Khổng Loan
Philippines tố cáo TQ đang tiếp tục quân sự hóa biển Đông qua việc vũ trang hóa cho ngư dân. Trong khi đó, Mỹ lo ngại TQ đang tìm cách kiểm soát các đảo và nguồn tài nguyên trên biển Đông với sức mạnh hải quân của họ.
Ngày 22-7, Niel Estrella, người phát ngôn lực lượng quân đội tây Philippines đặt tại Palawan, cảnh báo việc Trung Quốc dự định vũ trang cho ngư dân khi đánh bắt cá ở biển Đông sẽ chỉ gây thêm căng thẳng.
Ông cho rằng Trung Quốc “đang biểu thị rõ ràng thái độ kiêu ngạo và bắt nạt” qua việc ông Hạ Kiến Bân, chủ tịch Tập đoàn quốc doanh ngư nghiệp Bảo Sa tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), vài ngày trước đã kêu gọi chính quyền không chỉ cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân sự cho ngư dân để “gìn giữ vùng biển”, không cần phải triển khai tàu hải quân.
Thậm chí ông này còn cao ngạo cho rằng lực lượng của các nước đang “tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc” trên biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, sẽ phải e dè khi đối mặt với ngư dân có vũ trang Trung Quốc.
“Người dân Philippines là những người yêu chuộng hòa bình, nhưng khi sinh ra đã là những chiến binh, đã chiến đấu và thắng nhiều trận lớn” – người phát ngôn này khẳng định.
Dân giàu để bảo vệ lợi ích quốc gia
Trong khi đó, Jose T. Almonte, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho rằng không ai có thể ngăn Trung Quốc ngừng đòi hỏi cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi ở biển Đông trừ chính Trung Quốc hay khi có tiếng nói hợp nhất của thế giới”.
Trên báo chí Philippines, ông viết nếu Philippines muốn vượt qua thách thức, muốn chủ quyền được tôn trọng thì trước hết phải tìm cách “làm cho nhân dân giàu mạnh để có thể có được những công cụ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ lòng tự hào và phẩm giá của dân tộc”. Ông nhận định Philippines giờ không có thời gian để phung phí mà cần phải đẩy nhanh và đẩy mạnh tiến trình này.
Trên trang web của Stratfor, hãng chuyên cung cấp các phân tích tình hình địa – chính trị quốc tế, vừa đăng tải bài viết về chiến lược hải quân của Trung Quốc. Bài viết nhận định mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh hải quân ngày càng lớn hiện nay để kiểm soát các quần đảo ở biển Đông cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược khi có thể. Khi quân đội yếu, Trung Quốc ủng hộ ý tưởng gác tranh chấp để cùng phát triển, nay quân đội đã mạnh hơn thì họ lớn tiếng đòi chủ quyền.
“Chiến lược biển của Trung Quốc sẽ được hình thành tùy thuộc vào những hệ lụy của đường chín đoạn, tình hình phát triển trong nước và các hệ thống quốc tế đang thay đổi” – bài phân tích này nhấn mạnh.
Lầu Năm Góc phải nghiên cứu chi tiết về quân đội Trung Quốc
Các nhà làm luật Mỹ vừa lên tiếng yêu cầu Lầu Năm Góc trong các báo cáo của mình cần phải nêu chi tiết hơn tình hình quân sự của Trung Quốc. Luật ủy quyền quốc phòng của thượng viện năm tài khóa 2013 quy định các báo cáo phải cung cấp thông tin cụ thể hơn nữa cùng những phân tích rõ ràng hơn liên quan tới khả năng của quân đội Trung Quốc. Trong đó, cần có cả khả năng của Trung Quốc trên thế giới ảo, ở không phận hay việc điều quân mở rộng ra khắp nơi trên thế giới hiện nay, các quan hệ đối ngoại, mua sắm vũ khí và hoạt động trên biển.
Mỹ đang tỏ ra lo ngại về khả năng nâng cấp vũ khí của quân đội Trung Quốc. Như gần đây nhất là việc Tập đoàn Máy bay Thành Đô sản xuất được mô hình máy bay tàng hình J-20, cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Các nhà làm luật Mỹ cũng yêu cầu Lầu Năm Góc phải có những phân tích về thay đổi nhân sự trong quân đội Trung Quốc. Các báo cáo từ trước tới nay bị chỉ trích là quá ít thông tin chi tiết và độ chính xác của nó bị nghi ngờ.
Ấn Độ hạ thủy tàu chiến mớiBộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony vừa lên tiếng kêu gọi các nước tranh chấp trên biển Đông, nhất là Trung Quốc, cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Tuyên bố tại lễ hạ thủy tàu chiến INS Sahyadri ở Mumbai ngày 21-7, ông nhấn mạnh tự do đi lại trên biển Đông là điều quan trọng cho kinh tế Ấn Độ và thế giới. Tàu chiến Ấn Độ thường xuyên đối đầu với tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông. Do vậy, việc hiện đại hóa hải quân Ấn Độ được xem là ưu tiên quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ cũng có nhiều lợi ích cần được bảo vệ trên biển Đông, như những cơ sở thăm dò và khai thác dầu khí của các công ty Ấn Độ.Tàu INS Sahyadri dài 142,5m, nặng 4.900 tấn, được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa chống máy bay, hai trực thăng chiến đấu, được lắp đặt ngư lôi có khả năng phát hiện, vô hiệu hóa tàu ngầm đối phương và tên lửa hành trình BrahMos chống tàu. Tàu có sức chứa hơn 250 người.Đây là chiếc thứ 3 của dự án đóng tàu chiến Project-17 của hải quân Ấn Độ. Hai tàu được đóng trước đó là INS Shivalik và INS Satpura trên Ấn Độ Dương, trong đó có nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden.H.N.
Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét