Pages

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Chử “trơ” còn một chút này…




Hạ đình Nguyên – Nguoilotgach
Tháng 6-2012
Ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẳng, đích thị là dân xứ Quảng, nói năng như xát muối vào mặt, không quanh co bóng bẫy, lại thẳng băng như dao chém thớt, làm tôi nhớ đến tâm sự của Thúy Kiều về chữ “trinh” của mình ! “Chữ trinh còn một chút nầy…Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan”. Cái bóng bẫy gây đau, cái thô bạo của ông Thanh cũng gây đau không kém !
Số là, trong những tháng gần đây, nhiều sự kiện xã hội xảy ra quá xấu, quá tệ, loan ra cả nước, cả thế giới, làm ê mặt quốc dân đồng bào, và ê mặt quốc gia, ai ai cũng thấy xấu hổ. Chuyện xảy ra liên tiếp, rành rành giữa ban ngày, thô bạo, tàn bạo, bỉ ổi, bị dân chất vấn, ông Thanh kể lại với báo chí : “Tôi chỉ còn biết trơ cái mặt ra, chẳng biết trả lời sao !”.Tôi không rành ông Thanh là người thế nào, hay dở tốt xấu, chỉ căn cứ trên lời nói mà ngẫm nghĩ.

“ Trơ cái mặt ra” theo ngữ cảnh, tình huống mà có hai nghĩa.
Một nghĩa trở thành hay !
Dù không phải là người trực tiếp gây ra chuyện, nhưng cũng là một quan chức, có danh phận về phương diện quốc gia, với tình hình diễn ra, ông tỏ ra là biết xấu hổ, biết trách nhiệm, trách nhiệm liên đới của Đảng cầm quyền mà ông là một thành viên trong bộ máy, ông trơ cái mặt ra là phải ! Nhân dân cả nước cũng thế, cũng thấy rất xấu hổ, bất ngờ trước mọi sự, nên cũng trơ cái mặt ra như ông vậy ! Trơ ra vì trước một thực tế phủ phàng, không thể chối cải, không thể biện hộ, phải can đảm đối diện sư thật. Trơ ra với đau xót, với hổ thẹn, đến nổi các cơ trên mặt bất động, nên trơ ra, không thể nhếch môi nhúm miệng cười duyên hay quanh co màu mè chống đỡ. Trơ ra vì còn có lương tâm, còn giữ được tự trọng, đó là biết xấu hổ về cái đáng xấu hổ, thà trơ ra và nói thẳng như thế lại hay ! Con người có thể mất hết, nhưng cái cuối cùng không thể mất, để còn là người, là cái giá trị tinh thần phải giữ.
Đây cũng là chữ Trinh mà Thúy Kiều cố giữ bằng được, sau khi đã bầy hầy tất cả, là cái giá trị tinh thần mà cô làm cho Kim Trọng phải tôn trọng, nếu không được tôn trọng, thì cô cũng chẳng còn giá trị gì. Đó là sự tự trọng và tôn trọng nhau. Đó là mối quan hệ của niềm tin và tinh thần giữa người với người, càng quan trọng hơn nữa, giữa người dân với quan chức, ít nhất, khi mà mọi chuyện ràng buộc về pháp lý, trách nhiệm xem như đỗ vỡ, chỉ còn đối diện với nhau trước sự thật, Chính lúc nầy, nhân cách mỗi viên chức bộc lộ theo cách ứng xử tôn trọng lẽ phải, và giá trị tinh thần, sẽ là yếu tố cứu vớt cho mối quan hệ. Kiều đã tha thiết dạy dỗ Kim Trọng : “Chữ trinh còn một chút nầy. Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan !“ Chẳng nên “vầy” cho tan cái nhân cách, cái cuối cùng còn lại. Cũng như đảng CS thường nói : “Đảng tin Dân, Dân tin Đảng”. Vì sao phải kêu gọi niềm tin ? Vì nát hết rồi mới thế. Niềm tin đó chí có thể có được, khi mỗi cá nhân– nhất là các cá nhân đại diện công quyền– thể hiện được sự đáng tin cậy.. Nếu chữ ”trinh”(giá trị tinh thần và niềm tin) nầy không có, mà Kiều đã thống thiết kêu gào, thì cũng chẳng có trong văn học tác phẩm Truyện Kiều làm gì, toàn là bọn Hồ Tôn Hiến, bọn Sở Khanh cùng nhau diễn trò thì chẳng ai thèm đọc. Nói rộng ra, chữ Trinh–chính là cái tâm– là mối quan hệ của nhân dân và nhà nước–là sự tôn trọng, là niềm tin biểu hiện thông qua cách ứng xử có văn hóa và tinh thần dân chủ– Nếu nó không còn thì đất nước cũng khó tồn tại vững mạnh. Biết “trơ ra” vì hổ thẹn là còn biết giữ chữ tâm của mình với nhân dân, với quốc gia dân tộc.

“Mặt trơ” theo nghĩa cái “tâm trơ”, không còn nhân cách !.
Có một số vị quan chức lảng tránh dân như tránh hủi . Hoặc câm nín, dấu mặt, hoặc quanh co chối cãi như Bộ trưởng Thăng chẳng hạn ? Hoặc như các quan đầu tỉnh, đổ phén cho bọn “diễn biến bòa bình”, bọn “thế lực thù địch”: bọn xấu nó nói dối đấy, nó xúi dân chúng quậy phá, rồi đổ cho nhà nước ta đấy, nó bịa đặt các video phụ nữ trần truồng, nó dựng cảnh ở Văn Giang, Tiên Lãng…Hoặc các vụ như Vinashin, Vinalines, khó đổ cho ai, thì cứ thơn thớt cười, giả ngây giả ngố, giả điềm tĩnh, đạo đức : cái nầy …chưa nghe báo cáo… cái nầy còn phải rà soát lại….Cái nọ làm đúng quy trình, cái kia chưa rõ lắm, chưa nắm được thông tin…Hoặc cứ việc xà quần đổ vấy cho nhau giữa bộ nầy bộ nọ cho qua chuyện. Hoặc cứ phây phây mặt ra mà nhận sai sót, hoặc điệu bộ xúng xính, miệng xoen xoét xin rút kinh nghiệm mà không ngượng mồm. Đây là một cách “ trơ cái mặt ra” theo nghĩa “tâm trơ”, không còn tự trọng, vô cảm, vô trách nhiệm, chối bỏ nhân cách của mình. Sự “trơ ra” theo nghĩa nầy, cũng đồng dạng với sự im lặng, nín lặng, lờ đi, xem như không nghe, không biết…trong khi cái trách nhiệm quyền hạn của mình thì to đùng, toàn diện, trịnh trọng và rất nghiêm trang.! Lời lẽ hoành tráng, cứ “đi lên…”, rồi “đứng vững…” , rồi thì là, rất lễ độ và thân ái : “ bạn khuyên ta…” nghe mà cả nước phát chán. Một lời xin lỗi nhân dân cũng không.! Mà vẫn cứ “trơ ra” bằng sự im lặng. Mà cái im lặng nầy thì không có cái “lá nho” nào che nỗi, nói theo cách người Nga. Sự chân thật nhường cho cho lẽo lự. Nhân cách cốt lõi, nhường cho lợi ích cốt lõi. Vì cái tâm mà Nguyễn Du đã gào thét vật vã : “Chữ trinh còn một chút nầy. Chẳng cầm cho vững, lại vầy cho tan !.”
Lại giống chiếc áo dài của con gái VN, theo cách nhìn của người nước ngoài: Chỗ nào cũng bao phủ hết, mà chẳng dấu cái thứ gì.! (Cover everything, but hide nothing !). Nhân dân thấy hết, biết hết, nhưng chuyện chiếc áo dài, người ta bảo nó thuộc lãnh vực cái đẹp của “nghệ thuật nhân sinh”, chứ còn vụ việc “ trơ cái mặt ra” ( theo nghĩa tâm trơ ) thì chắc không còn khái niệm che dấu, chỉ thuần túy là bao phủ vô thức chẳng nên so sánh. Nếu có tổ chức bình chọn, tôi sẽ chọn bình “ trơ các mặt ra” là cụm từ hay nhất nửa năm, vì nó đại biểu được cả hai loại quan chức hiện nay.
HĐN
6/2012
Bản gốc của tác giả

Không có nhận xét nào: