Pages

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Thein Sein đi Mỹ trong chuyến thăm lịch sử



Tổng thống Miến Điện Thein Sein
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Miến Điện đến Mỹ trong vòn 46 năm qua
Tổng thống Miến Điện Thein Sein đến Mỹ hôm thứ Hai ngày 24/9 trong chuyến thăm lịch sử cùng thời điểm với chuyến đi Mỹ rất được chào đón của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.
Đây là lần đến Mỹ đầu tiên của một lãnh đạo Miến Điện kể từ năm 1966.

Đây là chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của Thein Sein kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm ngoái và tiến hành hàng loạt các cải cách.
Tổng thống Thein Sein sẽ tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tại đây, ông dự kiến sẽ phác thảo tương lai của đất nước đang thay đổi nhanh chóng này.

Obama không tiếp?

“Chuyến đi này sẽ mở ra một chương mới (trong quan hệ của Miến Điện) với cộng đồng quốc tế,” Zaw Htay, một quan chức của Phủ tổng thống Miến Điện nói với hãng tin Pháp AFP.
“Tổng thống sẽ trình bày về tiến trình cải cách của Miến Điện bao gồm những gì chính phủ đã làm và những gì sẽ làm,” ông nói và cho biết thêm Thein Sein sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và một số quan chức cấp cao của Mỹ, châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù các quan chức Mỹ cố sức nhấn mạnh rằng Thein Sein có công trong tiến trình cải cách của Miến Điện sau gần nửa thế kỷ cai trị của chính quyền độc tài quân sự, chính phủ Mỹ vẫn không có kế hoạch về một cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Barack Obama và người tương nhiệm Thein Sein.
Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi đã được gần như hầu hết giới tinh hoa chính trị ở Washington, bao gồm Tổng thống Obama, tiếp đón.
Hồi tuần trước Hoa Kỳ đã dỡ bỏ các chế tài nhằm vào Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann. Hai vị này đã được đưa ra khỏi danh sách ‘các nhân vật được quan tâm đặc biệt’ của Bộ Tài chính Mỹ – tức là những bị cấm làm ăn hoặc sở hữu tài sản trên đất Mỹ.
Hai ông được Mỹ đưa vào danh sách này hồi năm 2007 khi Thein Sein còn là thủ tướng còn Shwe Mann là tổng tham mưu trưởng quân đội. Lúc đó, Mỹ muốn tăng cường sức ép lên tập đoàn tướng lĩnh đang cai trị Miến Điện.
Chính quyền Washington hiện đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận quan trọng còn sót lại đối với Miến Điện là lệnh cấm nhập khẩu từ nước này.

‘Rất ý nghĩa’

Một đợt thả tù chính trị của Miến Điện hồi tháng Giêng năm 2012
Miến Điện đang mong muốn hội nhập trở lại cộng đồng quốc tế
Chuyên gia Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm nghiên cứu đông nam Á thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, nhận xét rằng việc Tổng thống Thein Sein được cho phép đặt chân đến Hoa Kỳ đã là ‘rất ý nghĩa’.
“Chúng ta có thể thấy sự mềm dẻo trong chính sách của Mỹ đối với Miến Điện và tôi nghĩ đây là con đường dẫn đến việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận trong tương lai,” ông nói với AFP.
Ông cũng nói có thể bà Suu Kyi đã ‘khen ngợi’ Tổng thống Thein Sein với Tổng thống Obama.
Cũng theo chuyên gia này thì dù cho Washington có đón tiếp như thế nào đi nữa, nhà lãnh đạo Miến Điện cũng không có lựa chọn nào khác bởi vì chuyến đi Mỹ ‘liên hệ đến nhiều thứ’, nhất là dỡ bỏ lệnh cấm vận hoàn toàn.
Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho các công ty của họ đầu tư vào Miến Điện hồi tháng 7.
Về phần mình, trong chuyến đi Mỹ lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Aung San Suu Kyi kêu gọi Washington bãi bỏ cấm vấn đối với Miến Điện và nhấn mạnh đường hướng mới mà đất nước của bà đang đi theo.
“Đã có những thay đổi mặc dù chưa phải là tất cả những thay đổi cần thiết để đảm bảo rằng chúng tôi đang trên đường trở thành một xã hội dân chủ thật sự, nhưng đã có những thay đổi,” bà Suu Kyi phát biểu tại Đại học Queens ở New York.
Chuyến đi cấp tập của bà Suu Kyi đến Mỹ bao gồm gần 100 hoạt động trên khắp nước Mỹ trong vòng 18 ngày. Tuy nhiên mọi thứ được sắp đặt cẩn thận để tránh cho bà chạm trán với Tổng thống Thein Sein.
Bà đã rời khỏi New York trước khi Thein Sein đến nơi.

Kiềm chế Trung Quốc

Bà Suu Kyi nhận phần thưởng Công dân toàn cầu ở Mỹ
Bà Suu cố gắng không để chạm mặt Tổng thống Thein Sein ở Mỹ
Lần cuối cùng một lãnh đạo tối cao của Miến Điện công du chính thức Hoa Kỳ là cựu Thủ tướng Ne Win hồi năm 1966.
Bản thân Thein Sein cũng từng dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm 2009, nhưng khi đó ông còn là thủ tướng của chế độ độc tài quân sự bị thế giới lên án do Thống tướng Than Shwe đứng đầu.
Khi được hỏi liệu chính phủ Miến Điện có quan ngại rằng sự hiện diện của bà Suu Kyi trên đất Mỹ có làm lu mờ Tổng thống Thein Sein hay không, ông Zaw Htay thuộc Phủ tổng thống Miến Điện nói rằng: “Tổng thống không hề cảm thấy khó chịu hay bị đe dọa bởi sự đón tiếp nồng hậu mà nước Mỹ dành cho Aung San Suu Kyi. Tên tuổi của bà là cả sự kính trọng.”
Ông cũng cho biết rằng Tổng thống Thein Sein sẽ ‘công khai bày tỏ sự hài lòng trước những thành tựu của bà (Suu Kyi) và ông sẽ đề cập điều này trong diễn văn đọc trước Đại hội đồng (Liên Hiệp Quốc).’
Miến Điện có tầm quan trọng chiến lược với Washington về mặt vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế và nhất là xét trên mối quan hệ đồng minh hàng chục năm qua của nước này với Bắc Kinh.
Lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Miến Điện đã giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng to lớn ở nước này và các phân tích gia nhận định rằng việc Mỹ có quan hệ tốt hơn với Miến Điện sẽ có giúp ích cho họ trong ý đồ kiềm chế Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: