Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

6 triệu người được tăng lương, 90 triệu dân bị tăng giá

Đào Tuấn

“Sáu con số” để mua được một lít xăng. Chuyện đương nhiên. Chỉ là vấn đề thời điểm.
Khoảng 6 triệu người sẽ được tăng lương tối thiểu sẽ tăng lên 1,05 triệu đồng. Mức tăng 26%. Và một quan chức sau đó khẳng định mức tăng đã “cao hơn mức độ trượt giá”. Nhưng đó là chuyện của ngày 1-5. Có đù bù trượt giá hay không, đôi khi lại phải phụ thuộc vào giá xăng, giá điện, vào lạm phát chứ không phải chỉ nói rằng đủ hay không đủ mà được. Còn hôm nay, là câu chuyện của 90 triệu dân bị “nện giá” khi tối muộn ngày thứ sáu cuối tuần, xăng bất ngờ tăng giá. Quả là một câu trả lời tức thời và không thể khiếm nhã hơn đối với 6 triệu người chưa kịp lo vì “bị” tăng lương và mấy chục triệu nông dân chưa hề biết lương là cái gì.

Xăng tăng giá đã trở thành một thứ điệp khúc dân gian, không lần nào là không dền dĩ cất lên. 2 tháng xăng 2 lần tăng giá- đạt kỷ lục cao nhất, đắt nhất từ trước đến nay. 1 tháng, lãi suất tiết kiệm 2 lần giảm. Ai đó có chứng kiến cảnh dân thủ đô ồ ạt, rồng rắn đi “đổ xăng chạy giá” mới thấy dù chỉ vài trăm đồng tăng thêm mỗi lít xăng cũng đã là gánh nặng tâm lý thế nào đối với người dân. Hôm qua, có người đọc còn cáu đến mức đề nghị xăng tăng hẳn lên 100k/lít để lâu lâu không phải nghe lại câu chuyện “kêu lỗ và giá xăng tăng”. Người khác thì “mơ về ngày đẹp trời” khi các DN đầu mối báo lãi liên tục, xin giảm giá liên lục.
Cũng chẳng cần phải cáu đến thế. Trong kỳ họp của Ủy ban thường vụ QH vừa rồi, thuật ngữ “thả giá”, đã được nhắc đến khi các vị đại biểu QH thảo luận về giá xăng trong Luật Giá. Xăng sẽ được “thả” theo giá thị trường, không còn nghi ngờ gì nữa. Và câu chuyện “sáu con số” để mua được một lít xăng là chuyện đương nhiên. Chỉ là thời điểm mà thôi.
Nhưng còn chuyện “ngày đẹp trời”, có lẽ là rất khó khi mà việc buôn bán nguồn năng lượng quan trọng lại vẫn chỉ nằm trong tay vài ông lớn. Chủ nhiệm ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển trong suốt kỳ họp vừa rồi đã 4-5 lần nhắc tới hai chữ độc quyền. Chẳng hạn đối với giá xăng, ông cho rằng:
Việc “định giá” là để khống chế mức lợi nhuận của đơn vị sản xuất, cung cấp hàng hóa để chống hiện tượng doanh nghiệp mặc sức lợi nhuận độc quyền. Còn đối với giá điện thì “Đây là lĩnh vực sản xuất độc quyền, nếu không định giá, sẽ có chuyện nhà sản xuất bắt chẹt người tiêu dùng”.
Chung quy cũng bởi hai chữ độc quyền. Bởi còn độc quyền thì không thể có “cơ chế thị trường”, hoặc thì cái gọi là cơ chế thị trường sẽ đó sẽ chỉ là một cơ chế danh nghĩa, với một thị trường vẹo vọ.
Bao giờ cho đến “ngày mai”? Bao giờ thì lương khỏi chạy theo giá? Bao giờ thì việc tăng vài đồng lương của 6 triệu người không ảnh hưởng đến 90 triệu người?
“Ngày mai” chỉ đến, xăng dầu điện nước có tăng có giảm, chữ “tăng” của việc tăng lương về đúng nghĩa là “làm cho nhiều hơn lên”, chỉ khi chấm dứt được tình trạng độc quyền.

Không có nhận xét nào: