Những mối quan hệ được thiết lập nhanh chóng và cảm xúc mạnh mẽ được hình thành trên internet đã thách thức các chính phủ độc tài trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Truyền thông xã hội và blog đã kết nối với các nhà hoạt động xã hội cũng như cộng đồng hải ngoại với nhau. Bài viết của Nguyễn Hương, là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Dân chủ Lập hiến, thuộc Đại học Indiana, Bloomington.
Đáng lưu ý là nhiều nhà hoạt động dựa vào cảm xúc chủ nghĩa dân tộc nồng cháy để chỉ trích chính phủ Cộng sản về các chính sách đối ngoại, đặc biệt là mối quan hệ với Trung Quốc. Sự thống trị trong khu vực của Trung Quốc, lịch sử ngàn năm xung đột cùng với sự kiện tranh chấp lãnh thổ gần đây, đã góp phần vào tình cảm chống Trung Quốc của người Việt, mặc dù Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các bài báo và các cuộc thảo luận ồn ào trên mạng đã ảnh hưởng đến tin tức truyền thống của báo chí, các đài phát thanh và truyền hình do chính phủ kiểm soát.
Chính phủ đã thành công trong việc chấm dứt các cuộc biểu tình nổi tiếng vào những ngày Chủ Nhật, nhưng cho đến nay vẫn không thể kiểm soát việc trao đổi các biểu tượng trên mạng, các biểu tượng này thường được thấy trong các hoạt động [biểu tình] đã lên kế hoạch vào những ngày Chủ nhật, và điều này thể hiện sự bất mãn. Hương kết luận rằng: “Chính phủ của Đảng Cộng sản gặp khó khăn hơn bao giờ hết, để kiểm soát tư tưởng của người dân và các mối quan hệ của con người” – YaleGlobal.
Internet khơi dậy chủ nghĩa tích cực ở Việt Nam
Các cuộc tấn công của mạng truyền thông xã hội vào chính sách đối ngoại liên quan đến cộng đồng người Việt hải ngoại và các nhà hoạt động.
Nguyễn Hương
11-05-2012
Bloomington: Cũng như ở nhiều nước độc tài khác, internet đã mở tung các cánh cửa cho các chỉ trích xã hội và bất đồng chính kiến, nhưng ở Việt Nam, internet cũng kết nối những người ở nước ngoài và đưa ra các bài phê bình về quan hệ đối ngoại của đất nước.
Việt Nam bắt đầu sử dụng internet từ thập niên 1990, kể từ đó, người sử dụng internet ở Việt Nam đã nhanh chóng tăng lên đến 24 triệu trong năm 2010, chiếm 27% dân số. Những năm gần đây, sự bùng nổ của các công cụ truyền thông xã hội đã tạo ra những thách thức mới cho chính phủ Đảng [Cộng sản] về khả năng kiểm soát ý kiến của công chúng. Blog và facebook cung cấp các nguồn thông tin thay thế, định hình cách ứng xử củacác nhà báo và các nhà chức trách ở ngoài đời. Internet đã tạo điều kiện cho các nhà hoạt động xã hội tự tổ chức [các hoạt động], và nhiều công cụ liên lạc cho phép họ tụ họp trên mạng, gia tăng tình bằng hữu và có khả năng hình thành như một cộng đồng.
Blog và mạng xã hội đã tạo thành một không gian mạng công cộng, mở rộng ra khỏi biên giới của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm cả cộng đồng người Việt đáng kể ở hải ngoại. Người Việt trong và ngoài nước kết nối với nhau qua blog và facebook. Thảo luận chính trị về các chủ đề đã từng bị cấm được tìm thấy ở các diễn đàn mở trong không gian mạng. Các ý kiến trong thế giới blog thì đa dạng hơn nhiều so với hàng ngàn tờ báo chính thức, tạp chí, các kênh truyền hình và các cổng web bị nhà nước kiểm soát và kiểm duyệt thường xuyên.
Các trí thức Việt Nam, những người được công chúng biết đến, bắt đầu với blog Bauxite Việt Nam hồi năm 2008 để chuyển tải “ý kiến chỉ trích nhiều mặt” về dự án khai thác gây tranh cãi ở Tây Nguyên. Chẳng bao lâu sau, các bài đăng tải trên blog của họ gồm nhiều vấn đề ngoài dự án bô-xít, từ cải cách hiến pháp và các cuộc tranh luận về chính sách, cho tới việc biện hộ sự nghiệp dân chủ, đặc biệt là trường hợp của nhà hoạt động, luật sư Cù Huy Hà Vũ, đã bị bắt hồi tháng 11 năm 2010 và bị bỏ tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa“.
Truyền thông nhà nước đã nói về trang Bauxite Việt Nam như là một “trang phản động”. Trang blog này sau khi bị tấn công nhiều lần, hiện trở thành một trang web tại địa chỉ boxitvn.net, với hai blog dự phòng. Các nhà chức trách cũng đã chặn các truy cập đến trang này. Tuy nhiên, những người sử dụng internet ở Việt Nam biết cách sử dụng các máy chủ ủy nhiệm (proxy server) để vượt tường lửa. Bauxite Việt Nam đã trở thành một diễn đàn cho giới trí thức trong và ngoài nước đóng góp các quan điểm quan trọng của họ vào các cuộc tranh luận chính sách lớn và các sự kiện chính trị xã hội.
Một blog nổi tiếng ở Việt Nam, blog Anh Ba Sàm, nghĩa là “Người Nói Chuyện Tầm Phào”, tại địa chỉ anhbasam.wordpress.com, do một cựu sĩ quan công an ở Hà Nội điều hành, ông cũng đã công bố danh tính của mình. Ông soạn tin tức và duyệt lại nhiều lần tất cả các tin trong ngày và phân tích về Việt Nam từ tất cả các trang web và các blog: các trang web thuộc truyền thông nhà nước, các cơ quan thông tấn nước ngoài, các blog của các nghệ sĩ Việt Nam, các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà thơ trong và ngoài nước, và đôi khi các trang web bị các nhà chức trách Việt Nam xem là “phản động” và “nhạy cảm”, gồm cả các trang web và blog do các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các nhóm điều hành. Người dân chuyển qua blog này để có được thông tin về các vấn đề bị truyền thông nhà nước kiểm duyệt, do đó trang này đã trở thành trang blog được nhiều người đọc nhất. Trang blog tin tức này là nguồn gốc của lời châm biếm lưu hành trên mạng của người Việt, tóm tắc sự việc như sau: Ba Sàm thông tin chính thống, trong khi truyền thông chính thống chỉ nói chuyện sàm.
Cho dù có một thị trường tự do về các ý kiến sôi động trên không gian mạng như thế, một số người vẫn còn hoài nghi về điều mà sự tự do trên mạng này có nghĩa cho một sự thay đổi thật sự trong dân chúng. Tuy nhiên, các sự cố khác nhau gần đây đã tiết lộ về chủ nghĩa tích cực trên mạng và ở ngoài đời có thể bổ sung cho nhau như thế nào, và internet đã thay đổi tranh luận chính trị trong cuộc sống thực tế, cũng như chủ thuyết hoạt động chính trị.
Trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng hồi đầu năm 2012, trong đó ông Đoàn Văn Vươn, người nông dân nuôi tôm cuối cùng trở nên tuyệt vọng, đã sử dụng vũ khí tự chế để chống lại lực lượng cưỡng chế, gồm dân quân tự vệ địa phương, cảnh sát và quân đội, cộng đồng blogger đã chứng minh sức mạnh của họ. Các blogger là những nhà báo, đã chủ động đến thăm gia đình ông Vươn và điều tra vụ việc, và họ đăng tải kết quả điều tra độc lập với những lời đề nghị trên blog của họ về việc tịch thu đất một cách bất hợp pháp của ông Vươn và phá hủy căn nhà của ông. Trên blog và trên Facebook, mọi người lan truyền các sự kiện mới, các phân tích về sự lựa chọn và các lập luận đứng về phía đối lập với những lời phát biểu của chính quyền địa phương.
Các nguồn thông tin thay thế trong thế giới blog đã có tác động đến các nhà báo của các cơ quan truyền thồng nhà nước nhận thức và tiếp cận vấn đề này như thế nào. Một nhà báo lâu năm ở Việt Nam đã nói: “Các blog và facebook cung cấp cho các nhà báo và người dân một sự lựa chọn mới để thực hiện quyền tự do phát biểu. Nhờ có những công cụ mới này, ngay cả khi các phương tiện truyền thông chính thức rút lui và tự hạn chế, một không gian tự do phát biểu vẫn mở ra”. Các blog và facebook định hình cách hành xử của các phóng viên, bởi vì trước đây, hành động phi pháp của các nhà chức trách và của các phương tiện truyền thông nhà nước đã không được phát hiện ngay lập tức như bây giờ. Thông tin từ các blog và facebook gây áp lực trên các các cơ quan truyền thông chính thức, làm cho họ phải nói sự thật trong một số trường hợp, như vụ Tiên Lãng.
Các blog và facebook cũng đã làm thay đổi hoạt động chính trị. Hồi tháng 6 và tháng 7 năm 2011, sau một cuộc tấn công của các tàu tuần tra Trung Quốc vào một tàu khảo sát dầu của Việt Nam ở ngoài khơi bờ biển về phía nam, trung phần Việt Nam, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã được tổ chức vào mỗi Chủ Nhật ở Hà Nội và Sài Gòn trong vòng hai tháng, trước khi các nhà chức trách thành công trong việc dẹp bỏ các cuộc biểu tình này. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tương tự như vậy đã được tổ chức hồi tháng 12 năm 2007 ở Hà Nội và [đầu] năm 2008 ở Sài Gòn, nhưng những người biểu tình lúc đó đã không thể tổ chức tiếp cuộc biểu tình lần 2. Một thanh niên tham gia biểu tình vào Chủ Nhật cho rằng, facebook đã tạo ra sự khác biệt trong năm 2011. Sự liên kết và thân mật trên facebook đã giúp họ phổ biến những lời kêu gọi chống Trung Quốc và đưa ra các chiến lược nhằm vượt qua sự kiểm soát của chính quyền. Các nhà chức trách đã thành công trong việc ngăn những người tham gia biểu tình vào Chủ Nhật tập hợp với nhau trên đường phố, nhưng họ đã thất bại trong việc ngăn các nhà hoạt động hình thành các mạng lưới rộng khắp, vẫn tiếp tục trở nên mạnh hơn, bất chấp sự kiểm soát và quấy nhiễu.
Thật ra, những người biểu tình vào Chủ nhật đã không ngừng các cuộc biểu tình. Họ chỉ di chuyển các cuộc biểu tình trên đường phố sang nhiều địa điểm khác và vẫn tiếp tục phản đối bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Họ phân phối và mặc những chiếc áo thun, áo mưa, mũ, được in hình “No-U” và khẩu hiệu “Nói không với đường lưỡi bò” – đường đứt đoạn hình chữ U, cũng được biết đến như là lưỡi bò, thể hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gần như toàn bộ biển Đông – là cách tiếp tục sự phản đối theo cách riêng. Họ thành lập câu lạc bộ bóng đá No-U và chơi vào những ngày Chủ Nhật, là chỉ dấu khác cho thấy các cuộc biểu tình vào Chủ Nhật vẫn tiếp tục, và họ hình thành một mạng lưới tình hữu nghị để hỗ trợ cho nhau trong những lúc khó khăn khi cảnh sát đối xử với họ như tội phạm vì các hoạt động yêu nước này. Các hoạt động của họ được đưa tin trên facebook và các blog của các thành viên, nơi họ chia sẻ hình ảnh của các sự kiện, đăng tải các bài phát biểu, và thông báo trên mạng lưới trực tuyến của họ về áp lực của chính quyền. Những người biểu tình Chủ Nhật không chỉ là các blogger và các facebooker tích cực, mà họ thực sự thách thức quyền hành trong đời sống thực.
Rõ ràng là những người này đang tìm cách thực hiện quyền tự do chính trị, vẫn luôn gặp nguy hiểm. Nhiều người đang bị bắt, bị truy tố và bị bỏ tù vì viết blog, biểu tình hay thành lập các nhóm chính trị. Chính phủ của Đảng [Cộng sản] luôn có thể lựa chọn cách sử dụng bộ máy cưỡng bức của họ để bịt miệng bất đồng chính kiến.
Nhưng các nguồn thông tin thay thế và ảnh hưởng trong không gian mạng đã góp phần mở rộng ranh giới tranh luận chính trị, tạo điều kiện thuận tiện cho các mạng lưới của các cá nhân có cùng mục đích và cho phép họ hợp thành như một cộng đồng, thách thức quyền hành. Đây là lúc khó khăn hơn bao giờ hết đối với chính phủ của Đảng Cộng sản kiểm soát tư tưởng của người dân và các mối quan hệ của con người.
Tác giả: Nguyễn Hương là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Dân chủ Lập hiến và nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Luật pháp và Dân chủ tại Đại học Indiana, Bloomington. Tác giả sẽ giải đáp các câu hỏi của độc giả trong một tuần sau ngày đăng.
Ảnh: Biểu tình và lướt web: người Việt cầm biểu ngữ chống Trung Quốc trong lần biểu tình vào Chủ nhật ở trung tâm Hà Nội (ảnh trên), sinh viên Việt Nam lướt web trong một quán cà phê internet ở Hà Nội.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét