Thái Bình
Cựu chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình và đồng phạm làm thất thoát trên tám mươi ngàn tỷ đồng, tương đương trên 4 tỷ đô la Mỹ. Phiên toà sơ thẩm xét xử Phạm Thanh Bình cùng đồng phạm của Toà án thành phố Hải Phòng tháng 3 vừa qua, tuyên phạt các bị cáo về tội danh “cố ý làm trái”, Phạm Thanh Bình mức án cao nhất 20 năm tù, các bị cáo khác mức án thấp hơn.
Mức án trên với các bị cáo là nặng hay nhẹ tôi không bình luận. Tôi thấy rằng phiên toà mới xét xử một nửa tội danh.
*
Để có số tiền khổng lồ được rót vào Vinashin, phải có hàng trăm dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiếp đến các cơ quan chức năng nghiên cứu dự án cung cấp vốn dưới các hình thức sau:
1/ Ngân sách nhà nước cấp vốn thông qua Kho bạc nhà nước, hoặc Nhà nước bảo lãnh tín dụng.
2/ Các Ngân hàng đầu tư vào Vinashin dưới dạng tín dụng ngắn hạn hay dài hạn tuỳ tính chất của dự án và tín nhiệm của các ngân hàng với Vinashin.
Với mục 1 có hai trường hợp: Thứ nhất, Nhà nước cấp vốn trực tiếp phải có đơn vị phân bổ vốn, có thể là Bộ KH-ĐT hoặc Bộ Tài chính, nhưng Kho bạc nhà nước là nơi cấp vốn; quy trình thẩm định dự án của các cơ quan này trước khi cấp vốn rất chặt chẽ. Thứ hai, Nhà nước đứng ra bảo lãnh tín dụng, thông thường có hai cơ quan quản lý nhà nước bảo lãnh là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước; quy trình thẩm tra, thẩm định dự án cũng rất chặt chẽ như trường hợp thứ nhất. Thậm chí trước khi cấp vốn hoặc bảo lãnh, những cơ quan trên còn phải đi kiểm tra tiến độ thực hiện từng dự án, tiến độ đến đâu cấp vốn đến đó. Nếu các cơ quan chức năng này làm đúng quy trình thì không thể thất thoát vốn.
Với mục 2. Khi có đề nghị vay vốn của chủ đầu tư, cán bộ tín dụng thẩm tra dự án, báo cáo trưởng phòng, trưởng phòng báo cáo giám đốc ngân hàng. Trước đầu tư vốn, Ngân hàng phải nghiên cứu rất kỹ dự án. Để cấp tín dụng phải có hai điều kiện: một là dự án khả thi và có khả năng thu hồi vốn được cấp có thẩm quyền duyệt, hai là phải có tài sản đảm bảo.
Làm đúng quy trình trên, vốn nhà nước, vốn tín dụng bảo lãnh, vốn tín dụng các Ngân hàng không thể thất thoát, trừ khi Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, các cơ quan chức năng nhà nước cùng chủ đầu tư ăn “dơ” với nhau cố tình làm trái các quy định trên. Như vậy hành vi làm trái không chỉ một bên chủ đầu tư mà cả bên cấp vốn.
Như phân tích trên, để có hàng chục ngàn tỷ đồng rót vào Vinashin cho Phạm Thanh Bình và đồng phạm làm thất thoát thì không thể chỉ xử một bên nhận vốn. Một bên cố tình làm trái, bên kia làm đúng quy trình, liệu cố ý làm trái có xảy ra? Bên cấp vốn bao gồm Kho bạc, Ngân hàng, các cơ quan chức năng nêu trên vô can liệu có lọt tội? Chức năng của bên cấp vốn đầu tư dự án là phải xem xét nếu dự án hiệu quả cấp vốn đầu tư, dự án không hiệu quả không cấp vốn đầu tư, phát hiện dự án kém hiệu quả có quyền ngừng cấp vốn để thu hồi nợ. Làm đúng như vậy thì liệu Vinashin có số tiền khổng lồ để tham nhũng thất thoát không?
Một vấn đề các cơ quan tố tụng cần chú ý là liệu có áp lực lên các cơ quan cấp vốn cho Vinashin?
Phạm Thanh Bình trong nhà lao, thầm trách các bác Kho bạc, Ngân hàng... biết tôi làm ăn kém hiệu quả và làm trái quy định sao các bác cứ rót vốn vào, tưởng cứu được tôi nào ngờ hại tôi và hại cả các bác. Nếu các bác rót vốn đến đâu, các bác kiểm tra giám sát đến đó thì tình hình đã khác, làm gì có được hàng chục ngàn tỷ đồng để tôi làm thất thoát. Hậu quả bây giờ tôi phải gánh chịu, các bác vô can? Dương Chí Dũng đàn em cũng làm thất thoát số tiền khổng lồ, Dương Chí Dũng rút bài học từ tôi, dại gì phải chịu hậu quả một mình, trong khi có cả hệ thống làm sai, mà vấn đề tế nhị nhiều việc làm sai tố ra cũng khó, tỷ như để được việc phải bôi trơn các “cửa” số tiền không nhỏ, nhưng khi ra toà làm gì có bằng chứng, “ba sáu kế, cao chạy xa bay là thượng sách”.
Hà Nội ngày 26 tháng 6 năm 2012
T.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét