Pages

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Vụ án Điếu Cày – Tạ Phong Tần – Phan Thanh Hải quyết không thể là vụ án “nhân văn giai phẩm”!



Nhiều người tin rằng, việc bất ngờ tự thiêu trong phẫn hận của bà Đặng Thị Kim Liêng – mẹ của cô Tạ Phong Tần trở thành tác nhân chính khiến nhà cầm quyền Việt Nam quyết định hoãn phiên xử 3 Bloggers: Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải. Trang RFA đã có cuộc trao đổi (1) với 3 trong 4 Luật sư bào chữa cho các Bloggers: Đoàn Thái Duyên Hải, Hà Huy Sơn, Nguyễn Quốc Đạt với nội dung mà các Luật sư này cho biết không có ý định đề nghị hoãn phiên tòa.
Trong một bài báo khác (2), trang danlambao đã có ảnh chụp thông báo mang số 102/TBTHS ngày 03/8/2012 (sau đây xin gọi tắt là TB 102), trong đó có đoạn:
Ngày 30/7/2012 và ngày 02/8/2012 Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của 02 Luật sư nhận bào chữa cho bị cáo trong vụ án. Để đảm bảo quyền bào chữa cho các Luật sư tại phiên tòa; Tòa án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý hoãn khai mạc phiên tòa nói trên.

Đã cho thấy có sự khuất tất từ phía Tòa án, do ông Vũ Phi Long – Thẩm phán, người ký vào thông báo. Trên trang danlambao cũng dẫn bài “Hoãn phiên tòa xử 3 bloggers là sai pháp luật” từ nguồn chuacuuthe.com (3). TB 102 chỉ khoảng 10 dòng chữ, nhưng toát lên cho người đọc nhiều hồ nghi cũng như phía quan tòa sử dụng từ ngữ khá kỳ quặc, xin chỉ ra như sau:
- Nếu phía Tòa thật sự có nhận “đơn xin hoãn phiên tòa của 02 Luật sư nhận bào chữa”, thì phải nói rõ họ tên của 2 Luật sư đó. Lẽ ra cần viết một cách minh bạch (ví dụ): Ngày 30/7/2012 LS. ABC và ngày 02/8/2012 Luật sư XYZ đã gởi đến Tòa Án Nhân Dân Tp.HCM đơn với nội dung “xin hoãn phiên tòa từ ngày (a) tháng (b) năm (c) đến ngày (x) tháng (y) năm (z)”.
- Trên căn cứ đó, Tòa (mới bảo rằng) “để đảm bảo quyền bào chữa cho các Luật sư”, nên đồng ý hoãn phiên tòa từ ngày (a) tháng (b) năm (c) đến ngày (d) tháng (e) năm (f), bởi không nhất thiết Luật sư xin hoãn bao nhiêu ngày thì Tòa “tuân theo” bấy nhiêu ngày. Ở đây cho thấy vấn đề quá mờ ám, việc hoãn phiên tòa được phía Tòa án (có vẻ) đổ vấy cho các Luật sư. Thêm vào đó, nếu thật sự có 02 Luật sư nào đó gởi đơn xin hoãn, chắc chắn họ sẽ có bản lưu. Yếu tố này giản dị, nhưng cuộc trao đổi giữa 3 Luật sư với RFA cho thấy chẳng có bản lưu nào được chỉ ra.
- Xin hoãn một phiên xử luôn phải có lý do chính đáng, bởi Luật pháp không thể là việc bỡn cợt, hơn nữa, tội mà 3 bloggers đối mặt là loại tội phạm nguy hiểm được quy định là “Tội xâm phạm an ninh quốc gia”. Không hề thấy lý do gì chính đáng được nêu ra mà phía Luật sư (nếu có) đề nghị hoãn xử.
- Ngày 30/7/2012 (theo TB 102 có một Luật sư gởi đơn đề nghị hoãn phiên xử) rơi đúng vào ngày mẹ cô Tạ Phong Tần tự thiêu, và ngay lập tức, tin trên đã được loan báo trên hàng chục trang blog, trang báo tự do trong và ngoài nước. Ngày 02/8/2012 lại có thêm một luật sư khác cũng làm đơn đề nghị hoãn phiên tòa. Thật ngạc nhiên về “lòng hảo tâm” của ông Vũ Phi Long, ông ta sốt sắng đến mức chỉ trong 24 giờ đồng hồ đã ra ngay thông báo hoãn xét xử (!).
- Xem lại Luật Tố tụng hình sự (99 điều) và Luật hình sự (344 điều), tôi hoàn toàn không tìm ra bất cứ điều nào, khoản nào nhắc tới 2 chữ “KHAI MẠC” – được xem như là chữ nghĩa chính thống, áp dụng cho những động thái liên quan đến tội phạm. Giới Luật sư, Luật gia có lẽ không khỏi ngã té ghế khi hai chữ “KHAI MẠC” được dùng bởi ông Vũ Phi Long – người chuyên “đặc trị” án hình sự (4) trong 20 năm qua. Theo từ điển Hoàng Phê (5) “khai mạc” chỉ dành cho những sự kiện có ý nghĩa vui tươi, hào hứng, long trọng ở góc độ tích cực.
Chẳng tự hào gì khi “chẻ sợi tóc làm tám” để “bắt lỗi” ông Thẩm Phán Vũ Phi Long, người “chuyên đặc trị” án hình sự, nhưng buộc phải làm để vạch rõ cho độc giả thấy tâm trạng của những kẻ đang rắp tâm, chí chết, quyết lòng kết tội thật nặng ba bloggers yêu nước. Họ mang tâm trạng của “kẻ đang phạm tội”, vâng, chính họ! Không phải Điếu Cày, không phải Tạ Phong Tần, không phải Phan Thanh Hải
Bọn họ đang hoang mang hơn bao giờ hết. Đúng vậy, họ hoảng loạn đến mức dùng chữ “khai mạc” cho việc chuẩn bị kết án Người Yêu Nước. Đó phải chăng là một chỉ dấu: Việt Nam chuẩn bị khai mạc một phong trào Yêu Nước rầm rộ, liên hoàn trên toàn cõi Việt Nam?
Tác giả Phạm Viết Bằng cho hay (6):
Một thẩm phán của tòa hình sự nhận định vụ án chính trị này cũng có nhiều điều để nói. Đa số các bị cáo không nhận tội. Cho nên phải dựa vào hồ sơ mà tài liệu quan trọng để buộc tội là việc giám định bản điều lệ của CLBNBTD và các tài liệu gởi đi giám định ở các cơ quan không đúng chức năng và có thẩm quyền giám định. Mọi xung đột bắt đầu từ đây. Lâu nay việc buộc tội cho các bị cáo phạm các điều luật tuyên truyền chống nhà nước” do Sở văn hóa thông tin giám định các tài liệu “nhạy cảm” là không đúng luật và cả chức năng. Cơ quan có thẩm quyền giám định là Viện khoa học xã hội và các kết luận cũng phải khách quan chứ không dùng các từ ngữ có tính cách miệt thị và kết án như của Sở văn hóa và truyền thông làm.
Vấn đề cần phân biệt giữa trang blog cá nhân và một trang báo hay cơ quan truyền thông cũng cần được xem xét ở đây. Một cán bộ tham mưu của tòa án thành phố thì gay gắt rằng bất cứ thông tin điện tử nào cũng dễ dàng bị khép tội là “lợi dụng báo chí để tuyên truyền chống nhà nước”
Một thẩm phán về hưu nhận định bản điều lệ của CLBNBTD cho rằng bản điều lệ này có thể cho là chưa hợp lệ vì chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chứ nói đây là bản điều lệ bất hợp pháp là nói sai pháp luật. Vì theo nguyên tắc điều gì pháp luật không cấm thì người ta có phép làm, mà pháp luật không thể bao trùm hết các quan hệ xã hội được. Khi đã ra pháp luật thì phải rõ ràng không thể mập mờ hay dùng các từ ngữ mơ hồ để buộc tội vô căn cứ.
Mấu chốt vấn đề xuất phát từ cái tên “CÂU LẠC BỘ NHÀ BÁO TỰ DO” và cái gọi là “bản điều lệ”. Ở đây, phía công tố tỏ ra cố tình gán ghép 3 bloggers là TỔ CHỨC.
Tôi cực lực phản đối sự gán ghép này! Tại sao không nhìn cái tên “CLBNBTD” như là một nick name? 3 bloggers kia đã bao giờ là nhà báo chính thức? Nói gì đến “tự do” vói “không tự do”. Họ chỉ tự đặt cái tên – đúng nghĩa – cho vui, mang chất tếu táo mà thôi!
Hãy nhìn những cái “thông tấn xã”, những “cái hội” lập ra rất kêu như:
- “Thông tấn xã vỉa hè” (http://ttxvh.wordpress.com/)
- Trang anhbasam còn có “khẩu hiệu” vui nhộn như thế này đây: “Cơ quan ngôn luận của thông tấn xã vỉa hè” thì đã sao?
- Trang của nhà báo Hồ Thu Hồng còn lấy câu nhạc của Trịnh Công Sơn “Cho ta nương nhờ chút thở than” như là tôn chỉ mục đích. Nếu muốn ghép tội có thể vặn vẹo, Thu Hồng sướng quá rồi còn đòi nương nhờ ai để “thở than”, “nương nhờ” ngoại bang ư? “nương nhờ” bọn lưu vong à?
Những trang này có đang phỉ báng nhà nước không? Muốn kết tội các trang trên thật không khó nếu ông Nguyễn Hữu Vinh hay bà Hồ Thu Hồng bị thành kiến. Điều quá rõ!
- Thậm chí, trên facebook có rất nhiều trang được lập ra như: “Hội những người ghét bọn phản động”, “hội ghét dân Thanh Hóa”, “hội ghét dân Nghệ”, “hội những người ghét bọn tham nhũng” v.v…,
Nếu ghép những trang như thế vào tội 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), 88 đều đúng như trường hợp phía điều tra coi cái tên “CLBNBTD” là một tổ chức?! Đó là suy diễn mang chất quy chụp, chủ quan, thành kiến từ phía điều tra.
Ngoài ra, việc giao Sở VH – TT thẩm định tài liệu hoàn toàn trái pháp luật bởi chức năng nhiệm vụ của sở VH – TT không được quy định việc làm này, ngay cả Viện Khoa học Xã hội cũng không có chức năng này (7) để có đủ tư cách đảm nhận việc thẩm định.
Thời “Nhân văn giai phẩm” đã thuộc về quá vãng, gây di họa nặng nề cho dân tộc, đó không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Đừng lấy tư duy của thời “nhân văn giai phẩm” mà gây thêm tội ác đối với dân tộc nữa!
Suy cho cùng, không cơ quan nào có chức năng làm cái việc tầm phào mà cả thế giới đã chứng minh sự mù mờ, mơ hồ của cái tội chẳng ra cái tội gì cả!
Công ty chứng khoán Bản Việt vừa qua phát ngôn chắc bẩm xăng sẽ còn tăng giá nữa (8), họ đã làm lòng dân hoang mang, vậy họ có bị khép vào điều 88 không?
Đó cho thấy, tư duy quá cố chấp, trì trệ và lão hóa từ những bộ não thủ cựu, thành kiến và ác tâm đối với người vô tội!
Việc biện dẫn cái gọi là “bản điều lệ” “chưa được phê duyệt” càng cho thấy tư duy ấu trĩ của phía điều tra, công tố. Trang Blog có tên “CLBNBTD” được lập ra như hàng ngàn trang blog khác tại VN và thế giới, chẳng có trang blog nào đăng ký theo cái kiểu VN xem như là trang báo. Do đó, không thể đề cập vấn đề bản điều lệ “được duyệt” hay “không được duyệt” gì ở đây cả. Vô lý, thử hỏi, các trang blog như Trương Duy Nhất, Hồ thu Hồng, Nguyễn Văn Minh, Hồng Thanh Quang, Hữu Ước, Quan làm báo, Anh ba dũng v.v… có trang nào đăng ký bản điều lệ và được duyệt từ chính quyền không?
***
Vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ được thế giới quan tâm sâu sắc. Vụ án Điếu Cày – Tạ Phong Tần – Phan Thanh Hải cũng nhận được rất nhiều quan tâm tương tự và lần đầu tiên, đích thân Tổng thống Hoa Kỳ đã nhắc đến tên anh. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chính thức cho Việt Nam (9) thông qua 3 bloggers này:
Thông cáo của OHCHR nói phiên tòa “liên quan việc họ thực thi hợp pháp quyền tự do bày tỏ, trong đó có các bài viết trên mạng về vấn đề xã hội và nhân quyền”.
“Phiên tòa, dự kiến ngày 7/8 và vừa bị đình hoãn vô thời hạn, nghe nói sẽ xử kín và nhân chứng không được triệu tập, gây ra lo ngại tiến trình sẽ không bảo đảm nguyên tắc xử công bằng,” OHCHR tuyên bố, Việc xử tội 3 bloggers cùng với cái chết bất ngờ và tức tưởi của bà Huỳnh Thị Kim Liêng cho thấy “bể chứa phẫn uất” của người Việt Nam đang sóng sánh và dần bục vỡ để tuôn tràn hết những nỗi phẫn hận và bi thương!
Saigon những ngày này thời tiết thất thường và oi bức. Lòng người ngổn ngang trong tâm thức buốt rát, đau nhức, hầm hập với nền kinh tế có quá nhiều dấu hiệu chờ đón một trận đại hồng thủy kinh hoàng. Giới Luật sư, Luật gia trong và ngoài nước yêu chuộng công lý – sự thật, có lẽ là những người đang theo dõi sát sao vụ án 3 bloggers này nhiều hơn ai hết.
“Tận nhân lực, tri thiên mệnh”. Tôi kính mong các Luật sư, Luật gia nói trên cùng xắn tay áo nhập cuộc để đẩy vụ án lên tầm quốc tế, bởi có quá nhiều lợi thế từ Tổng thống Hoa kỳ cho đến Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đều đã lên tiếng, cùng hành động ngạo mạn và tham tàn thâm căn cố đế của bọn bành trướng Bắc Kinh đang làm sôi sục dân tình, đó là những lợi điểm cần nắm bắt.
Trọng trách cao cả này, sứ mạng thiêng liêng này có lẽ trước hết phải đặt lên đôi vai và khối óc giới Luật gia, Luật sư trong và ngoài nước. Hy vọng quý vị Luật sư, Luật gia hãy tiến lên phía trước một cách đĩnh đạc để nhận lãnh trách nhiệm tối cao này trước Dân Tộc Việt Nam.
Xin hãy làm cách nào đó để quốc tế hóa mạnh mẽ vụ án Điếu Cày – Tạ Phong Tần – Phan Thanh Hải.
Chỉ có minh bạch, công khai và áp dụng Luật quốc tế mới có thể trả lại sự sáng trong cho họ, bởi Điều 340. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự (Luật TTHS) có ghi rõ:
Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Già

Không có nhận xét nào: