lãnh đạo cao nhất có đầy đủ quyết tâm thì đó là một câu chuyện khác.

Không có nhận xét nào: