Hàng ngàn người biểu tình đã tập hợp bên ngoài Sứ quán Nhật ở Bắc Kinh hôm Chủ nhật ngày 16/9, một ngày sau khi những người biểu tình tìm cách tấn công vào sứ quán trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền gia tăng giữa hai nước đối với một quần đảo ở Biển Hoa Đông.
Đám đông đã ném chai lọ và banh đánh golf vào sứ quán, vẫy quốc kỳ Trung Quốc và hô các khẩu hiệu bài Nhật.
‘Biến khỏi Trung Quốc’
Các tình nguyện viên đeo băng đỏ phân phát thực phẩm và nước uống cho người biểu tình còn đội chăm sóc y tế thì tức trực ở cạnh bên.Đông đảo công an được huy động để đi theo đoàn biểu tình khi họ tuần hành trước Tòa đại sứ Nhật trong khi một số công an khác đứng dọc con đường trước sứ quán cấm xe cộ lưu thông.
Sứ quán Nhật ở đây hiện đang được nhiều hàng cảnh sát chống bạo động của Trung Quốc canh giữ.
“Nhật Bản hãy biến khỏi Trung Quốc,” một số người biểu tình hô vang.
Cảnh sát dùng loa khuyên nhủ người biểu tình rằng mặc dầu hành động của họ là có thể hiểu được thì họ cũng nên tôn trọng pháp luật và ‘giữ lý trí’.
"Nhật Bản hãy biến khỏi Trung Quốc."
Người biểu tình Trung Quốc
Bắc Kinh đang phẫn nộ trước việc Tokyo trong tuần này loan báo ‘mua lại’ từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật một vài đảo tranh chấp thuộc một quần đảo mà họ gọi là Senkaku trong khi phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Các hình ảnh được đưa lên mạng xã hội Sina Weibo cho thấy các cuộc tuần hành hôm 16/9 tại một số thành phố như Quảng Châu, Thâm Quyến và Hàng Châu.
Tại Thượng Hải, nơi vừa diễn ra biểu tình lớn hôm thứ Bảy, hơn 1.000 người đã tập hợp bên ngoài Lãnh sự quán Nhật hôm Chủ nhật. Họ vẫy cờ, biểu ngữ và hô khẩu hiệu ‘Đả đảo Nhật Bản’.
Công an Thượng Hải đã dùng các container và hàng rào nhựa để phong tỏa các con đường. Họ hướng dẫn người biểu tình đi theo hàng do công an tạo ra trước Sứ quán Nhật.
Khoảng hơn chục người biểu tình đã xô xát với cảnh sát. Tuy nhiên một nhà ngoại giao Nhật giấu tên nới với hãng tin Pháp AFP rằng ông không nghe nói có bạo lực cũng như không có vật gì bị ném vào Tòa lãnh sự.
Tại các thành phố khác, người biểu tình cướp phá các cửa hàng Nhật và tấn công xe Nhật, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Còn theo Đài truyền hình Nhật NHK thì người biểu tình cũng đột nhập vào một số nhà máy sản xuất của người Nhật tại thành phố Thanh Đảo.
Cuộc biểu tình lớn nhất hôm Chủ nhật diễn ra tại Thâm Quyến khi mà công an ở đây đã phải dùng hơi cay và vòi rồng để đẩu lùi hàng ngàn người biểu tình chiếm lấy một con đường chính.
‘Tập trận trên biển’
Tờ báo tài chính The Nikkei của Nhật đưa tin người biểu tình đã tấn công hai nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của hãng Panasonic ở Thanh Đảo và Tô Châu. Hãng này liệu đang xem xét có tiếp tục hoạt động hay không sau khi kiểm tra thiệt hại.
Các tiệm bán ô-tô của Toyota cũng bị phóng hỏa và nhiều xe hơi bị hư hỏng, tờ báo này dẫn nguồn tin từ hãng Toyota cho biết.
Trong lúc này, sáu tàu hải giám Trung Quốc đã tiến tới vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp vào thứ Sáu ngày 14/9. Bắc Kinh tuyên bố các tàu này có sứ mạng ‘thực thi luật pháp’ khiến cho phía Nhật đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối.
Trong khi đó, nhật báo Xinmin Evening News đóng ở Thượng Hải cho biết Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã xác nhận là họ sẽ không chạy bất cứ quảng cáo nào của các công ty Nhật trên các kênh chính của họ tạm thời từ ngày Chủ nhật 16/9 cho đến thứ Ba 18/9.
"Chúng tôi muốn Trung Quốc giám sát tình hình để ít nhất người dân và doanh nghiệp Nhật Bản không g̣ặp nguy."
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 15/9 đưa tin hải quân nước này đã diễn tập bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông.
Hình ảnh trên kênh CCTV cho thấy các chiến hạm và tàu ngầm trên biển trong khi súng bắn hỏa tiễn giương nòng từ một vị trí không xác định rõ trên bờ biển.
CCTV không cho biết cụ thể ngày diễn ra cuộc diễn tập này nhưng nói là sau ngày 11/9 khi mà Nhật Bản loan báo ‘mua lại’ đảo tranh chấp.
Cuộc diễn tập quy tụ các lực lượng chủ lực của Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc, bao gồm hàng chục chiến hạm, CCTV cho biết.
Chính quyền tổ chức?
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã lên tiếng kêu gọi phía Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân và doanh nghiệp của nước ông.
“Chúng tôi hết sức bất mãn với tình hình hiện nay cho nên chúng tôi đang phản đối với phía Trung Quốc,” ông nói trên kênh truyền hình Fuji.
“Chúng tôi muốn Trung Quốc giám sát tình hình để ít nhất người dân và doanh nghiệp Nhật Bản không g̣ặp nguy,” ông kêu gọi.
“Chúng tôi cũng đã bày tỏ phản ứng nghiêm khắc đối với hành vi hủy hoại quốc kỳ Nhật,” ông nói thêm.
Chính quyền Trung Quốc có tiền sử đàn áp biểu tình rất chóng vánh, tuy nhiên một số công dân mạng nước này đã đặt vấn đề liệu các cuộc biểu tình chống Nhật hôm Chủ nhật 16/9 có phải là ‘bộc phát’.
“Các biểu ngữ và quần áo đồng phục với số lượng lớn như thế không thể nào được làm chỉ trong một ngày. Các bạn có thật sự tin rằng các cuộc biểu tình này là do người dân phát động?,” một người dùng Weibo có tên là Linglingqi nhận định và kêu gọi những người sản xuất ra các biểu ngữ hãy tiết lộ ai là người chịu chi phí.
"Tôi có cảm giác rằng một cuộc biểu tình rầm rộ như thế chắc chắn không thể là do một nhóm vài người dân thường đứng ra tổ chức."
Một công dân mạng Trung Quốc có tên là Afraxafra
Một người khác có tên là Afraxafra thì viết: “Tôi có cảm giác rằng một cuộc biểu tình rầm rộ như thế chắc chắn không thể là do một nhóm vài người dân thường đứng ra tổ chức.”
Hôm thứ Bảy ngày 15/9, hàng chục ngàn người cũng đã biểu tình tại ít nhất một chục thành phố trên khắp Trung Quốc. Họ tấn công các xe hơi do Nhật sản xuất cũng như các nhà hàng và doanh nghiệp của Nhật.
Nếi xét về số lượng người tham gia và số thành phố có biểu tình, thì đây là các cuộc biểu tình chống Nhật lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1972, hãng tin Nhật Kyodo dẫn lời một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết.
Mặc dù Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV không đưa tin về cuộc biểu tình hôm thứ Bảy nhưng nó lại được tờ nhật báo tiếng Anh China Daily đưa lên trang nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét