Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Hàng loạt lình xình của PVX, ai lo nhất?


PVN hiện là cổ đông lớn nhất của PVX. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào PVX và đến nay thị giá thấp khiến PVN gặp khó thoái vốn.
Lên sàn từ quý III năm 2009, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) được biết đến như một doanh nghiệp tiên phong ngành xây lắp dầu khí. Báo cáo đánh giá của các CTCK lúc đó cũng cho thấy vị thế đứng đầu của PVX có được 1 phần nhờ chiếm lĩnh hoàn toàn mảng dịch vụ xây lắp trong ngành dầu khí. Tiềm năng từ các dự án bất động sản lớn cũng như động thái thoái vốn tại các công ty con, liên kết cũng khiến cổ phiếu PVX một thời hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Một thời hoàng kim là thế, đến BCTC quý II/2012, cổ đông từng tin tưởng vào PVX mới giật mình bởi hàng loạt vấn đề tại doanh nghiệp này. Hàng nghìn tỷ đồng bị kiểm toán lưu ý, hệ số nợ vượt ngưỡng an toàn tài chính, lỗ khủng, bị cắt margin, cán bộ thuộc công ty con bị bắt để điều tra sai phạm kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… 
Bài viết thử nhìn lại hoạt động kinh doanh của PVX những năm gần đây để nhà đầu tư nắm rõ hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Tốc độ tăng tài sản chóng mặt, tài sản chủ yếu tạo ra chủ yếu từ vốn vay
Tổng tài sản của PVX tăng chóng mặt. Năm 2008, tổng tài sản chỉ 3.822 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2011, đầu năm 2012 thì tổng tài sản đã hơn 16.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ đầu tư cho tài sản cố định không lớn. Hơn 1 năm trở lại đây, tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản chỉ chiếm khoảng 21-24% tổng tài sản.Những năm trước đó tỷ lệ này giữ dưới 15%.

Tài sản của PVX được hình thành chủ yếu từ nguồn tín dụng của người bán, người mua và các tổ chức tín dụng. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của PVX giảm dần qua các năm. Năm 2008, tỷ trọng này đạt hơn 42% và đến năm 2011 và cuối 2012 thì tỷ trọng này rơi mạnh xuống còn trên dưới 22%.
Qúa trình tăng vốn chủ sở hữu và tăng tổng nợ
Nợ lớn, lãi vay cao bào mòn lợi nhuận
Hệ quả của vay nợ lớn, chi phí lãi vay của PVX tăng mạnh qua các năm. Từ chưa đầy 27 tỷ đồng năm 2008 công ty đã gánh đến 309 tỷ đồng chi phí lãi vay năm 2011. 6 tháng đầu năm 2012, lãi vay lên đến 240 tỷ đồng. 
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi công ty con
Cuối quý II/2012, PVX có tới 12 công ty con và 17 công ty liên kết. Hệ thống “chân rết” lớn khiến công ty phải đối mặt với những sự cố bất ngờ.
Giải trình mới đây của PVX về KQKD cho biết quý II/2012 công ty lỗ khủng là do công ty con PVC-ME bất ngờ báo lỗ gần 457 tỷ đồng, gần bằng số vốn điều lệ 500 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Số liệu lỗ trong Quý II của PVC-ME ảnh hưởng rất lớn đến báo cáo hợp nhất của PVX. 
PVC-ME cũng đang đối mặt với việc bốn cán bộ bị bắt để điều tra về vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Lỗ lãi bất thường, hoạt động kinh doanh khó dự đoán
Nhìn vào biến động lợi nhuận sau thuế từ 2008 đến nay của PVX có thể thấy, lãi lỗ của PVX khá bất thường, khó đoán. Năm 2010 công ty lãi lớn một phần nhờ bán cổ phần tại nhiều công ty con. Năm 2011 không có nhiều khoản thu bất thường nên lãi chưa đầy 200 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012 lại đối mặt khoản lỗ khủng hơn 470 tỷ đồng. 
Không chỉ thế, đơn vị kiểm toán còn lưu ý hàng loạt vấn đề về hoạt động kinh doanh của công ty. Những loại trừ của kiểm toán lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Việc có tiếp tục hoạt động liên tục được trong thời gian tới hay không, theo đánh giá của ban TGĐ là còn phụ thuộc vào nỗ lực thu hồi công nợ, quyết toán các công trình dở dang…của công ty.
Ai lo nhất?
PVN hiện là cổ đông lớn nhất  của PVX. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào PVX và đến nay thị giá thấp khiến PVN gặp khó thoái vốn. Hồi quý I/2012, trong khi cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên từ chối mua thêm thì PVN cùng với Ngân hàng TMCP Đại Dương; Công ty cổ phần Đầu tư và Vật liệu PVV; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu xây dựng Đông Thành đã ôm trọn gần 137,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP. Với thị giá hiện tại chỉ xoay quanh 4.500 đồng/CP, khoản đầu tư của 4 tổ chức này đã bị giảm giá trị đáng kể.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo ĐTCK hồi tháng 6/2012, PVN cũng cho biết PVX đã gửi văn bản cho PVN xem xét việc bán cả gói số cổ phần cho CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) nhưng việc thoái vốn, theo Phó TGĐ PVN, là khó bởi hiện không có cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá. PVN đành “ôm” PVX và chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý. 
Với nợ ngắn hạn gần 9.490 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn 10.696 tỷ đồng lại chủ yếu nằm ở khoản mục phải thu và hàng tồn kho, khả năng thanh toán nhanh của PVX cũng phụ thuộc lớn vào việc xử lý 2 hạng mục này. Trong số 1.140 tỷ đồng các khoản phải thu khác, có khá nhiều khoản phải thu trị giá hơn 500 tỷ đồng đã quá hạn trên 6 tháng. 
Thanh Hiên
Theo TTVN

Không có nhận xét nào: