Pages

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Trung Quốc lấy được bí mật tên lửa Bulava của Nga?

(TNO) Các công tố viên Nga tin rằng hai giáo sư của Trường đại học Kỹ thuật Baltic đã chuyển thông tin bí mật về tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava cho Trung Quốc.

Hai giáo sư Yevgeny Afanasiev và Sviatoslav Bobyshev đã bị kết tội phản quốc và lần lượt bị tuyên án 12 năm rưỡi và 12 năm tù giam.
Theo tờ Pravda, điều tra cho thấy vào tháng 5 và tháng 6.2009, trong một chuyến công tác đến Trung Quốc, Afanasiev và Bobyshev đã chuyển thông tin bí mậtquốc gia cho các đại diện của giới tình báo quân đội Trung Quốc.

Các giáo sư bị tố giác bán thông tin với giá tổng cộng 27.000 USD. Khoản tiền này không lớn và cuộc điều tra không chỉ ra được bằng chứng trực tiếp về việc chuyển thông tin tận tay cho phía Trung Quốc.
Theo truyền thông Nga, Boris Slobodin, luật sư của một trong hai bị cáo, đã nói rằng phán quyết sẽ được kháng cáo.
Các nhà khoa học này bị bắt vào năm 2010 và đã bị giam hai năm tại nhà tù Lefortovo.


Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgorukii trang bị tên lửa chiến lược Bulava - Ảnh: AFP
Hiện chưa rõ thông tin nào liên quan đến tên lửa Bulava được chuyển cho phía Trung Quốc.
Truyền thông Nga dẫn lời một thẩm phán nói trên cơ sở các thông tin nhận được, Trung Quốc có thể tính toán địa điểm các tàu ngầm của Nga.
Hôm 25.6, hãng RIA Novosti dẫn lời Tư lệnh hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết, tên lửa Bulava thực tế đã được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Yuri Dolgorukii.

Theo tờ Pravda, các cường quốc trên thế giới hết sức quan tâm đến thông tin về tên lửa Bulava và Trung Quốc là nước xếp hàng đầu.
Kể từ năm 2005, truyền thông thế giới đã tiết lộ thông tin về việc Trung Quốc xúc tiến chương trình phát triển tên lửa hạt nhân liên lục địa phóng từ biển đầy tham vọng. 
Theo tờ Pravda, lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã phát triển một chương trình mang tên “Bức tường Đại dương của Trung Quốc”, gợi ý về việc thành lập một đội tàu ngầm trang bị đầu đạn hạt nhân có số lượng vượt xa những đội tàu tương tự của nước khác, gồm cả Nga.
Các tàu ngầm mang theo đầu đạn hạt nhân dự kiến sẽ là chủ đề cuối cùng để tranh cãi giữa các cường quốc hạt nhân sau khi Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Chúng kín đáo, di động và do đó ít có khả năng bị tổn thương trong một cuộc tấn công phủ đầu hơn trên bộ. Vì vậy, Nga và Trung Quốc chủ yếu phát triển thành phần này trong lực lượng hạt nhân chiến lược của họ.
Trung Quốc đang lên kế hoạch trang bị tên lửa JL-2 (Cự Lãng 2) cho các tàu ngầm của họ. Tên lửa JL-2 là phiên bản dưới biển của tên lửa DF-31 (Đông Phong 31). 
Xét về tầm bắn, các tên lửa này đại khái có thể so sánh với tên lửa Bulava của Nga. Người ta cho rằng chúng có thể bay xa hơn 12.000 km và sau khi hiện đại hóa, có thể lên đến 19.000 km.
JL-1 là nguyên mẫu của loại tên lửa này với tầm bắn lên đến 1.700 km. Nó được phía Trung Quốc phát triển và đúng như dự kiến, đã thất bại. 
Theo tờ Pravda, các tàu ngầm lớp Hạ được trang bị tên lửa loại này chưa bao giờ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tác chiến. Trong khi đó, loại tên lửa đang đề cập thuộc hàng những tên lửa cần phải mất 20 năm để phát triển.

Kể từ đầu những năm 2000, chiến lược trong chương trình hạt nhân của Trung Quốc nhìn chung rất giống với Nga. 
Đi theo tấm gương của Nga, Trung Quốc đã quyết định thống nhất các phương tiện phóng tên lửa trên bộ và dưới biển. 
Các chuyên gia đã lưu ý đến sự giống nhau giữa các tên lửa của Trung Quốc với hệ thống tên lửa Topol và Bulava của Nga và người Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các vụ thử thành công.
Điều ngạc nhiên là để chế tạo tên lửa JL-1, Trung Quốc chỉ mất chưa đầy một nửa khoảng thời gian mà các kỹ sư Nga cần có để tối ưu hóa Bulava, theo Pravda.

Vào năm ngoái, Nga đã thực hiện thành công các vụ thử Bulava và loại vũ khí này đã được trang bị cho hải quân. 
Vào tháng 1 năm nay, quân đội Trung Quốc đã thực hiện sáu vụ phóng tên lửa JL-2 từ vùng biển ở gần cảng Đại Liên.
Hiện tại, người ta thấy rõ Trung Quốc đã sở hữu khả năng tấn công từ vùng lãnh hải của họ như Mỹ và Nga.
Chính vì những lý do đó, tờ Pravda cho rằng việc nghi ngờ Trung Quốc thu được công nghệ liên quan từ những nơi khác ngoài các trung tâm nghiên cứu của họ là điều hợp lý./Sơn Duân

Không có nhận xét nào: