Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

“Vòng kim cô” của Ban tuyên giáo TW


Sáng 2-8, nguồn tin có trách nhiệm và đáng tin cậy từ Quảng Ngãi cho hay, lãnh đạo địa phương đang lâm vào tình thế hết sức khó xử trước việc có đưa bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát” của André Menras (Hồ Cương Quyết) ra công chiếu trong tỉnh hay không.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cơ quan liên quan trong tỉnh: bộ phim rất hay và chân thực, rất nên được công chiếu rộng rãi. Nhân thân tác giả là người yêu Việt Nam không kém bất cứ người Việt Nam nào. Bộ phim được làm với tâm huyết và thiện chí rất cao. Tuy nhiên … Ban Tuyên giáo TW đã có công văn gửi Quảng Ngãi, yêu cầu bộ phim này phải được bổ sung phần nói về công lao của Đảng và Nhà nước giúp đỡ bà con ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn. Trong khi trên thực tế, nguyên gốc bộ phim dài 1 giờ đồng hồ này, như tên gọi của nó, chỉ tập trung phản ánh nỗi vất vả, gian lao, những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của bà con ngư dân trước thiên nhiên dữ dội và nhà cầm quyền Trung Quốc ăn cướp, qua đó đánh thức sự đồng cảm, hỗ trợ của đồng bào và nhân dân trong và ngoài nước phản đối Trung Quốc chèn ép ngư dân ta để ủng hộ, giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất; không có nội dung công lao của Đảng và Nhà nước (!).

Quảng Ngãi biết việc đưa ra yêu cầu thuyết phục tác giả “làm lại” bộ phim theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo TW là đánh đố địa phương. Vì người nước ngoài “không quen” làm phim tài liệu hoặc sáng tác văn học nghệ thuật phải “có tính Đảng” như ở ta.
Theo tác giả bài viết này, đòi hỏi cuả Ban Tuyên giáo TW là hết sức vô lối, khi nhiều phóng sự của VTV hoặc các báo đã được đăng tải về thiên tai bão lũ, hoặc gặp khó khăn trong sản xuất, đời sống của người dân cũng không buộc phải có nội dung Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ, hỗ trợ ra sao.
Rõ ràng, động thái này của Ban Tuyên giáo TW cho thấy, thực tế thiên nhiên khắc nghiệt và hành vi cướp biển của nhà cầm quyền Trung Quốc gây biết bao đau thương tang tóc cho bà con ngư dân Quảng Ngãi lâu nay chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có công lao của Đảng và Nhà nước mới là điều quan trọng, không thể thiếu trong bộ phim này.
Điều lo ngại về số phận bộ phim đang trở thành hiện thực. Rất có khả năng bộ phim bị cho chìm trong bóng tối, như vụ “Kế hoạch vinh danh, tri ân liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị ngăn chặn!” dịp 14-3-2012 (kỷ niệm 24 năm hải chiến đẫm máu bi tráng Trung – Việt ở Trường Sa 14-3-1988). Một lần nữa, nỗ lực của Hồ Cương Quyết nhằm giúp đỡ ngư dân Quảng Ngãi lại có nguy cơ như “dã tràng xe cát Biển Đông”!

Không có nhận xét nào: