Trong một buổi chiều tại Việt Nam người ta chứng kiến hàng trăm người bao vây ở một cây xăng trên quốc lộ 14 đoạn qua phường Yên Thế, thành phố Pleiku đến xã Nghĩa Hưng của huyện Chư Pah tỉnh Gia Lai. Lý do là nhiều người phát hiện cây xăng nơi này pha nước, làm loãng xăng để bán kiếm lời. Việc pha loãng xăng bằng một loại nhiên liệu phụ nào đó đã diễn ra trong nước từ lâu nay trong nước, kể từ khi Thủ tướng Cộng sản Việt Nam để mặc cho các hãng nhiên liệu quốc doanh trong nước lên giá vô tội vạ, bất chấp túi tiền dân chúng. Nhưng đây là lần đầu tiên, một cây xăng quyết định làm liều pha luôn cả nước thường vào trong xăng dể lấy lời. Nhiều người tập trung tại cây xăng, trên tay họ là những chai nhựa với khoảng 60% xăng nổi phía trên, lớp phía dưới là nước màu vàng đục.
Cá biệt có người rút hết nhiên liệu ra khỏi bình cho vào chai để kiểm tra phát hiện chỉ có khoảng 20% xăng nổi lên, còn lại là nước. Gia Lai là một trong những nơi công an dày đặc, và bất cứ những biểu hiện tụ tập hay ồn ào nào đều bị coi là bất thường, tuy nhiên chỉ 5 phút sau khi đám đông tụ tập, công an đã xuất hiện cùng với nhiều mật vụ, nhưng sau đó cũng chỉ đứng nhìn chứ không dám giải tán nhanh lẹ như mọi khi. Khi chủ cây xăng này xin lỗi và cho biết hầm chứa xăng bị mưa bão làm rò rỉ và đồng ý trả tiền cho những ai bi thiệt hại, dường như cơn tức giận của đám đông vẫn chưa nguôi ngoai.
Sự kiện nhỏ này ngay lập tức được nhiều báo trong nước đưa tin, tuy nhiên theo cách nhìn của nhiều nhà quan sát thời sự thì đây là việc mở đầu cho một giai đoạn sự ức chế của dân chúng trước đời sống khó khăn và hỗn loạn về hành chính. Liên tiếp nhiều lần tăng giá xăng trong năm, hứa và và thất hứa, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã làm hàng triệu dân chúng thấp thỏm và đẩy nhiều gia đình vào chỗ tuyệt vọng với giá xăng tăng vọt, đời sống lạm phát phi mã khiến mọi thứ lâm vào bế tắc. Việc bùng phát các cơn giận của dân chúng ở các lý do nhỏ, cho thấy sự ức chế đã bị dồn nén cực độ.
Tháng trước, trong một bài bình luận về việc giá xăng tăng vùn vụt, một blogger tự do đã so sánh chuyện người dân Indonesia đã tràn xuống đường biểu tình vì chính phủ tăng 5% giá xăng. Trong khi đó dù bị tăng giá xăng cao gấp nhiều lần cũng như chất lượng xăng bị chính các công ty quốc doanh rút, tráo đổi và pha loãng, nhưng dân chúng vẫn không có cơ hội bày tỏ. Chỉ dấu của một xã hội hỗn loạn và sự bất bình của dân chúng đang như cơn sóng ngầm, nều đúng như nhiều lời bình luận trong nước, thì rõ ràng rất tương ứng với sự rối loạn trên cung đình Bắc Bộ Phủ trong cuộc thanh toán lẫn nhau. Và đây có thể chỉ là một dấu hiệu nhỏ của một mở đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét