Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

VỤ TIÊN LÃNG- KỲ 32: ÁM SÁT SỰ THẬT


Đây là ngôi nhà hai tầng của vợ chồng anh Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế trước khi mọi chuyện xảy ra



Và lực lượng cưỡng chế đã phá nát nó. Trong hồ sơ của Đoàn giám sát Quốc hội Hải Phòng chắc không cần đến những chi tiết ” vớ vẩn” này

Mình đã không muốn thông tin về việc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về huyện Tiên Lãng giám sát việc thực hiện kết luận của Thủ tướng. Các báo đưa tin hết rồi. Cái tin này thì báo nào cũng đưa, hì hì, và chắc chắn là phó văn phòng Sân của huyện Tiên Lãng chẳng phải phùng má trợn mắt ngăn cản phóng viên, thật tử tế nhỉ.

Việc Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng về Tiên Lãng giám sát thực hiện kết luận của Thủ tướng vụ cưỡng chế hồ đầm nhà anh Đoàn Văn Vươn là quá đúng, thế mới là đại biểu Quốc hội. Nhưng nếu thời kỳ đầu tiên, trước khi Thủ tướng kết luận, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng làm được như Đoàn giám sát của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có những phát biểu chân thật, mạnh mẽ về vô số cái sai ở đây thì trách nhiệm của các đại biểu của dân sẽ được dân kính trọng và yêu mến chừng nào.

Nhưng muộn cũng được.

Thôi thì không đủ tầm giám sát phần đầu khi sự việc đang xảy ra nóng bỏng thì giám sát phần xử lý hậu quả cũng không sao.

Đáng trách là ở chỗ: Kết luận của Thủ tướng rõ ràng như thế, có hai đối tượng để giám sát, một là phía quan chức địa phương, hai là phía gia đình Đoàn Văn Vươn.

Các bác đại biểu về, vào phòng họp, và nghe báo cáo, và đề nghị huyện giải trình những việc đã và đang làm để thực hiện kết luận của Thủ tướng. Thế là xong. Về.

Sao các bác đại biểu không ra tới nơi đầm hồ nhà anh Vươn, nhìn tận mắt công trình lao động của họ, nhìn tận mắt ngôi nhà bị lực lượng cưỡng chế phá nhầm, tan nát, sao nhìn cho rõ những dấu vết những viên đạn xuyên tường, sao không gặp gỡ vợ anh Vươn, anh Quý, nghe ngóng tâm sự của họ, nguyện vọng của họ, hỏi han họ. Sao không nhìn tận mắt những con đập ngăn sóng dài hàng cây số gia đình họ đã bồi đắp suốt 20 năm mà vẫn có người leo lẻo nói là dựa vào đê bao nhà nước? Họ là ai? Họ là người đã bỏ phiếu bầu các bác vào Quốc hội đấy chứ ai. Họ là nạn nhân của các quyết định trái pháp luật của chính quyền đấy chứ ai?

Chưa hết. Huyện còn báo cáo sai sự thật về việc gia đình anh Đoàn Văn Vươn không hợp tác với thanh tra về việc kiểm đếm tài sản, đất đai. Nói thế là nói dối đấy. Sự thật là, khi quyền chủ tịch UBND xã Vinh Quang mang văn bản kiểm đếm, kết quả thanh tra đầm hồ, diện tích, tài sản để chị Hiền, chị Thương ký, hai chị không ký mà nói, các chị muốn có một bản để xin ý kiến luật sư của mình trước khi ký và còn có thời gian để kiểm tra lại cái mà thanh tra huyện đã làm. Đòi hỏi đó chính đáng và đúng luật. Nhưng tại sao thanh tra huyện không cho gia đình anh Vươn một bản kết quả thanh tra tài sản? Thanh tra tài sản nhà người ta mà thậm thụt, giấu giếm, không công khai nghĩa là sao hỡi các quan liều? Không cho thì tất nhiên các chị không ký vì các chị cần tư vấn của luật sư về tất cả mọi việc liên quan đến vụ việc.

Thế thì tại sao huyện dám nói các chị bất hợp tác, rồi một số báo chí cứ vậy nói leo theo huyện mà không quay xuống gặp gia đình anh Vươn xem sự thật như thế nào.

Đây cũng là hướng các đồng nghiệp phải tìm hiểu để viết bài ngay, cái đuôi dối trá vẫn vắt vẻo từ nguyên chủ tịch Lê Văn Hiền sang tới ông Huyền phụ trách huyện là sao đây?

Như một bài trước đã nói, trong vụ việc cưỡng chế này, các quan chức địa phương nói dối nhiều tới mức, dù là nói thật cũng phải kiểm chứng, cũng phải cảnh giác.

Và đoàn đại biểu Quốc hội giám sát như thế là giám sát salong.

Giám sát như thế rất dễ sập bẫy của sự dối trá và gián tiếp ÁM SÁT SỰ THẬT.
___________________________

Nhật ký Trưởng thôn Khoai Lang

Không có nhận xét nào: