Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Blogger và nhà báo tự do lên tiếng về Hoàng Khương



Mười ngày sau khi bản án 4 năm tù giam được tuyên cho nhà báo Hoàng Khương với cáo buộc tội đưa hối lộ; các blogger và nhà báo tự do Việt Nam lên tiếng về bản án này.
Photo courtesy of tuoitre
Bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Khương

Bản án gây phẫn nộ

Phiên tòa của nhà báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương hôm 7 tháng 9 kết thúc với những giọt nước mắt của gia đình bị can cùng với sự bức xúc, hụt hẫng của những người cầm bút. Những cảm xúc này cho đến bây giờ vẫn còn chưa lắng xuống và có nguy cơ trỗi lên khi một số nhà báo tự do, giới blogger, những người sử dụng Facebook… đồng loạt ký tên lên tiếng về bản án 4 năm này. Blogger Mẹ Nấm, một trong những người soạn thảo bản lên tiếng cho biết lý do vì sao những người cầm bút tại Việt Nam lại cho ra đời bản lên tiếng này:

Với một nhà báo phải gánh bản án bất công như thế mà gây ra phản ứng cho toàn xã hội mà giới blogger không lên tiếng thì hơi tiếc. Cho nên một số những người cầm bút nghĩ họ nên có bản lên tiếng để mọi người biết là vẫn còn nhiều người khác sẽ lên tiếng vì lẽ phải.
Bản lên tiếng gọi hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là “can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính”. Bản lên tiếng khẳng định ông Hoàng Khương là nhà báo “đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết” và là một công dân có trách nhiệm góp phần phát triển đất nước.
Hoàng Khương bị bắt vào năm đầu năm nay với cáo buộc đưa hối lộ vì đã cầm tiền của người khác đưa hối lộ cho một cảnh sát giao thông trong lúc đang tham gia thực tế để viết bài. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp và so với công trạng viết nhiều bài báo về tham nhũng, thì Hoàng Khương không đáng bị bản án trên. Tuy nhiên, tòa án đã cho đây là hành vi đưa hối lộ và Hoàng Khương phải nhận hậu quả của nó.
Nguyễn Lân Thắng, một người thường sử dụng mạng xã hội Facebook để nói lên những vấn nạn đất nước cũng ký tên vào bản lên tiếng và cho biết:
Mặc dù không phải là nhà báo nhưng các hoạt động của tôi cũng giống như nhà báo. Tôi thấy đây là một sự bất công. Hoàng Khương là một người đấu tranh cho sự thật, nói lên những “vấn đề” của ngành công an. Anh không đáng bị một bản án nặng như vậy.
Tôi thấy đây là một sự bất công. Hoàng Khương là một người đấu tranh cho sự thật, nói lên những “vấn đề” của ngành công an. Anh không đáng bị một bản án nặng như vậy.
Anh Nguyễn Lân Thắng 
Chúng tôi chỉ quan tâm đến khía cạnh là những người dám phản ánh sự thật xã hội để đưa đến công chúng những thông tin chuẩn xác. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề “nhà báo hay không nhà báo.
Dường như bản án 4 năm với cáo buộc vi phạm điều 289 BLHSVN về đưa hối lộ không làm thỏa mãn người dân, đặc biệt là báo giới và những người hiểu biết pháp luật. LS Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội), và LS Nguyễn Thanh Lương (phó Chủ nhiệm LS đoàn tỉnh Bến Tre) từng chia sẻ tương tự với đài RFA sau khi phiên tòa kết thúc. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (trụ sở tại Pháp) cũng nhận định trong thông cáo của mình rằng đây là “Bản án này vừa bất công vừa gây phẫn nộ”.
Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người cầm bút đều cảm thấy hụt hẫng thậm chí bất mãn. Sau khi phiên tòa kết thúc, nhà báo Hương Trà viết trên Facebook của mình bài “Làm báo để làm gì” trong đó trích lời các nhà báo khác trong nước thể hiện những thắc mắc về sứ mệnh của những người làm báo. Nhà báo Hương Trà trích đoạn chia sẻ của nhà báo Đỗ Hoàng Dương (Doanh nhân) cho rằng bản án “thách thức lòng kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam”.

Khi “lề trái” bênh vực “lề phải”

news.go-250.jpg
Hoàng Khương tại phiên sơ thẩm hôm 06/9/2012. Photo courtesy of news.go.vn
Còn bản lên tiếng nhấn mạnh rằng bản án 4 năm tù giam cho nhà báo Hoàng Khương là bất công không chỉ với Hoàng Khương mà còn với những nhà báo chống tham nhũng khác; lưu ý rằng bản án này đi ngược lại tinh thần bài trừ sai trái, lạm quyền, tham nhũng. Blogger Huỳnh Thục Vy thừa nhận mình ký tên vào bản lên tiếng phản đối bản án của nhà báo Hoàng Khương, không quên lưu ý rằng hoạt động báo chí là trọng yếu trong xã hội và cần phải được ủng hộ:
Đây là một bản lên tiếng cụ thể bảo vệ nhà báo Hoàng Khương nhưng nó mang một nội hàm lớn hơn. Nó ủng hộ và vinh danh tất cả những nhà báo nói lên những bất công trong xã hội đặc biệt là tình trạng tham nhũng trở thành quốc nạn như hiện nay.
Từ khi ông Lê Doãn Hợp (người từng đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam) đưa ra khái niệm về báo “lề phải” và “lề trái” thì nó giống như một cách phân loại báo chí đi theo sự chỉ đạo của ĐCSVN và ngược lại. Sự phân chia này ở một mức độ nào đó cũng vô hình chung tạo sự phân chia giữa những nhà báo. Điểm đặc biệt của bản lên tiếng là nó lên tiếng cho một phóng viên báo chính thống; nhưng được viết và ký tên bởi những người làm báo không dưới sự chỉ đạo của ĐCSVN hay còn gọi là “lề trái’ theo cách gọi của ông Lê Doãn Hợp.
Theo blogger Mẹ Nấm, khái niệm về báo “lề trái” hay “lề phải” không phản ánh đúng bản chất của hai dòng thông tin hiện nay mà nó nên được gọi là “lề Đảng” và “lề dân”. Blogger này cũng khẳng định một khi phải lên tiếng cho sự đúng đắn thì không quan trọng mình đang ủng hộ ai:
Về một chuyện đúng đắn trong xã hội mà quá đầy bất công thì không có sự phân biệt nào là lề. Nếu đây là điều đúng thì phải nói.
Blogger Mẹ Nấm
Về một chuyện đúng đắn trong xã hội mà quá đầy bất công thì không có sự phân biệt nào là lề. Nếu đây là điều đúng thì phải nói.
Mình thực sự hy vọng là qua việc lên tiếng chung như thế này thì những nhà báo của báo chí nhà nước sẽ thấy rằng những người dùng blog, dùng Facebook để nói lên tiếng  nói của mình đều quan tâm và sẵn sàng đồng hành với những việc làm đúng đắn vì sự tốt đẹp của xã hội.
Bản lên tiếng về Hoàng Khương hay những thư ngỏ, kiến nghị tương tự về các sự việc khác là những động thái được thấy đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam nhằm nên lên phản ứng về các sự kiện xã hội. Đã có nhiều tiếng nói của những người cùng “lề” bênh vực cho nhau; nhưng sự việc của nhà báo Hoàng Khương đã thu hút những tiếng nói đến từ tất cả các “lề”. Và đó là điều khiến người ta phải suy nghĩ.

Không có nhận xét nào: