Pages

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Chống Tàu Diệt Việt Cộng mở hội thảo về biển Ðông


Nguyên Huy/Người Việt

SANTA ANA (NV) - Một cuộc hội thảo về một vấn đề mà hầu hết người Việt Nam rất quan ngại, đó là vấn đề tranh chấp biển Ðông trước sự bành trướng hung hãn của Trung Cộng hiện nay, vừa được Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, hôm Thứ Bảy.

Ông Huỳnh Văn Lang (phải) và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, hai trong bốn diễn giả của hội thảo. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bốn diễn giả Vũ Hữu San, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Xuân Nghĩa và Mai Thanh Truyết đã lần lượt thay nhau thuyết trình về bốn phạm vi của vấn đề trong cuộc hội thảo này.
Cả bốn phạm vi của vấn đề tranh chấp biển Ðông đều là những chủ đề vừa rộng lớn lại vừa sâu sắc nên các diễn giả nhiều khi chỉ lướt qua mà không thể đi sâu được vào chi tiết. Rất may là ban tổ chức đã cung cấp cho người tham dự tập tài liệu thuyết trình của họ để sau cuộc hội thảo quan trọng này, mọi người còn có dịp nhìn lại.

Trong phần mở đầu, ông Trần Văn Minh, thay mặt ban tổ chức, nói: “Hiện tại, chúng ta không còn thì giờ để đặt giả định, giả thuyết hay bàn cãi thực chất hành động này của Tàu cộng. Vấn đề của chúng ta không phải là câu hỏi liệu Tàu cộng có âm mưu xâm lược Việt Nam không? Mà là làm cách nào để đối phó với hình thức xâm lược tiệm tiến này.”
Trong ý hướng đó, bốn diễn giả đã thay nhau vạch rõ từng chuyên đề liên quan đến tranh chấp biển Ðông. Cựu Hạm Trưởng Vũ Hữu San, với những bản đồ, biểu đồ vạch rõ từng chi tiết về sự mất biển, mất đảo của Việt Nam chiếu theo Luật Biển Quốc Tế. Ông cũng phân tích cái thế và lực của Hà Nội trong hiện trạng biển Ðông. Hà Nội đã vẽ một bản đồ nộp cho Liên Hiệp Quốc trong đó 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận Trung Quốc; 4/5 biển Trường Sa không còn nằm trong hải phận Việt Nam, nghĩa là 1 triệu cây số vuông biển của Việt Nam không còn nguyên vẹn. Nhìn vào thực trạng Hà Nội, diễn giả nói: “Thực lực của Hà Nội yếu ớt, không tự chủ, muốn dựa dẫm vào nước ngoài, đang mò mẫm mà chưa làm được.”
Quang cảnh buổi hội thảo Tranh Chấp Biển Ðông. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Diễn giả thứ hai là cụ Huỳnh Văn Lang, năm nay đã 90 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn tráng kiện. Ông là giám đốc Viện Hối Ðoái thời Ðệ I Cộng Hòa. Cụ Lang kể về lịch sử Trung Hoa, và nhận định rằng: “Từ thời nhà Chu cách đây 4,000 năm qua thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây gần 3,000 năm, qua đời nhà Tần thống nhất Trung Hoa và nhà Hán nối nghiệp cách đây hơn 2,000 năm, dưới triều đại nào Trung Hoa cũng chưa bao giờ thật sự để ý đến biển nằm về hướng Ðông, chỉ tập trung tài nguyên và quân lực để bành trướng về hướng Tây và chống trả Hung nô từ hướng Bắc. Vì thế mà Trung Hoa không bao giờ có một lực lượng hải quân đáng kể, so với Nhật, Mã Lai và cả Việt Nam.”
Vẫn theo diễn giả, chỉ vào thế kỷ 14, dưới thời Hốt Tất Liệt, với mộng đế quốc mới lo về hải quân để xâm chiếm Nhật, Ðài Loan và cả Việt Nam, nhưng đều thất bại.
Lần thứ hai, Trung Hoa dưới triều đại nhà Minh cũng đã tổ chức được một hạm đội hải quân khá vĩ đại để viễn du băng qua các biển Trung Hoa, biển Ðông, cập theo bờ Ấn Ðộ Dương vòng qua Nam Mỹ đến Mexico lên tận tới San Francisco. Nhưng chỉ sau ít lần, hạm đội này phải tan rã vì các vị vua kế nghiệp Minh Thái Tổ ăn chơi bỏ phế.
Nay Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền sau thời gian bế quan tỏa cảng thời Mao, Ðặng Tiểu Bình vứt bỏ mọi giáo điều của Mao mà theo kinh tế thị trường đưa Trung Quốc thoát khỏi cảnh chậm tiến nhìn được ra nước ngoài và có được một lực lượng hải quân khá hùng mạnh để phục vụ cho những toan tính chiếm lãnh các vùng biển quanh Trung Quốc.
Diễn giả Huỳnh Văn Lang kết luận: “Ðường lưỡi bò đối với Trung Cộng trước sau lại là một vấn đề sống chết cho kinh tế Trung Cộng. Rất nguy hại cho Việt Nam là đã hơn nửa thế kỷ nay, dân tộc chúng ta đã bị 'đồng chí' cai trị và lãnh đạo, nên đồng bào Mít biểu tình chống Trung Cộng mà bị đồng chí Mít giải tán, đánh đập hay bắt bớ, bỏ tù là lẽ đương nhiên.”
Và cụ khẳng định: “Chúng tôi chủ trương Chống Tàu Diệt Việt Cộng là vì thế.”
Diễn giả thứ ba là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Phân tích và diễn giải vấn đề tranh chấp biển Ðông, ông Nghĩa không chỉ đi trong phạm vi chiến lược chính trị mà mở rộng vào lãnh vực chiến lược kinh tế của một đất nước đối mặt với vùng biển của Nga, Nhật và Nam Hàn, đều là những nước có tiềm lực cả về kinh tế lẫn quân sự, thì biển Ðông, vùng biển phía Nam của Trung Quốc chỉ phải đối mặt với các nước nhược tiểu như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Mà phần biển này lại có một trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ, chưa kể còn là nguồn thủy sản phong phú cho ngư dân trong vùng. Phân tích như vậy rồi diễn giả đề cập đến mục tiêu của Trung Quốc trong việc tranh chấp này. Nhưng để tiến hành một Trung Quốc cường quốc trên biển thì Trung Quốc vẫn không dám mở chiến tranh mà chỉ tiệm tiến bành trướng vì chính ngay trong nội địa, sự bất ổn định giữa các vùng phát triển kinh tế đang là mối lo ngại cho sự an ninh của chế độ.
Bài thuyết trình của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đề cập đến nhiều khía cạnh kinh tế của vấn đề tranh chấp biển Ðông. Những khía cạnh kinh tế ấy lại cũng chính là những yếu tố của chính trị và quân sự.
Sau cùng, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, một trong những người chủ trương Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng, lên trình bày về đề tài “Lập trường của người Việt quốc gia trước vấn nạn biển Ðông”.
Sau khi phân tích về tình hình biển Ðông hiện nay với những gì Trung Quốc muốn và đang làm, những gì Cộng Sản Hà Nội đang chạy theo đuôi Trung Quốc, Tiến Sĩ Truyết đề cập đến việc người Việt trong và ngoài nước chúng ta phải làm gì. Diễn giả nêu ra sáu điểm người Việt quốc gia phải thực hiện. Ðó là cần phải lập được thế liên lập với các quốc gia trong vùng biển Ðông để có tiếng nói chung. Trong và ngoài nước tăng cường đấu tranh để tranh thủ sự đồng thuận của thế giới vô hiệu hóa tất cả những gì mà hai chính quyền, hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc ký kết, thỏa thuận với nhau. Kêu gọi các công ty quốc tế không hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác ở biển Ðông và hỗ trợ cho cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam.
Cuối phần thuyết trình, Tiến Sĩ Truyết kết luận: “Buổi hội luận về biển Ðông hôm nay, một lần nữa chúng tôi muốn gióng thêm lên tiếng chuông kêu gọi người Việt ở quốc nội cùng hải ngoại ý thức rằng Cộng Sản Bắc Việt đã đem 'tình đồng chí của đảng Cộng Sản' áp dụng chuyên chính vô sản trong suốt 37 năm qua, chẳng lẽ chúng ta không kết được 'nghĩa đồng bào' của 86 triệu bà con (không kể 3 triệu đảng viên) và 3 triệu hải ngoại để tẩy trừ những kẻ nội thù của quê hương.”
Buổi hội luận đã kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Hầu hết khách tham dự gần 200 người đều theo dõi cho đến phút chót.
––
Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào: