Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Thi Đua Yêu Nước – Trên Lưng Cọp



Nguyễn-Xuân Nghĩa 

Thiên triều bất an trên Thiên cung hỗn loạn

Mao Trạch Đông là người có công! Ông giải phóng Trung Quốc khỏi nạn ngoại xâm và xăn tay áo tái thiết đất nước theo kiểu riêng. Kết quả, công đó thành công cốc.

Ba chục năm lãnh đạo của ông khiến Trung Quốc lụn bại trong chế độ bế môn toả cảng để tự cung tự cấp như nhiều Hoàng đế khác đã áp dụng trong lịch sử. Sự hoang tưởng của Mao chỉ kém thủ đoạn chính trị của ông, với vụ Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại nhằm loại bỏ mọi chính kiến khác ở trên thượng tầng lãnh đạo.


Bị mê hoặc bởi chủ nghĩa cộng sản nhiều người không nhìn ra một thủ thuật cũ: lãnh đạo huy động quần chúng u mê đi làm cách mạng cho mình.

Từ Hy Thái hậu và các cận thận thủ cựu của bà cũng từng làm như vậy với "Nghĩa hoà đoàn" để tấn công các thế lực ngoại bang hầu củng cố quyền lực của mình trước đề nghị cải cách của các phần tử tiến bộ hơn. Kết cuộc vụ "Loạn quyền phỉ" này (Boxer Reebellion, kéo dài từ 1898 đến 1901) khiến triều Thanh càng khủng hoảng - và 10 năm sau thì sụp đổ.

Lần này, 10 năm hỗn loạn của cuộc "Đại văn cách" (1966-1976) - khi quần chúng ngoài đảng và đám con nít nhi nhô được Mao và tay chân thân tín huy động để tấn công đảng - khiến lý tưởng cộng sản trở thành vô nghĩa. Uy tín của Đảng Cộng sản Trung Hoa sa sút nặng.

Khi giành lại quyền bính năm 1978 và tiến hành cải cách năm sau, Đặng Tiểu Bình tìm ra một lẽ chính đáng khác cho quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng: đem lại áo cơm cho người dân.

Người ta coi là ông đã thành công và cả thế giới trầm trồ ngợi khen phép lạ kinh tế lẫn uy thế rất lớn của Trung Quốc. Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và việc kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để đứng hạng nhì thế giới là những điều khó phủ nhận.  Và thường được đảng nhấn mạnh, được truyền thông quốc tế ca tụng.

Nhưng chính là chiến lược tập trung kiểm soát chính trị và áp dụng quy luật thị trường có chọn lọc đi cùng việc tản quyền cho các địa phương được linh động kiếm tiền lại gây vấn đề. Lợi thế của chiến lược xiết chặt chính trị và thả lỏng kinh tế đã đi hết sự vận hành dễ dãi lúc ban đầu.


***


Những người thấy ra điều ấy là thế hệ lãnh đạo thứ tư, Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo....

Sau ba thế hệ - Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân - thế hệ Hồ-Ôn này không thuộc vào xu thế "cách mạng" mà là loại kỹ sư có tinh thần thực tiễn và ít lý luận duy ý chí. Họ thấy ra ưu điểm của cải cách, nhưng cũng nhìn thấy nhược điểm của chiến lược mở cửa.

Nhờ mở cửa buôn bán với bên ngoài, kinh tế có tăng trưởng cao hơn trước. Nhưng đấy chỉ là một áp dụng trễ của chiến lược Đông Á nhằm phát triển xuất cảng. Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan đều  tạo ra phép lạ như vậy và cũng từng bị khủng hoảng. Mấy quốc gia đó lại thuần chủng (Nhật) hoặc có lãnh thổ rất hẹp (trường hợp hai nước Đông Bắc Á kia) nên không gặp vấn đề như Trung Quốc đã gặp và lãnh đạo thời đó đã sớm thấy.

Vì khác biệt quá lớn về địa dư trên một lãnh thổ quá rộng, chiến lược hướng ngoại dẫn tới kết quả là các tỉnh và thành phố duyên hải bung ra rất mạnh, khắng khít hợp tác doanh nghiệp quốc tế để đem lại sự kỳ diệu đáng khâm phục ở bên ngoài. Bên trong, các địa phương bị khóa trong đất liền thì vẫn lụn bại. Dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các tỉnh trong/ngoài là vấn đề đã được Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo thấy rõ và nói lên.

Nhưng ngoài dị biệt về địa dư, chiến lược phát triển này còn đào sâu sự khác biệt đầy bất công giữa các thành phần dân chúng. Bị thiệt hại nhất là thành phần nông dân.

Sau 10 năm dễ thở hơn nhờ Đặng Tiểu Bình, mức sống của họ không tăng, mà đất đai lại bị cướp cho nhu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong khi ấy, cường hào ác bá và tham nhũng đã trở thành phổ biến. Lên lãnh đạo từ đầu năm 2003 (sau Đại hội 16 vào năm 2002), Hồ-Ôn cố phát triển các tỉnh ở trong rồi đưa ra sáng kiến xây dựng "Xã hội Hài hòa". Kế hoạch Năm năm thứ 11 (2006-2010) nhấn mạnh đến yêu cầu đó.

Cũng theo phép cũ, lãnh đạo còn cho phép quần chúng lên tiếng về những bất công và tệ nạn tham ô để thanh trừng các đảng viên biến chất về tội tham nhũng.

Kết quả là người dân biểu tình ngày một đông hơn, và số lần biểu tình được chính cơ quan nhà nước loan báo hoặc xác nhận. Nhưng bất công không giảm, dị biệt vẫn tăng và tham nhũng càng lan rộng, để lên tới thượng tầng đảng.

Năm năm sau, là ngày nay, Kế hoạch Năm năm thứ 12 (2011-2015) vẫn phải xử lý bài toán cũ, với những khó khăn còn trầm trọng hơn.


***

Sau 10 năm lãnh đạo với chủ trương tăng cường quyền hạn cho trung ương để tái phân lợi tức hay dịch vụ xã hội cho các địa phương và thành phần nghèo khó, thế hệ thứ tư chưa đạt được mục tiêu vì sự cưỡng chống của nhiều địa phương nay đã có thân tộc và thế lực lên tới thượng tầng, ở tại trung ương.

Đấy là bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị có thể giúp chúng ta hiểu thêm về vụ khủng hoảng vừa qua, với nhân vật Bạc Hy Lai vừa bị hạ bệ.

Lãnh đạo Trung Quốc rất giỏi về nghệ thuật hay thủ thuật huy động quần chúng.

Từ Mao Trạch Đông với cuộc Vạn lý Trường chinh để vét dân từ các tỉnh nghèo khó ở bên trong hầu chiếm đoạt quyền lực trong trận nội chiến và "Bước nhảy vọt vĩ đại" hay "Đại văn cách", quần chúng u mê đã tràn lên như thác lũ. Bây giờ, quần chúng đó có nhiều người bất mãn, ngày càng đông.

Bạc Hy Lai bèn dùng lại thuật cũ, với nội dung mới. Cũng theo tinh thần cách mạng bình đẳng của Mao, nhưng với nét tinh ma là khơi dậy lòng ái quốc.

Qua Bạc Hy Lai, khuynh hướng bảo thủ - tự coi là "Tân Tả" – và một số sĩ quan đã tìm thấy một biểu tượng cho mình: phát triển các địa phương bên trong theo tinh thần công bằng và ý chí yêu nước của Mao, để chống lại mọi thế lực thù nghịch cấu kết với các phần tử cải lương bị biến chất thành tay sai ngoại bang!

Trên thượng tầng, đảng cũng muốn huy động tự ái dân tộc để hoàn thành công trình vĩ đại là đưa Trung Quốc lên hàng đại cường. Khi thất vọng về kinh tế, người dân vẫn còn lối thoát tâm lý đó nên đảng sốt sắng chỉ ra để gây sức mạnh. Nhưng, với cùng một bài bản đó của đảng, Bạc Hy Lai lại chơi trò chính khách để tranh đoạt quyền lực cho bản thân và gia đình. Tội hình sự của bà vợ, hoặc cả cái tội có tham vọng và âm mưu vô lối thật ra lại không nặng bằng tội khơi dậy lòng ái quốc và tự ái dân tộc, vì giựt mất lá cờ đỏ của đảng.

Khi huy động quần chúng, lãnh đạo thực ra đã muốn cưỡi trên lưng cọp.

Bây giờ con cọp thấy đói ăn thì đảng phất cờ đỏ để chuyển hướng chú ý. Tự nhiên có những kẻ như Bạc Hy Lai lại đòi cướp cờ cho mình. Dù có thanh toán xong một chuyện kỳ cục như vậy, lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thể yên tâm. Đại hội 18 sẽ đưa một thế hệ khác lên nhưng chưa biết làm sao xuống khỏi lưng cọp mà không bị vồ!

Hoàn cảnh lúng túng đó ở Thiên cung mới giải thích vì sao đã có chuyện Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai rồi Chu Vĩnh Khang hay Trần Quang Thành cứ dồn dập bung khỏi tầm kiểm soát của Thiên triều.

Khi tin tức thời sự hàng ngày nói đến việc lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc lại phải kích cầu lần nữa, sau biện pháp cực kỳ ngoạn mục vào cuối năm 2008, người ta nên thấy rằng đấy chỉ là tin nhỏ. Và đà tăng trưởng cao hay thấp từ nay đến cuối năm cũng chỉ là chuyện chu kỳ.

Khi thời sự chính trị nói đến việc 16 đảng viên hồi hưu của tỉnh Vân Nam công khai yêu cầu điều tra và trục xuất Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, Trưởng ban Chính pháp Trung ương và là người cầm đầu hệ thống Công an và Tình báo Trung Quốc, thì đấy vẫn là tin nhỏ! Việc Chu Vĩnh Khang - bị liên lụy vì là người đỡ đầu cho cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai - phải xuất hiện và lên tiếng để đánh bạt những tin đồn cũng chỉ là biện pháp trấn an của lãnh đạo.

Sự thể có khi nghiêm trọng hơn vậy vì những chọn lựa nan giải của đảng.

Giảm đà tăng trưởng để điều chỉnh lượng thành phẩm như Kế hoạch Năm năm thứ 12 đã đề ra là một chọn lựa. Bảo vệ quyền thống trị của đảng trên quân đội mà vẫn yêu cầu quân đội phải yểm trợ việc nội an là một chọn lựa khác. Cải cách kinh tế mà cũng phải cải cách cả chính trị, như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chính thức đề cập, nhưng tới mức độ nào để đảng vẫn duy trì được quyền lực? Đấy là một chọn lựa khác. Phát huy tinh thần yêu nước để chứng tỏ lẽ chính danh của quyền lực đảng, nhưng tới mức nào để khỏi khơi dậy tư tưởng Mao Trạch Đông hay những thủ thuật kiểu Cách mạng Văn hoá là một bài toán cũng không dễ có giải đáp.

Giới quan sát bên ngoài thì e ngại một bước nhảy vọt vĩ đại vào quá khứ khi đảng phải lui về ưu tiên bảo vệ chế độ hơn là phát triển quốc gia. Nhiều người khác thì cho rằng các tướng lãnh có thể đưa quân ra khỏi trại để ổn định tình hình - và thực tế tiến hành một cuộc đảo chính. Những lý luận hay suy đoán này đang được công khai hoá và phổ biến khắp nơi và có thể tác động vào những cái đầu hoang mang và làm Thiên cung càng thêm hỗn loạn.

Bên dưới là bầy cọp đói đang chờ đợi....

Theo: Việt Tribune

Không có nhận xét nào: