Trung Quốc và Hoa Kỳ đấu khẩu dữ dội vì vấn đề biển Đông. Hoa Kỳ lên án bên kia hành động quá đáng, Trung Quốc phản bác rằng Hoa Kỳ lẫn lộn phải trái, can thiệp vào cuộc tranh chấp một cách không công bằng. Việt Nam được gì hay mất gì trong cuộc đụng đầu ấy?
parsons.com photo
Guam: căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ ở Đông Á
“Lẽ phải”: Trung Quốc bị ức hiếp!
Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu phó đại sứ Hoa Kỳ Robert Wang tại Bắc Kinh đến bộ hôm thứ hai để gọi là có những điều trình bày nghiêm trọng.
Lý do là hôm thứ năm Thượng Viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông, trong đó có đề cập đến việc thành lập thành phố Tam Sa. Thứ sáu, bộ ngoại giao Mỹ ra thông cáo gần như để thi hành nghị quyết đó, nói đại ý rằng việc Trung Quốc thiết lập đơn vị quân sự đồn trú ở Hoàng Sa đã đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn, và gây nguy cơ gia tăng mối căng thẳng trong khu vực.
Tại bộ ngoại giao ở Bắc Kinh, phụ tá bộ trưởng ngoại giao Trương Côn Sanh nặng lời tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã bất chấp thực tế, lẫn lộn phải trái, và đã gửi đi một tín hiệu sai lạc mà không giúp gì cho những nỗ lực của các bên liên quan để duy trì hoà bình và ổn định ở biển Nam Trung hoa cũng như châu Á Thái Bình Dương.
Nguyên do sự “nhạy cảm”
Lời lẽ tỏ ra Trung Quốc phẫn nộ và nhạy cảm trước vấn đề biển Đông, nhưng có ý kiến cho đó cũng chỉ là một phản ứng ngoại giao thông thường, khi mà Bắc Kinh đã nhất quyết chiếm hữu biển Đông, gần nhất là quần đảo Hoàng Sa, bằng những hành động cho cái gọi là thành phố địa khu Tam Sa.
Phụ tá họ Trương còn nói Trung Quốc rất bất mãn và phản đối mạnh mẽ ý kiến của Hoa Kỳ, kêu gọi phía Mỹ lập tức sửa sai và thực tâm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc vân vân và vân vân … Đó cũng chỉ là những lời lẽ tuyên truyền thông thường để cường điệu hoá cái gọi là chủ quyền trên toàn bộ biển Đông.
Trự sở HĐND thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa- Screen capture
Tiếp diễn thêm nữa, thái độ của Trung Quốc tỏ ra gay gắt hơn là những phản ứng ngoại giao thông thường, khi phát ngôn viên Tần Cương của bộ ngoại giao Trung Quốc ngày hôm sau phụ hoạ bằng một thông cáo khác, nhắc lại rằng Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối ở biển Đông cùng những hải đảo trong đó, hoàn toàn có quyền chính thức thiết lập một thành phố để quản lý khu vực ấy. Họ Tần phát biểu là tại sao Hoa Kỳ “tự bịt mắt” trước thực tế là một số quốc gia đã mở những lô dầu khí trong lãnh hải Trung Quốc và ban hành “những đạo luật bất hợp pháp” về lãnh hải đó, trong khi người Mỹ tránh nói tới những sự “đe doạ của các tàu chiến” đối với ngư dân Trung Quốc cùng những sự “xác định chủ quyền sai trái” trên các hải đảo của Bắc Kinh.
Đó là chưa kể sự phụ hoạ của báo Nhân dân ấn bản tiếng ngoại quốc, tỏ ra thô bạo chưa từng thấy trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Mỹ-Hoa hiện nay. Tờ báo đã viết là Hoa Kỳ nên “câm miệng” đi thì hơn… Chưa hết, tờ China Daily còn lặp lại từng chữ những lời lẽ của phát ngôn viên Tần Cương.
Bản lĩnh ngoại giao
Một cách khách quan, sự gay gắt đó cũng là những phản ứng tất yếu của Trung Quốc, kể cả lời lẽ của báo Nhân dân, vì đó chỉ là cái loa của Bắc Kinh.
Khi Bắc Kinh đã đòi chủ quyền sai trái trên 80% lãnh hải biển Đông thì tất yếu phải mạnh mẽ khẳng định sự ngang ngược sai trái đó là lẽ phải, Nhìn trên bình diện ngoại giao quốc tế, gọi đó là phản ứng thông thường cũng là điều thuận lý.
Tuy nhiên người ta lưu ý tới sự im lặng của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Phải chăng đó cũng là phản ứng thông thường của một quốc gia có bản lãnh già dặn về ngoại giao như nước Mỹ?
Trên trường ngoại giao, người ta thấy Hoa Kỳ không bao giờ tỏ hành động giống như “đôi co” với các nước có lập trường đối nghịch, mà chưa gọi là “thù địch”. Đó là sự già dặn về bản lĩnh. Hơn nữa, Hoa Kỳ đã bày tỏ lập trường qua nghị quyết của Thượng Viện cũng như thông cáo của bộ ngoại giao ở Washington, nên không cần thiết phải”đôi co” với miệng lưỡi hàm hồ của Bắc Kinh.
Washington có thể sẽ có thái độ hay hành động đối với cách hành xử đó khi có dịp, hoặc khi Mỹ tạo ra dịp để có hành động, trong khi tỏ ra giữ vững lập trường đã tuyên bố.
Mục tiêu đương đầu: Trung Quốc
Thêm vào đó, sau bản nghị quyết của Thượng Viện, Hạ viện Hoa Kỳ đã tổ chức điều trần về quân sự liên quan đến châu Á Thái Bình Dương. Những chi tiết của
Soái hạm Blue Ridge của hạm đội 7, đến Việt Nam huấn luyện- navymil photo
cuộc điều trần này cũng có thể là nguyên do thái độ bực tức ra mặt của Trung Quốc, vì sự kiện đã đổ thêm dầu vào lửa sau khi Việt Nam ban hành luật biển.
Trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Chỉnh Bị thuộc Uỷ ban quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ, đại diện bộ quốc phòng Mỹ nói là sẽ xem xét đề nghị “rất hay” của một Viện nghiên cứu của Mỹ, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CISS. Viện CISS thực hiện đơn đặt hàng của bộ quốc phòng, thảo hoạch một kế hoạch quân sự cho Hoa Kỳ để thực hiện chiến lược xoay trục chiến lược sang châu Á Thái Bình Dương. Kế hoạch đề nghị Hoa Kỳ tăng cường võ trang cho căn cứ chiến lược Guam ở cửa ngõ vào Đông Á, tức là cửa ngõ vào biển Nhật Bản và biển Đông, mà gần nhất là hải phận Philippines rồi đến Việt Nam.
Trung tâm CISS muốn Hoa Kỳ tăng cường cho Guam ít nhất là một tàu ngầm tấn công, tất nhiên là loại tối tân nhất của Mỹ, hoặc là phối trí hẳn một phi đội pháo đài bay B-52 đóng thường trực ở đó, thay vì ba phi đội từ Bắc Mỹ thay phiên nhau bay tới Guam để trực chiến như hiện nay. Đó là cả một sự phối trí lực lượng không kém hình thái chuẩn bị một cuộc chiến tranh hạn chế.
Ý kiến này được nêu ra sau khi diễn ra những vụ tranh chấp lãnh hải gay gắt giữa Nhật, Việt Nam, và Philippines với Trung Quốc, gay gắt đến mức Thủ tướng Nhật tuyên bố không loại trừ giải pháp quân sự để giành chủ quyền những quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Nghị quyết S.Res.524 của Thượng Viện, thông cáo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng như cuộc điều trần tại Hạ viện rõ ràng là để nhấn mạnh lập trường cương quyết của Hoa Kỳ về chủ quyền biển Đông cũng như nhắc lại chiến lược xoay trục quân sự-kinh tế-chính trị sang châu Á Thái Bình Dương để nhắm vào Trung Quốc. Sau đó Việt Nam đã phổ biến thêm một số tài liệu và lập trường về chủ quyền biển Đông.
Giữa lúc Trung Quốc hung hăng phản ứng với việc Việt Nam ra luật biển đồng thời có những hành động gần như hăm doạ nước láng giềng "16 chữ vàng", thì Hoa Kỳ đã phản ứng nhanh chóng bằng một loạt hành động chính trị. Đó là lý do xảy ra trận đấu khẩu vừa rồi như một điều tất yếu khi hai nước có quan điểm và quyền lợi xung khắc về biển Đông.
Hai bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam, tháng 6, 2012- Screen capture
Việt Nam? - Chưa hiểu được
Trong việc này rõ ràng Việt Nam được Hoa Kỳ tỏ thái độ bênh vực rõ rệt, không khác nào hành động đưa tàu ngầm nguyên tử đến Manila giữa lúc hải quân Philippines đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc ở Scarborough.
Chẳng phải đến nay, mà trước đây trong năm giới lãnh đạo nước Mỹ đã có nhiều hành động liên tiếp, cho thấy sẵn lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông, nhưng với một số điều kiện ràng buộc về nhân quyền và thái độ chính trị đối với người dân Việt.
Và hành động đáp ứng của Hà Nội là tiếp tục khống chế biểu tình chống Trung Quốc, tiếp tục đàn áp sự tụ họp tôn giáo có mục đích nhân đạo và sự phát biểu ý kiến trên mạng, tiếp tục kết án nặng những người nói lên lời chỉ trích chế độ, yêu cầu dân chủ.
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn lưỡng lự giữa hai con đường: vì quyền lợi quốc gia dân tộc hay vì quyền lợi thống trị độc tôn của đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét