Pages

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nga trước nguy cơ mất quân cảng Tartus ở Syria

(Dân trí) - Nga đã tạm ngừng sử dụng trạm đồn trú hải quân tại cảng Tartus của Syria. Mặc dù không có kế hoạch rời bỏ quân cảng này trong tương lai, song xem ra, đây là kết cục khó tránh khỏi đối với Mátxcơva khi quân chính phủ Syria ngày càng tỏ ra thất thế.



Căn cứ quân sự Tartus, quân cảng duy nhất của Nga ở Trung Đông.
Theo các nguồn tin, tại các cuộc đàm phán chính thức với đoàn đại biểu Syria tới thăm Nga hồi tuần trước, điện Kremlin đã nói rõ các nguyên tắc cơ bản trong việc phối hợp hành động quân sự với Damascus.
Theo đó, về cơ bản Mátxcơva sẽ ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad về các mặt chính trị, thông tin và trợ giúp nhân đạo, nhưng không có việc cung cấp các lô hàng vũ khí lớn như trước đây.
Từ các nguyên tắc cơ bản trên, có thể hiểu ra tại sao đội tàu chiến của Nga (gồm các hạm đội Biển Bắc, Bantích và Biển Đen) đang tập trận ở Địa Trung Hải lại bất ngờ bị giải tán. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng hải quân Nga cũng rút lại kế hoạch đưa hạm đội Biển Bắc đến Biển Đen. 
“Cơ hội đạt được hòa hợp dân tộc ở Syria vẫn còn nên việc trợ giúp quân sự cho chế độ Assad lúc này không phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lý giải về nguyên nhân đưa ra các quyết định trên.
Theo kế hoạch ban đầu của cuộc tập trận Kavkaz-2012, đội tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga gồm 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Alexandr Otrakovski, Georgi Pobedonosets và Kondopoga sẽ tham gia diễn tập ở Địa Trung Hải sau khi ghé thăm Novorossisk trong hai ngày 11-12/8. Sau khi kết thúc diễn tập và tiếp nhận các dịch vụ hậu cần, các tàu chiến Nga sẽ không quay về mà túc trực ở Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị thay đổi vào phút chót khi gần bờ biển của Syria xuất hiện một lượng lớn các tàu chiến của NATO lui tới tuần tra.
"Xét dưới góc độ tương quan về lực lượng quân sự, Nga không thể giữ được quân cảng Tartus. Các lực lượng hải quân Nga không đủ sức chống lại các nước hiện đang trợ giúp cho lực lượng đối lập tại Syria", một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga khẳng định với tờ Độc lập.
Hiện tại, Nga đã công khai rút hầu gần hết lực lượng hải quân ra khỏi Địa Trung Hải, trái ngược hoàn toàn với phương Tây đang tích cực vũ trang cho lực lượng đối lập tại Syria nhằm tìm mọi cách lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, Nga cho biết vẫn sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự tại quân cảng Tartus, bất chấp tình hình an ninh ở phía Tây Syria đang mất dần kiểm soát. Các nguồn tin từ Bộ tham mưu Hạm đội Biển Đen cũng khẳng định điều này.
"Tình hình ở cảng Tartus vẫn chưa có gì thay đổi. Đội ngũ quân nhân Nga phục vụ tại căn cứ này vẫn hoạt động bình thường. Việc tàu nổi PM-138 khởi hành từ Tartus đến cảng Sevastopol vào cuối tháng sau nằm trong kế hoạch đã được duyệt từ trước và sẽ có một tàu khác được điều động đến thay", Hạm đội Biển Đen cho biết.
Liên quan đến thông tin nói rằng sắp tới quân cảng Tartus sẽ ngừng tiếp nhận các tàu chiến để phục vụ hậu cần như chức năng vốn có, các nguồn tin trên từ chối đưa ra bình luận và cũng không cho biết liệu trong thời gian tới các tàu chiến Nga có còn tiếp tục đến Tartus hay không.
Nhận định về khả năng Nga có thể sẽ bị mất quân cảng duy nhất ở Trung Đông, chuyên gia quân sự Yuri Netkachev cho rằng Mátxcơva hiện không có bất kỳ kế hoạch rõ ràng nào cho việc bảo vệ bằng được vị thế địa-chính trị của mình tại khu vực vốn được coi là chảo lửa của thế giới này.
"Tình hình tại Syria dường như đang bị thả nổi. Lẽ ra, Mátxcơva nên có sự trợ giúp quân sự mạnh mẽ hơn nữa cho chế độ Assad, kể cả viện trợ kỹ thuật quân sự để bảo vệ bằng được tiền đồn chiến lược ở Trung Đông", ông Netkachev nói.
"Nếu Assad sụp đổ, Nga sẽ mất một đồng minh và là đối tác duy nhất của Nga ở khu vực chiến lược giàu dầu mỏ Trung Đông", ông nói thêm.
Giám đốc Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí quốc tế Igor Korotchenko cho rằng số phận của căn cứ quân sự Tartus phụ thuộc vào việc Nga có thay đổi lập trường không can thiệp vào tình hình Syria hay không.
"Nga phản đối mọi biện pháp dùng vũ lực của phương Tây. Vì vậy, số phận căn cứ hải quân của Nga tại Syria sẽ phụ thuộc vào việc khi nào hòa bình được tái lập tại nước này", Korotchenko phát biểu với tờ Độc Lập.
Theo ông Korotchenko, phương án tối ưu nhất hiện nay là Mátxcơva hỗ trợ chế độ Assad "đánh" cùng lúc trên cả hai mặt trận: vừa dẹp tan lực lượng đối lập cứng rắn, vừa tiến hành thỏa hiệp với các lực lượng chính trị ôn hòa để có thể tiếp tục duy trì hiện diện trong chính phủ dân tộc chuyển tiếp, qua đó vừa giữ được thể diện cho đồng minh Assad, vừa giữ cho quân cảng Tartus không bị rơi vào tay các thế lực khác.
Đức Vũ

Không có nhận xét nào: