Pages

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Chuyện con bò

 
Tin Tổng hợp

Sự tốt đẹp hơn sẽ chỉ đến với người dân, khi những con bò không phải mang cái gánh nặng “quà cáp cho cấp trên”. Khi những con bê không phải mang danh nghĩa con bò. Và chỉ khi người nông dân không bị biến thành con bò trong các “Dự án bò”

Tháng 9 năm ngoái, những người nông dân Khmer ở Mỹ Tú (Sóc Trăng) tá hỏa tam tinh khi những “con bò 135’ vừa nhận từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất chưa kịp nuôi đã “dính” bệnh lở mồm long móng. Sau này, báo chí phát hiện rất nhiều câu chuyện “phân bò” xung quanh những con bò dự án. Chẳng hạn, nói theo cách của bà con- con bò nào “mông cũng đóng đủ 2 con dấu”: Phiếu kiểm dịch và Phiếu phúc kiểm của thú y, nhưng thực tế, mỗi con bò dự án là một con bò mầm bệnh. Khổ cho những người nông dân, để nhận một con bò 5 triệu, họ phải mang sổ đi vay ngân hàng 2 triệu để “góp” cho Dự án. Thế nên khi bò nhiễm bệnh, cả chính quyền và nông dân đều không dám tiêu hủy, bởi lý do “Lấy đâu ra 2 triệu để trả lại”. 


Chuyện “bò dự án” không phải chỉ có ở Sóc Trăng. Cũng năm ngoái, Dự án nuôi bò sữa ở Nghệ An “cơ bản bị xóa sạch” khi những “con bò dự án” nhập ngoại cơ bản là… không ăn cỏ. Rồi bê ngoại do bò ngoại đẻ ra không bán được, sữa ngoại của bò ngoại cũng không bán được, và tình hình bệnh dịch của bò ngoại trầm trọng hơn nhiều so với bò nội. “Nhà nước”, hỗ trợ cho Dự án 20% giá trị bò đã mất cả chục tỷ đồng. Còn nông dân, mất gấp 4 lần chỗ đó khi họ phải chịu 80% chi phí bò.


Ở Lai Châu, đồng bào dân tộc từng mắt tròn mắt dẹt khi nhìn những con bê gầy tong teo, má hóp đít tóp, được gọi là…bò.


Bò dự án nó bệnh tật, nó đắt đỏ, nó thảm hại đến mức thậm chí, có hẳn thuật ngữ “bò dự án” để chỉ những con bò… chùa, gọi là bò nhưng thực ra chỉ là con của con bò, gọi là bò nhưng không khỏe như bò mà yếu như sên khi mà tham nhũng, tiêu cực không tha cả những cọng cỏ cho con bò, xà xẻo cả đến chút “cơ nghiệp” cuối cùng còn sót lại của người nông dân nghèo.


Hôm qua, lại có thêm một vụ “Bò dự án”, bị phát hiện khi Công an Kon Chro (Gia Lai) phát hiện một vụ cắt xén tiền hỗ trợ nông dân nghèo nuôi bò. Đại ý là mỗi con bò từ Dự án cạnh tranh nông nghiệp Gia Lai- do Ngân hàng thế giới tài trợ- về nguyên tắc được hỗ trợ cao nhất 29 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết số tiền hỗ trợ, để làm chuồng trại, mua thức ăn nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, đều đã bị xà xẻo. Một điển hình là trường hợp nông dân Đinh Văn Bảo. Trên giấy, ông Bảo được nhận hỗ trợ 780 kg thức ăn, trị giá hơn 5 triệu đồng cho đàn bò. Nhưng ông chỉ thực nhận… 3 kg. Hay trường hợp nông dân Nguyễn Ngọc Mỹ, đăng ký nuôi vỗ béo 12 con bò, đáng lý nhận được hỗ trợ 15 triệu đồng, nhưng chỉ thực nhận có 930 ngàn đồng. Ông Mỹ cho biết khi ông phản ứng, cán bộ kế toán tổ hợp tác lý giải rằng họ cắt lại kinh phí để làm “quà cáp cho cấp trên”, và “ai không nhận thì mất quyền lợi”.


Có người sẽ nói chuyện những con bò là chuyện nhỏ, rằng đó chỉ là những con sâu. Nhưng đó là những con sâu đang gặm nhấm vào những con bò sinh kế tối thiểu và cuối cùng của người nông dân. Và câu chuyện nhỏ những con bò dự án đang cho thấy một vấn đề không nhỏ là chất lượng đồng vốn xuống đến tay người nghèo đang vừa thấp vừa thiếu chất lượng một cách thảm hại.


Hôm Quốc hội thảo luận về vấn đề đầu tư cho tam nông, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường nói mức độ đầu tư mới chỉ đáp ứng được chưa tới 60% nhu cầu thực tế. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nói “đầu tư cho nông thôn chưa đủ”, trong khi mức sống của nông dân còn thấp và họ là đối tượng được hưởng ít nhất thành quả phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng đề nghị cần tăng đầu tư cho tam nông mạnh hơn nữa, đảm bảo năm năm sau cao gấp 2-5 lần trước đó.


Nhưng chuyện đầu tư nhiều ít đâu có ý nghĩa khi nó chỉ nhiều trên giấy.


Bởi sự tốt đẹp hơn sẽ chỉ đến với người dân, khi những con bò không phải mang cái gánh nặng “quà cáp cho cấp trên”. Khi những con bê không phải mang danh nghĩa con bò. Khi “chuyện con bò” không còn được nhìn nhận bằng những cái chép miệng rằng đó là “chuyện con sâu”. Và chỉ khi người nông dân không bị biến thành con bò trong các “Dự án bò” cho nông nghiệp.


Theo Đào Tuấn's blog

Không có nhận xét nào: