Tổng thống Philippine Benigno Aquino
(VnMedia) - Tổng thống Philippine Benigno Aquino hôm nay (23/7) đã thể hiện thái độ kiên quyết không chịu lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông này đã kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quyền của Manila ở Biển Đông đồng thời thông báo một loạt kế hoạch củng cố năng lực quân sự của Philippines.
Phát biểu tại phiên họp chung lần thứ 3 của Quốc hội Philippines kể từ khi tiếp nhận quyền lực năm 2010, Tổng thống Aquino đã kêu gọi và đề nghị người dân Philippines hãy đoàn kết cùng chính phủ giải quyết cuộc tranh chấp với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc một cách hòa bình.
"Nếu một người đó bước vào sân nhà của các bạn và bảo với các bạn rằng anh ta sở hữu nó, liệu các bạn có cho phép anh ta làm điều đó hay không", ông Aquino đặt câu hỏi. "Chúng ta không có quyền cho đi cái gì thuộc chủ quyền hợp pháp của chúng ta. Vì thế, tôi kêu gọi tinh thần đoàn kết của nhân dân chúng ta trong vấn đề này. Chúng ta hãy cùng chung tiếng nói”, Tổng thống Philippines phát biểu.
Ông Aquino cho hay, Manila đã thể hiện thái độ kiềm chế bằng cách rút tàu hải quân ra khỏi bãi cạn Scarborough và thay thế bằng một tàu dân sự khi tàu thuyền Trung Quốc đi vào vùng tranh chấp.
"Đó không phải là đòi hỏi lớn lao hay quá nhiều khi chúng ta yêu cầu họ tôn trọng các quyền của chúng ta. Chúng ta đã tôn trọng các quyền của họ”, ông Aquino khẳng định đồng thời nói thêm rằng, với tư cách là lãnh đạo của đất nước Philippines, “Tôi quyết duy trì luật pháp ở vùng đất này”.
Sau khi thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Aquino cũng thông báo một loạt kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự của Philippines. Cụ thể, với quỹ hiện đại hóa quân đội trị giá 75 tỉ peso (1,8 tỉ USD), Phillippines sẽ tiến hành đầu tư mua một chiếc tàu khu trục, một số máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay C-130, các thiết bị viễn thông, súng trường và súng cối. “Kế hoạch của chúng tôi không phải để đánh nhau hay để dọa dẫm ai. Đó là vì hòa bình. Đó là hành động giúp chúng tôi nâng cao năng lực tự bảo vệ mình", ông Aquino nhấn mạnh.
Philippines phản đối Trung Quốc trang bị vũ khí cho ngư dân
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình tranh chấp Biển Đông, văn phòng Tổng thống Philippines hôm qua (22/7) đã lên tiếng phản đối đề xuất của một quan chức ngành ngư nghiệp Trung Quốc về việc trang bị vũ khí và đào tạo kỹ năng chiến đấu cho các ngư dân của nước này.
Trước đó, hôm 21/7, tờ Philippine Star đưa tin, một quan chức ngư nghiệp Trung Quốc được xác định là He Jianbin, Giám đốc Tập đoàn đánh bắt cá Baosha, hôm 28/6 đã có bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó kêu gọi trang bị vũ khí cho các ngư dân nước này.
Ông He đến từ tỉnh Hải Nam đã nói rằng: “Nếu chúng ta đưa 5.000 tàu cá Trung Quốc vào Biển Đông, sẽ có 100.000 ngư dân. Và nếu chúng ta biến họ thành những dân quân, cung cấp vũ khí cho họ, chúng ta sẽ có một lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả lực lượng của các nước khác ở Biển Đông cộng lại”.
Khi được hỏi về đề xuất ngang ngược trên của vị quan chức Trung Quốc, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – ông Edwin Lacierda cho biết, đó là một đề xuất không thích hợp trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh bãi cạn Scarborough.
“Tôi không biết đó có phải là một đề xuất có trách nhiệm từ các quan chức có trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc hay không. Đó là một điều mà chính phủ Trung Quốc cần phải xem xét”, ông Lacierda cho biết.
Theo người phát ngôn của Philippines, “đó là một đề xuất không đúng đắn. Nó sẽ không giúp chúng ta tìm kiếm được một giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tôi hy vọng phía đối tác Trung Quốc nhận ra rằng, chúng ta cần phải nỗ lực giải tỏa căng thẳng. Việc trang bị vũ khí cho các ngư dân sẽ không có lợi cho cả hai nước”.
Philippines và Trung Quốc chỉ vừa mới “tháo ngòi nổ” cho một cuộc đối đầu quyết liệt giữa hai nước kéo dài gần 2 tháng xung quanh bãi cạn Scarborough. Đây là vùng lãnh hải ở Biển Đông mà cả Manila và Bắc Kinh đều nhận là thuộc chủ quyền của mình. Sau vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines và hai tàu hải giám của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hôm 10/4, quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã rơi vào căng thẳng cao độ.
Biển Đông là nơi chứng kiến nhiều cuộc đối đầu nóng bỏng nhất giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét