Mới ra đảo đã bị bắt
Ông Lê Vinh và xấp giấy tờ nộp phạt cho phía Trung Quốc vào năm 2003 và 2009. Ảnh Phạm Anh
Sáng 21.3, tìm đến nhà ông Lê Vinh, chủ tàu QNg 66 101 TS, ở thôn Tây, xã An Vĩnh – Lý Sơn, ông cho hay tàu cá 39 CV (thực chất là 60 CV, nhưng do chưa làm lại giấy tờ – PV) của ông xuất bến ra vùng biển Hoàng Sa vào sáng ngày 29.2. Đến hơn 17 giờ chiều ngày 12.3, ông Vinh được bà Lê Thị Phúc – vợ của thuyền trưởng Trần Hiền, đến báo: tàu cá của ông Vinh và ông Hiền cùng 19 lao động khác đã bị phía Trung Quốc bắt vào chiều ngày 3.3 và đang giam giữ trên đảo Phú Lâm. “Tính ra, tàu cá tui mới ra đến đảo thì bị bắt. Có điều, cho đến hôm nay, tui cũng chưa nghe ai gọi trực tiếp cho mình thông báo là tàu bị Trung Quốc bắt. Tất cả đều thông qua thuyền trưởng Hiền gọi về cho vợ”, ông Vinh nói.
Trao đổi với chúng tôi, người nhà của các ngư dân đi trên tàu cá QNg 66 101 TS ai cũng lo lắng. Bởi những cuộc điện thoại trước đó phía Trung Quốc cho Trần Hiền gọi về cho vợ là bà Phúc, ai cũng muốn nói chuyện với chồng nhưng phía Trung Quốc không cho gặp. Hơn nữa, nếu vào năm 2010, Trung Quốc bắt tàu cá Lý Sơn liên tục thì đến 2011, Trung Quốc không bắt nữa mà chuyển qua đập, cướp tài sản ngư dân. Ngờ đâu, qua đầu năm 2012 này, phía Trung Quốc không chỉ đập phá tài sản mà còn bắt giam tàu thuyền và ngư dân.
Ông Vinh bảo, tàu cá của ông bị phía Trung Quốc cướp tài sản, đập phá nhiều lần. Còn nếu bị bắt giam thì đây là lần thứ ba. Hai lần trước vào tháng 8.2003 và tháng 2.2009, tàu bị giam ở đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam. Mỗi lần như thế, phía Trung Quốc bắt nộp 50.000 NDT. Lôi từ trong tủ ra hàng loạt giấy tờ nộp tiền phạt khi tàu bị Trung Quốc bắt, ông Vinh kể: “Lúc được thả ra, phía Trung Quốc chỉ cho đủ lương thực, dầu chạy về, còn bao nhiêu lương thực, hải sản đánh bắt được đều bị người Trung Quốc trên đảo cướp sạch, thậm chí bột ngọt cũng bị lấy”.
Nộp tiền mới thả người
Từ ngày ba (thuyền trưởng Trần Hiền) bị Trung Quốc bắt giam, mẹ sinh em bé, hai chị em Trần Thị Hà và Trần Thị Thảo sống với ông bà nội. Ảnh Phạm Anh
Đến nhà thuyền trưởng Trần Hiền ở thôn Tây, xã An Vĩnh, chúng tôi thấy cửa nhà im ỉm đóng. Bà con hàng xóm cho hay, bà Phúc, vợ thuyền trưởng Hiền đã vào bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sinh con. Ông Trần Mười (69 tuổi), cha thuyền trưởng Hiền nói buồn: “Vài năm nay, thằng Hiền ra khơi, cứ hết bị Trung Quốc đập phá tài sản, là chuyển sang giam người, giữ tàu. Sức đâu, tiền đâu để làm ăn nữa!”. Theo lời ông Mười, năm 2011, hai lần tàu ông Hiền bị Trung Quốc đập phá tài sản, cướp hải sản, mất hàng trăm triệu đồng. Còn lần này, khi ông Hiền bị giam giữ thì vợ sinh con (đến nay đã được 5 ngày), hai đứa con gái là Trần Thị Hà (học lớp 2) và Trần Thị Thảo (học mẫu giáo) phải về ở với ông bà nội. “Thế ông Hiền điện về nói gì?”, chúng tôi hỏi. Ông Mười thở dài: “Trung Quốc bắt nộp tiền chuộc 70.000 NDT mới thả người”. Nói đoạn ông cho chúng tôi số máy của con dâu…
Liên lạc qua điện thoại với với bà Phúc, chúng tôi được biết, sau buổi chiều ngày 12.3, ông Hiền còn liên lạc với vợ 3-4 lần nữa. Trong đó, cách đây gần một tuần, thuyền trưởng Hiền gọi điện về cho vợ qua số 13 876 638 433 nói là tối ngày 20.3, tìm người biết nói tiếng Trung Quốc đợi nói chuyện điện thoại. “Hơn 8 giờ tối vừa rồi (20.3), người Trung Quốc điện về qua số 8689 866 835 903. Thông qua phiên dịch, bảo em chuẩn bị 70.000 NDT để nộp thì mới cho 11 ngư dân trên thuyền về. Nếu không có tiền, sẽ không thả người. Em năn nỉ nói là đang sinh em bé, nên không có tiền, nhưng phía Trung Quốc không chịu, hẹn hai ngày nữa phải nộp đủ tiền qua tài khoản số 220 101 240 902 195 037″.
Trao đổi với SGTT chiều 21.3, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn xác nhận: hai tàu cá của ông Trần Hiền và Lê Vinh bị Trung Quốc bắt ngày 3.3, địa phương đã xác minh đầy đủ và gửi báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 15.3. “Chúng tôi khẳng định ngư dân ta đang đánh bắt hải sản trên vùng biển của ta. Vì vậy, địa phương đã liên hệ với gia đình các ngư dân kiên quyết không nộp 70.000 NDT và yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả người và trả lại tài sản cho ngư dân Lý Sơn”, bà Hương nói.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào ngày 13.3, bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã báo cáo lên UBND tỉnh và sở Ngoại vụ Quảng Ngãi về tình hình hai tàu và 21 ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt. Ngày 14.3, sở Ngoại vụ Quảng Ngãi đã có công văn gửi Cục lãnh sự, bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp với Trung Quốc để sớm thả ngư dân Lý Sơn về địa phương.
Phạm Anh
*
Theo UBND huyện Lý Sơn – Quảng Ngãi, ngoài hai trường hợp kể trên, vào ngày 27.2.2012, hai tàu cá của Lý Sơn khi hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, xua đuổi không cho đánh bắt. Đó là tàu QNg 96 197 TS (260 CV) của ông Phạm Mỹ (1971) quê ở thôn Tây, xã An Vĩnh, trên tàu có 15 lao động. Tàu cá thứ hai là QNg 96 103 TS của ông Lê Văn Phước (1966) quê ở thôn Tây, xã An Vĩnh, trên tàu có 16 lao động. Tài sản ngư dân hai tàu nói trên bị đập phá là thúng chai, ca bin tàu, dây hơi lặn và lương thực, thực phẩm…
Danh sách ngư dân đi trên hai tàu cá bị Trung Quốc bắt:
Tàu QNg 66 074 TS của ông Trần Hiền (tất cả đều ở xã An Vĩnh):
Trần Hiền (1980), thuyền trưởng
Phan Văn Tân (1980), thuyền viên
Võ Xuân Thạch (1969) thuyền viên
Nguyễn Tỏa (1961), thuyền viên
Đặng Trúng (1973), thuyền viên
Lê Hoàng (1975), thuyền viên
Nguyễn Thành (1987), thuyền viên
Nguyễn Sáng (1975), thuyền viên
Nguyễn Văn Hùng (1973), thuyền viên
Võ Văn Của (1970), thuyền viên
Trần Văn Của (1970), thuyền viên
Tàu QNg 66 1010 TS của ông Lê Vinh:
Bùi Thu (1964), thuyền trưởng, quê xã An Vĩnh
Lê Văn Phương (1976), thuyền viên, quê xã An Vĩnh
Nguyễn Lợi (1979), thuyền viên, quê xã An Vĩnh
Đặng Văn Tươi (1986), thuyền viên, quê xã An Vĩnh
Bùi Văn Lan (1985), thuyền viên, quê xã An Vĩnh
Nguyễn Dư (1968), thuyền viên, quê xã An Vĩnh
Lê Lớn (1972), thuyền viên, quê xã An Bình
Lê Văn Vương (1994), thuyền viên, quê xã An Bình
Trần Tư (1967), thuyền viên, quê xã An Bình
Bùi Trường Thọ (1981), thuyền viên, quê xã An Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét