Pages

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Mạng Twitter Trung Quốc đã đào huyệt cho Đảng như thế nào ?

"Đồng chí mê đồng hồ xịn" bị bêu

(Le Monde 12/09/2012) - Vi Bác (Weibo), mạng Twitter của Trung Quốc là một cỗ máy tin « độc ». Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, thì Vi Bác mỗi ngày lại hé lộ một ít bí mật và làm mờ nhòa hào quang cố tạo dựng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Họ đều nghĩ đến điều đó, và không chỉ trong lúc cạo râu mà thôi (*). Không, nỗi ám ảnh lớn nhất của các cán bộ lãnh đạo địa phương Trung Quốc không phải làm thế nào để trở thành Chủ tịch nước, mà là làm sao thoát được cỗ máy tin « hot » - Vi Bác (Weibo), tức Twitter của Trung Quốc.

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, việc đầu tiên của các cán bộ địa phương là lao đến trước máy tính hoặc điện thoại thông minh, bật Weibo lên, để kiểm tra cho chắc là người ta không nói gì về mình. Những đồng bào của họ kể lại như thế, với một nụ cười thú vị.

Bởi vì, song song đó, việc đầu tiên mà phần lớn trong số 350 triệu người sử dụng Weibo làm mỗi sáng khi thức dậy, cũng là mở tài khoản mình ra xem. Để xem người ta nói những gì, và nhất là về những ai. Có vụ lãng phí nào được phanh phui. Con của đồng chí lãnh đạo Đảng nào đã lái chiếc Ferrari gây tai nạn. Vụ « Đồng chí mê đồng hồ xịn » đã đến đâu – đây là biệt danh trên Vi Bác dành cho một cán bộ mỗi ngày lại bị đưa lên mạng ảnh chụp đang đeo một chiếc đồng hồ khác nhau nhưng đều đắt tiền, dưới mắt công chúng thì rõ ràng là dấu hiệu của tham nhũng.

Hoặc những lời bình nào mới nhất của những cây bút nổi tiếng trên Vi Bác - chẳng hạn nhà xã hội học Ư Kiến Vanh (Yu Jianrong) của Viện Khoa học Xã hội, chuyên về các khiếu kiện của nông dân, trong tuần rồi có đến 1.448.664 « follower ». Người ta có thể kể lại vô số chuyện trên Vi Bác, vì số cư dân mạng ở đây lên đến 350 triệu người.

Sự minh bạch một cách hoang dã này đã làm tăng mức độ stress của các quan chức địa phương, cho đến nỗi mỗi số người gọi là « cơn khủng bố internet ». Những tin đồn, dù chính xác hay thất thiệt đều có thể gây hậu quả rất tai hại. Để tự vệ, không ít người đã phải cầu viện đến « đảng 50 xu » - đội quân được trả tiền để phản công trên Vi Bác.

Trong vòng ba năm, Vi Bác đã trở thành bãi chiến trường giữa dư luận Trung Quốc và chính quyền. Trước sự cuồng nhiệt này, bức tường im lặng ở thượng đỉnh quyền lực lại càng ấn tượng hơn. Trong khi người dân Trung Quốc lên tiếng trên các mạng xã hội, thì đảng Cộng sản chuẩn bị cho đại hội Đảng lần thứ 18 (shibada, tức thập bát đại) trong bí mật hoàn toàn.

Vai trò của đại hội cực kỳ quan trọng, vì sẽ phải tiến hành thay mới hầu hết các ủy viên thường trực (9 ghế, kể cả Thủ tướng, Chủ tịch nước), và Bộ Chính trị (25 ghế). Đây là việc thay đổi ban lãnh đạo của Đảng cứ mỗi mười năm.

Về sự kiện quan trọng này đối với 1,3 tỉ người Trung Quốc và với thế giới, không ai biết được thời điểm cũng như tiến trình sẽ diễn ra như thế nào, thậm chí số ủy viên thường trực Bộ Chính trị sẽ được bầu lên lần này là bao nhiêu – bảy hay chín ??? Người ta đã biết được hai lãnh đạo tương lai được chỉ định : Tập Cận Bình sẽ lên làm Chủ tịch nước, Lý Khắc Cường làm Thủ tướng. Người ta biết rõ tiểu sử của hai ông, nhưng khó có thể mô tả được chương trình hành động của các ông.

Mà tại sao các vị này lại phải trình bày ra chứ ? Về mặt chính thức, kế hoạch năm năm được thông qua năm 2011 đã là bản lộ trình. Và một số người, như là Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã phải trả giá đắt khi tự lăng-xê. Hơn nữa, Bạc Hy Lai bây giờ ở đâu ? Cụ thể là ông ta bị kết những tội gì ? Bí mật !

Thêm một bí mật khác nữa cho công cuộc chuẩn bị thập bát đại : Tập Cận Bình đã biến đi đâu ? Bị đau lưng khủng khiếp, có lẽ là do stress, vị Chủ tịch tương lai đã liên tục hủy bỏ các cuộc hội đàm với bà Hillary Clinton, rồi đến nữ Thủ tướng Đan Mạch. Không ai nhìn thấy ông từ sau ngày 1/9. Thế là nhiều tin đồn đã được tung ra.

Tất cả những chuyện này bạn sẽ không tìm được trên Vi Bác (theo tờ New York Times ngày 11/9, thậm chí từ khóa « đau lưng » cũng bị chặn từ hôm thứ Hai 10/9). Bởi vì đương nhiên là sự minh bạch cũng có giới hạn, đặc biệt là tại Trung Quốc. Đã từ lâu tất cả những thông tin có chứa tên của các nhà lãnh đạo cao cấp, thậm chí cựu lãnh đạo như Giang Trạch Dân, đều bị phong tỏa.

Trên thực tế, chính quyền tung ra các phương tiện khổng lồ để kiểm soát internet và các mạng xã hội. Nhà xã hội học Gary King của Havard, đã từng chủ trì một công trình nghiên cứu tuyệt vời về đề tài này cho đây là « nỗ lực lớn lao nhất chưa bao giờ được tiến hành nhằm kiểm duyệt một cách chọn lọc quyền tự do ngôn luận của con người ».

Blogger trẻ tuổi Trung Quốc Michael Anti, tên thật là Triệu Tĩnh (Zhao Jing) đã tóm tắt chính sách internet của Bắc Kinh trong hai từ : « Sao chép và ngăn chận ». Sao chép, vì Bắc Kinh đã cóp lại tất cả các loại hình của Mỹ. Vi Bác là Twitter, Bách Độ (Baidu) là Google, còn Nhân Nhân (Renren) là Facebook. Ngăn chận, vì các công ty Trung Quốc thường nhường bước cho việc tự kiểm duyệt.

Theo Michael Anti, tất cả các máy chủ của các công ty trên đều tập trung tại Bắc Kinh để tạo điều kiện cho các hoạt động ngăn chận và kiểm duyệt. Chính vì vậy mà các quan chức địa phương sợ hãi cư dân mạng đến thế : họ không kiểm soát được gì cả. Còn chính quyền trung ương thì ngược lại « cuối cùng luôn chiến thắng, vì họ kiểm soát các máy chủ ».

Và họ kiểm soát một cách hết sức khéo léo : để cho các mạng xã hội đóng vai trò xả xú báp khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Internet cũng là một công cụ thông tin tuyệt vời của chính quyền, vì có thể thường xuyên đo lường được tâm trạng của dân chúng. Bắc Kinh cũng có thể lái các chỉ trích về một chủ đề nào đó, bằng cách mở van cho một đề tài này trong khi vẫn chặn các đề tài khác. Michael Anti nói : « Tốt nhất là chiếm lĩnh trận địa thay vì bỏ bom ». 

Nhiều trí thức Trung Quốc mà chúng tôi đã gặp gỡ tại Bắc Kinh trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu của European Council of Foreign Relations đều nhìn nhận tác động to lớn của internet lên chính trị Trung Quốc. Cho đến nỗi một số cho là có một dạng « tham gia chính trị » - một hình thức thay thế cho dân chủ.

Một người trong số họ không muốn nêu tên, nhìn nhận đã hẳn là « việc kiểm soát tạo ra một vấn đề. Người ta có thể phê phán các quan chức cấp tỉnh và địa phương, nhưng trên thượng đỉnh thì không. Ngày nay có một thị trường ý tưởng vô cùng đa dạng, đó là hoàn cảnh tranh luận rất tích cực, nhưng đồng thời lại bị kiểm soát ».

Gary King ghi nhận một vạch đỏ mà nếu bước qua sẽ bị tuýt còi, đó là « biểu lộ chính kiến tập thể ». Việc phê phán của cá nhân được cho phép, nhưng tất cả ý định huy động nhiều người cùng lên tiếng đều bị chận đứng.

Rồi đây ai sẽ chiến thắng ? Không chỉ là hiện tượng bộc phát nhất thời, mà hành động của các cư dân mạng Trung Quốc còn làm nên sự xói mòn không thể tránh khỏi. Cũng giống như những han gỉ trên thân tàu, người ta có thể cạo rửa đi, nhưng với rất nhiều cố gắng, phải tốn hao rất nhiều năng lượng. Và cái công việc ấy sẽ không bao giờ kết thúc.

(*) Đây là một « điển tích » Pháp. Trong chương trình phỏng vấn các chính khách mang tên « 100 phút để thuyết phục », nhà báo dẫn chuyện hỏi ông Nicolas Sarkozy, lúc đó đang là Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của Tổng thống Jacques Chirac : « Có khi nào, như trong lúc cạo râu chẳng hạn, ông nghĩ đến chức Tổng thống hay không ? » Ông Sarkozy không ngần ngại đáp ngay : « Đâu chỉ trong lúc cạo râu mà thôi ? » - (ND)

Thụy My

(Blog TM)

Không có nhận xét nào: