Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Vì sao 'bầu' Kiên thêm tội?


Việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố bổ sung thêm 2 tội danh với “bầu” Kiên thì người được xem là “ông chủ lớn" trong ngành tài chính, ngân hàng lại đang cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác biệt.

Gần 1 tháng sau khi ông Nguyễn Đức Kiên – tức “bầu” Kiên bị bắt, câu hỏi vì sao, nguyên nhân nào dẫn tới quyết định trên của cơ quan điều tra đang dần được hé lộ. Và theo những nguồn tin riêng của Petrotimes thì một trong hai tội danh cơ quan điều tra khởi tố bổ sung được xác lập là do “bầu” Kiên cùng 2 nhân viên đã dùng hàng chục triệu cổ phần đã thế chấp cho Ngân hàng ACB để đi bán cho một công ty thép. Số cổ phần này trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Như vậy, những dự cảm về cái gọi là “ẩn họa” trong mối quan hệ quá mức bình thường giữa các ngân hàng với doanh nghiệp được thiết lập từ sự chi phối của một cá nhân hay một nhóm lợi ích mà Petrotimes từng đề cập tới đã trở thành sự thật. Chân dung một “siêu lừa đảo” đằng sau cái mác đại gia dần hiện lên và sự phỏng đoán về việc kinh doanh bằng “lòng tin” của “bầu” Kiên xem ra là có căn cứ.

Ngân hàng ACB cũng chỉ là nạn nhân của "bầu" Kiên?
 
Trong những bài viết trước xoay quanh việc “bầu” Kiên bị bắt, Petrotimes từng đề cập tới khá nhiều nghi vấn xoay quanh hoạt động của 3 công ty là Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị mà cơ quan điều tra nhận định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Còn việc “bầu” Kiên tham gia lĩnh vực bóng đá và đặc biệt là những phát ngôn gây “sốc” cũng có thể xem là cách ông gây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình mà thôi.

Những lời hứa, lời cam kết vô cùng ấn tượng của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể xem là cái cách để “bầu” Kiên tô vẽ cho cái hình ảnh đại gia của mình thêm phần ấn tượng và đây có lẽ cùng là cái để “bầu” Kiên tạo dựng lòng tin cho các đối tượng mà ông này thực hiện việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhìn lại quá trình trở thành người nổi tiếng của “bầu” Kiên, không ít người cho rằng đó là một màn kịch hay và được viết lên bởi một nhà biên kịch thiên tài. Tất cả đều xoay quanh nhân vật chính là “bầu” Kiên với những gì tốt đẹp nhất, hào nhoáng nhất và tất nhiên, nếu người xem không đủ sự tỉnh táo thì rất dễ sập bẫy.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra vào lúc này là “bầu” Kiên đã dùng cổ phần của công ty nào hay cả 3 công ty mà ông đang nắm giữ để thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”? Ngân hàng ACB và công ty thép kia liệu đã phải là ngân hàng và doanh nghiệp duy nhất bị mê hoặc bởi “ma trận” do “bầu” Kiên tạo ra hay không? Con số thiệt hại mà những nạn nhân đó đang phải hứng chịu là bao nhiêu?...

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một con số cụ thể nào được đưa ra xoay quanh những tội danh mà cơ quan điều đưa ra nhưng có thể khẳng định, con số đó sẽ không hề nhỏ bởi vốn điều lệ của 3 công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật do “bầu” Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị lên tới 2.500 tỉ đồng. Nhưng nếu xét ở một góc độ khác, giá trị cổ phần của 3 doanh nghiệp do “bầu” Kiên lập ra và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị có thực đạt mức 2.500 tỉ hay không cũng khó xác định.

Đằng sau bộ mặt của một đại gia, "bầu" Kiên đang thể hiện một hình ảnh khác?


Mối quan hệ thân thiết của “bầu” Kiên với Ngân hàng ACB là điều mà bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đều biết, vì vậy việc ông Kiên mang cầm có số cổ phần tại các công ty mà ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho chính ngân hàng này cũng là điều đáng suy nghĩ. 10 tỉ, 100 tỉ hay vài trăm tỉ đồng,… dù chưa chính xác nhưng nó hoàn toàn có thể là số tiền mà “bầu” Kiên có thể rút ra từ ACB. Vấn đề nằm ở chỗ giá trị thực của số cổ phần đó có xứng đáng với những con số trên hay không mà thôi.

Trong bài “Trận đồ bát quái” thị trường tài chính – ngân hàng" Petrotimes từng đề cập tới một dòng tiền ảo có thể được hình thành lên từ mối quan hệ “nhập nhèm” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp dưới sự chi phối của một cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó. Vậy dòng tiền ảo này đã tạo lên những giá trị doanh nghiệp ảo như thế nào?

Vòng xoáy vốn dưới sự điều chỉnh từ mối quan hệ của một cá nhân hay một nhóm lợi ích sẽ được tăng dần. Từ 100 tỉ đồng giá trị cổ phần doanh nghiệp ban đầu, doanh nghiệp đó có thể dùng để thế chấp vay lấy 90 tỉ từ ngân hàng và dùng chính số tiền đó đi mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp khác hay ngân hàng khác và thậm chí là chính ngân hàng đó. Sau đó, số cỏ phiếu đó tiếp tục được mang đi thế chấp, vay tiền và lại mua cổ phiếu và như vậy, giá trị tài sản của doanh nghiệp bỗng nhiên tăng vọt lên tới vài trăm tỉ.

Điều này cũng đã được cơ quan điều tra đề cập tới trước đó khi cho rằng, ông Kiên bị bắt vì đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty để vay vốn ngân hàng, mua bán cổ phiếu. Sau đó, dùng cổ phiếu thế chấp lại cho các ngân hàng, lập các phương án kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty.

Nói như vậy để thấy rằng, trong chuỗi quan hệ đó, ACB cũng sẽ chỉ là nạn nhân mà thôi.

Nhóm phóng viên Petrotimes

Không có nhận xét nào: