Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Người dưng hóa cướp đường, xứ người ăn thịt người

Tam Thái

Trong lúc Ngọc Trinh môi đỏ chót váy mỏng tang khoe nhan sắc rạng ngời, tung tăng sải bước trên đường phố Sài Gòn ngày nắng, thì chỗ này nữ sinh sống trong hầm, nơi kia nữ sinh tung chưởng oánh cảnh sát…
Dĩ nhiên, kẻ phàm này không hề có ý định so sánh giữa nàng hoa hậu Ngọc Trinh đẹp người đẹp nết, vốn được hưởng đầy đủ những cái sự sung sướng của cuộc đời với các nữ sinh khốn khó của đất Đà Lạt ngàn hoa. Chẳng ai có quyền mở miệng trách Ngọc Trinh xài cái túi xách “chỉ có 6.000 (đô) thôi à” chỉ vì nàng xinh đẹp và quyển rũ đến vậy. Kể cả nếu nàng có một đôi lần sa sảy miệng khi trả lời phỏng vấn, với những câu nói hồn nhiên như cô tiên như kiểu “em không yêu người nghèo đâu”, thì xem ra có nhiếc móc rằng “chân dài óc ngắn” cũng chả sao, mà bảo nàng thật thà như cô Tấm thì cũng được.

Chẳng có quyền trách nàng, nhưng cứ nhìn nàng tung tăng tung tẩy giữa cuộc đời, rồi lại nghe tờ báo nọ miêu tả về nơi chốn đi về của nhiều nữ sinh đại học Đà Lạt, nhiều đấng nam nhi hẳn phải thấy chạnh lòng. Ông trời hóa ra không phải lúc nào cũng công bằng như cán cân chợ Đồng Xuân!
Không ai có quyền trách Ngọc Trinh, các nữ sinh cũng chẳng cần ai thương cảm...
Không ai có quyền trách Ngọc Trinh, các nữ sinh cũng chẳng cần ai thương cảm…
Ừ, hồi xưa, nghe các cụ nhà ta kể chuyện địa đạo Củ Chi, hẳn chúng ta vừa khâm phục vừa tự hào, nhưng ấy là thời chiến tranh, chịu kham chịu khổ đến mấy cũng cứ sẵn sàng. Rồi thời mài đít trên ghế nhà trường, hẳn học trò nào cũng được một đôi lần nghe về trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo đến mức phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để lấy ánh sáng học bài. Nhưng, dù là thiên tài và ham học đến mấy, hẳn cụ Mạc cũng không hề sung sướng với việc học bài cùng đom đóm, chẳng qua đời bắt khổ thì cũng chả ngại khổ thôi.
Nói thế để thấy rằng, thật khó mà tin được rằng tại Đà Lạt, có những nữ sinh ở trọ trong những căn hầm rộng 6 mét vuông, chìm sâu trong lòng đất, quanh năm không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Vả dù chẳng muốn sến tí nào, nhưng cũng cứ phải thừa nhận rằng các nàng nữ sinh đang sống ở đây vẫn yêu đời, vẫn xanh tươi như sắc hoa Đà Lạt, vẫn có thể pha trò inh ỏi trong lúc nấu cơm trưa và nói những lời tự trào được phóng viên báo Kiến thức ghi lại?
Nói cách khác, cũng không ai đủ tư cách để buông lời thương cảm cho các nữ sinh, bởi giả sử có bà tiên nào cho đổi sự nghiệp học hành trong hầm tối lấy cuộc đời như thêu hoa thêu gấm của Ngọc Trinh, ví dụ thế, chắc gì các nàng đã đổi? Ai dám tự vỗ ngực rằng mình sung sướng hơn người?
Nhưng tự trào, hạnh phúc, không đòi hỏi một căn phòng có nắng, có gió, tóm lại là một căn phòng bình thường nhất, là chuyện của các nữ sinh. Khi chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ, đất nước đã có những người có xài hàng hiệu “6 ngàn đô thôi à”, thì một nơi ở không nằm trong lòng đất hẳn không phải là một mơ ước quá xa xỉ cho những sinh viên đại học.
Thế nên, nhìn vào những căn hầm tối thời nay, ai còn lòng nào mà nghĩ đến chuyện trách móc đám học sinh ngày nay nếu chúng trót mắc cái tội học hành chểnh mảng. Hỡi ôi, đã đành là sinh ra là con nhà nghèo thì phải vượt khó, nhưng để cho các nữ miệt mài đèn sách dưới hầm sâu, hai chữ đại học vốn thiêng liêng là thế chắc cũng giảm thiêng mất mấy phần.
Với sự quan tâm đến thế của xã hội, của người lớn dành cho những chủ nhân tương lai, những trí thức trẻ của đất nước, độc giả thử nghĩ mà xem, liệu có nên lấy làm lạ hay không khi nữ sinh ngày càng không biết sợ là gì?
Chỉ tính mấy hôm nay, trong lúc hai nữ sinh đại học sư phạm Đà Nẵng vác gậy phang nhau như trẻ trâu trẻ bò vì tranh nhau đi tắm, thì ở Hà Nội, nữ sinh trường Ngoại thương phô áo xuyên thấu trên sàn catwalk, báo hại các đồng môn là đàn ông phải nhịn ăn nhịn mặc mà mua thuốc nhỏ mắt gấp.
Chưa hết, cũng giữa Thủ đô, một nữ sinh đại học Thăng Long, không hiểu là ăn được gan hùm mật sói ở đâu, chẳng ngại ngần tung chưởng và hành hung thô bạo một cảnh sát cơ động, khiến anh này suýt phải nhập viện.
Trước tình cảnh này, nhiều người lo xa đã vội vã lên tiếng cảnh báo về cái gọi là sự suy đồi của đạo đức xã hội. Nhưng nào đã hết!
Dân Hà Tĩnh
Dân Hà Tĩnh “hôi” xăng dầu từ xe bồn tai nạn.
Tiếp tục nhìn vào mặt báo từ hôm qua đến hôm nay, người ta sẽ phải âm thầm mà tự hỏi, tự lúc nào người Việt Nam ta đã dễ dàng trở thành những tên cướp đường, mà cũng chả thèm lén lút như xưa?
Này nhé, nếu ở Hà Tĩnh, hàng trăm người dân cố sống cố chết lao vào chiếc xe bồn chở xăng bị tai nạn để “hôi” vài lít, bất chấp hỏa hoạn có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào, bất chấp các chiến sĩ cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ; thì trước đó một ngày, hơn 300 người cả đàn ông cả đàn bà, chẳng biết có lương thiện hay không, hăm hở lao vào rừng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, người nách thước kẻ tay đao hỗn chiến kinh hoàng giành giật từng mẩu gỗ.
Ôi, cái thời an bần lạc đạo của các cụ ngày xưa, thời “ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” không lẽ đã xa xôi đến thế?
Dù vậy, xin độc giả tuyệt đối không nên quá u buồn với nhân tình thế thái. Nhìn đi nhìn lại, nhìn đông nhìn tây, ta vẫn có thể tự an ủi rằng mọi sự chưa đến nỗi nào. Bạn hãy thử nhìn sang Trung Quốc, đất nước vốn tự cho rằng nằm ở trung tâm của thiên hạ, trung tâm của văn minh loài người, xem sau mấy nghìn năm, họ đã văn minh như thế nào.
Dù là những người ăn lông ở lỗ nhất, cũng phải sởn cả gai ốc khi nghe tin về loại thuốc bổ bằng thịt trẻ em tán bột của người Trung Quốc, mà các cơ quan chức năng của Hàn Quốc ngày 7/5 cho biết đang cuống cuồng triệt phá đường dây buôn bán loại thuốc này.
Sinh thời, ắt hẳn văn hào Lỗ Tấn cũng không thể tưởng tượng nổi sau thời ông cả trăm năm, người Trung Quốc vẫn có thể làm như vậy. Ông từng mô tả xã hội Trung Quốc xưa như thế này: “Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ “nhân nghĩa đạo đức” viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ ăn thịt người“.
Trông Tàu rồi ngẫm đến ta, nói ra chắc sẽ có những người tự ái và ném đá, nhưng nhìn dân Việt Nam dễ dàng trở thành những tên cướp đường giữa thanh thiên bạch nhật, thật không dám đảm bảo chúng ta sẽ không bao giờ phải ăn thịt người.
Cuối ngày hôm nay, VOV đưa tin: Tại một nơi có cái tên rất hay là xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng chục người thờ ơ xem côn đồ chém người như phim hành động. Sau khi bị đánh, chém, nạn nhân gục ngã tại chỗ. Theo nguồn tin của phóng viên, nạn nhận đang nằm tại một bệnh viện ở Hà Nội.

Không có nhận xét nào: