Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Cần nhìn nhận hành vi chống nhà nước từ nhiều góc độ

Một khi nhà nước không còn là của dân, do dân, và vì dân trên thực tế thì chống lại nhà nước đó là hành vi tất yếu.

Trong lúc các chiến dịch đánh vào nhóm lợi ích đang thao túng nền tài chính tiền tệ sôi động và lúc cao trào của cuộc chiến gay cấn giữa các phe nhóm diễn ra, thì hình như tất cả đã được tạm quên để chĩa mũi gươm công lý vào phiên xử 3 blogger của CLB Nhà báo Tự do diễn ra vào ngày hôm nay 24 tháng 9 năm 2012.
 Freeom for Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải.
 Photo facebook
Dù có thể đoán trước được số phận của các nhà báo tự do này sẽ là “không có bất ngờ”, nhưng dư luận lại hết sức quan tâm đến phiên xử tại Tòa án Tp. HCM, đơn giản là vì nó nhuốm màu chính trị.

Phiên tòa cho các hành vi “chống nhà nước” theo điều 88 BLHS nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa bên giữ quyền công tố và bào chữa, giữa thẩm phán và bị báo, mà đó là cuộc đối đầu giữa quan điểm của nhà cầm quyền với dư luận quốc tế và những người đối kháng. Giữa một bên đang ra sức vận động để tha bổng và một bên cố gắng kết án để răn đe.

Điều này cho thấy rằng sự xung đột trong quan hệ chính trị-xã hội giữa nhà cầm quyền và lực lượng đối kháng có chiều hướng tiếp tục gia tăng vì Việt Nam không có một hệ thống xét xử độc lập để phán xét hành vi chống nhà nước.



Chống nhà nước, lịch sử và hiện tại

Tội danh “chống nhà nước” có thể nói gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên Hy Lạp cổ đại, được áp dụng cho những ai có hành vi được cho là “trái quan điểm” đối với nhà cầm quyền đương thời. Tiêu biểu là triết gia Socrate bị kết án tử hình vì tội đầu độc tư tưởng cho giới trẻ và chống lại nhà nước dân chủ chủ nô. Rồi trường hợp của Bruno phải lên máy chém vì ủng hộ thuyết “nhật tâm” đã đi ngược lại hệ thống tư tưởng của giai cấp cầm quyền đương thời . Đó là cái giá đắt phải trả cho những tư tưởng đi trước thời đại khi mà lực lượng thống trị nhà nước không thể bắt kịp. Tuy nhiên, cũng rất dễ dàng để thoát khỏi sự trừng phạt cho hành vi này nếu biết quỳ gối “xin chừa” như Galileo đã từng làm.

Các cách thức này dường như vẫn còn đang hiện hữu ở nước ta. Mức án nặng nề luôn dành cho những ai ngoan cố, và rất khoan hồng cho những ai biết ăn năn hối cải. Như chúng ta đã từng thấy sự khôn ngoan của Lê Công Định và sự “dại dột” của Trần Huỳnh Duy Thức.

Vì thế mức án dành cho Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và Nguyễn Văn Hải sẽ phụ thuộc nhiều vào “khí phách” của họ trong phiên sử sơ thẩm và phúc thẩm sắp diễn ra.

Chống nhà nước có mang tội?

Chính vì sự không thống nhất trong cách hiểu về hành vi chống nhà nước, đã đặt những người công dân có hiểu biết, có ý thức trách nhiệm vào vòng lao lý, đẩy nhà nước vào thế bị động đối phó rụt rè trong cách xử lý hành vi mang tính nhạy cảm này.

Trải qua một thời kỳ tranh đấu của các lực lượng tiến bộ xã hội, các quốc gia dân chủ đã khai trừ vĩnh viễn cái tội danh được cho là tiêu diệt quyền tự do tất yếu của con người. Tuy nhiên nó vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia “muốn giữ vững ổn định chế độ chính trị” muốn tiêu diệt những quyền tự do mà dân chúng đã lựa chọn.

Tại các nước dân chủ, nhà nước với tư cách là một mô hình được đông đảo người dân lựa chọn xây dựng nên, và cũng có quyền hạ bệ khi cảm thấy nó không phù hợp với dòng chảy văn minh thông qua phiếu bầu. Cho nên chống lại mô hình nhà nước này hay nhà nước khác là phương thức để người dân có thể quyết định tương lai chính trị của họ, cũng như là cách thể hiện ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Trong khi đó các quốc gia theo con đường xây dựng XHCN, xem xét trên bình diện lý luận, mô hình nhà nước với tư cách là công cụ để thực hiện chức năng chuyên chính cho một giai cấp nhất định để bảo vệ sự thống trị của giai cấp mình và sẵn sàng trấn áp các lực lượng đối kháng nhằm mục đích xây dựng “vì cái chung trong lý tưởng” . Với lẽ đó, chống lại nhà nước XHCN ở đây luôn được nhà cầm quyền xem là mối đe dọa lực lượng thống trị, an ninh quốc gia, phá vỡ khối đại đoàn kết thống nhất, và lý tưởng của toàn dân.

Chính sự khác biệt đó, tuy cùng một hành vi chống nhà nước, nhưng đã làm cho Việt Nam sản sinh ra những con người “phản động” theo tinh thần lý luận đấu tranh giai cấp nhưng lại mang bản chất “yêu nước” theo tinh thần ý thức trách nhiệm của một công dân đấu tranh cho dân chủ tiến bộ, tùy theo cách hiểu khác nhau của mỗi người.

Nhờ sự thống nhất giữa hai mặt đối lập này đã làm nên động lực cơ bản cho sự vận động phát triển ở Việt Nam.

Nhà nước có cần được bảo vệ?

Không thể lấy Hiến pháp và Pháp luật để bảo vệ Nhà nước vì sự ra đời của bất kỳ nhà nước nào dù mang chức năng gì đi nữa cũng đều hướng đến mục tiêu níu kéo đạo đức của con người trước sự tha hóa và giữ cho con người vượt khỏi sự tùy tiện trong hành động. Nhưng, lịch sử và hiện tại đã chứng minh nhà nước lại là Người dễ bị tha hóa và tùy tiện nhất vì trong tay sỡ hữu “quyền sinh sát”, và nếu được che chở bằng Hiến định thì tất yếu sẽ sản sinh ra một nhà nước độc tài.

Do đó cần xây dựng một Hiến pháp luôn kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa nhà nước và nhân dân bằng các thiết chế “nhị quyền phân định”. Đó là sự tương hỗ trong cách đối ứng của “quyền dân sự bất phục tùng” của nhân dân và “nghĩa vụ chấp Hiến” của nhà nước.

Tất nhiên như các nhà tư tư tưởng đã làm rõ cách đây hàng ngàn năm, Nhà nước không được quá yếu trước chức năng gìn giữ trật tự xã hội, nhưng cũng không được quá mạnh để dẫn đến nguy cơ lạm quyền.

Thông qua sự phân định quyền lực mang tính rạch ròi này là cơ sở để hóa giải những mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân trên tinh thần ôn hòa, biết tôn trọng lẫn nhau mà không cần phải sử dụng đến sự nổi loạn và nhà tù.

Ngoài ra, nó được coi là vũ khí duy nhất để nhân dân chống lại “liên minh mafia” từ các nhóm lợi ích khi đã chi phối đến toàn bộ hệ thống hành pháp-tư pháp-lập pháp.

Chỉ như vậy mới thể hiện được sự khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân chống nhà nước một cách có trách nhiệm và phi bạo lực để hướng nhà nước đến dân chủ và pháp quyền, cũng như bảo vệ hữu hiệu công dân trước sự trù dập của các cơ quan thi hành quyền lực nhà nước.

Chống nhà nước là hành động có nên làm?

Một khi nhà nước không còn là của dân, do dân, và vì dân trên thực tế thì chống lại nhà nước đó là hành vi tất yếu.

Công dân chống nhà nước được thể hiện qua sự bất tuân dân sự, hoặc nêu lên chính kiến phản biện, thậm chí là phê phán đường lối chính sách của nhà nước, cũng là để kiến thiết một xã hội vững mạnh, hoàn thiện và tiến bộ, góp phần thúc đẩy vào sự nghiệp chung của quốc gia. Nếu nhà nước không biết lắng nghe, không biết tin tưởng vào nhân dân, gán ghép cho đó là luận điệu chiến tranh tâm lý, nhằm kích động, xuyên tạc, hay phỉ báng… rồi bỏ tù, thì nhà nước đó chỉ là “của dân, do dân và vì dân” trên lý thuyết.

Bài học lịch sử cận đại Việt Nam vẫn còn đó, các tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, hay Hồ Chí Minh… là những người tiên phong trong việc chống nhà nước phong kiếnnửa thuộc địa đương thời để xóa bỏ sự nô dịch, lạc hậu, và bất công nhằm hướng đến một quốc gia độc lập, dân chủ. Hay như lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng đã từng chống lại nhà nước VNCH cũng nhằm mục đích thống nhất dân tộc. Do đó, không thể xem chống nhà nước là hành vi hoàn toàn tiêu cực được.

Cũng vậy, lực lượng “bất đồng chính kiến” hiện nay chống lại những biểu hiện sai trái của nhà nước hay đấu tranh đòi quyền làm người thì đó cũng là phản ánh ước muốn tự do, dân chủ cho đất nước theo cách riêng của họ.

Tất cả sự chống lại những biểu hiện lạc hậu của một mô hình nhà nước hay đường lối nhà nước đều xuất phát từ tấm lòng thiêng liêng, lý tưởng cao đẹp, khát vọng cống hiến đối với Tổ quốc. Đó đều là những con người dũng cảm và thủ đắc cho mình một khả năng kiến tạo đất nước theo sức sống của thời đại.

Cần có cái nhìn biện chứng cho hành vi chống nhà nước

Trong thời điểm hiện tại, mọi cách hành xử bằng bạo lực đều đáng bị lên án. Chống nhà nước bằng bạo lực đều không được thừa nhận.

Chống nhà nước bằng các công cụ phi bạo lực luôn là hành vi tích cực, sản phẩm tạo ra là các cuộc đối thoại sòng phẳng giữa nhà cầm quyền và nhân dân, qua đó mang đến sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa người chấp hành và người thi hành pháp luật.

Nhân dân có quyền chống nhà nước trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng nhà nước không được chống lại nhân dân. Nhà nước chỉ có thể mang lại lợi ích để “mua chuộc” nhân dân bảo vệ cho chính mình chứ không phải sử dụng quyền hành và vũ lực trấn áp dân để tồn tại.

Hơn hết, kết tội cho hành vi “làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống nhà nước” không những tước đoạt quyền tự do thông tin cơ bản, làm liên đới cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội mất đi tính sáng tạo mà còn đưa cả hệ thống tư tưởng hiện hành sống trong thời kỳ “bao cấp tư duy”.

Chống nhà nước là môt quy luật tất yếu của sự phát triển, đó là một quá trình phủ định không phải nhằm loại bỏ Nhà nước ra khỏi đời sống, để rơi vào trạng thái “vô nhà nước”, mà để xây dựng một nhà nước mới biết phục vụ dân chúng một cách tốt hơn.

Cuối cùng, với những giới hạn trong nhận thức mang tính lịch sử cụ thể, tùy thuộc vào thời điểm mà chân lý luôn được kiểm chứng bằng tính xê dịch, đòi hỏi chúng ta có một cách nhìn cởi mở hơn cho hành vi chống nhà nước trong thời điểm hiện nay, tạo tiền đề xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện hữu ở bất cứ thể chế chính trị nào và một một xã hội dân sự lành mạnh hơn.

© Phạm Lê Vương Các – Sinh viên ĐH năm thứ 3
Theo blog Anh Ba Sàm

Không có nhận xét nào: