Trần vinh Dự (VOA) – Sau cú shock tâm lý hồi cuối tháng 8 liên quan đến vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên và bắt giữ và/hoặc khởi tố một loạt các cá nhân có liên quan (như ông Lý Xuân Hải, và gần đây là ông Trần Xuân Giá), thị trường tài chính dần dần đã lấy lại được sự ổn định. Sau 3 tuần biến động khá mạnh, một cân bằng mới đã được thiết lập, tuy còn khá mong manh. Thị trường chứng khoán giảm về mốc tham chiếu mới, quanh ngưỡng 390 điểm
Mốc này tuy có thấp hơn mốc hồi giữa tháng 8 (khoảng 430 điểm), nhưng không quá lớn, chỉ thấp hơn khoảng 9%. Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng cho vay trở lại, mặc dù thái độ thận trọng hơn trong các khoản vay lớn vẫn phổ biến so với hồi giữa tháng 8.
Thị trường có xảy ra hiện tượng trú ẩn ngắn hạn vào các tài sản “an toàn” hơn nhưng vẫn có thanh khoản cao như vàng và đô la, tuy không nhiều. Giá vàng có tăng mạnh nhưng phần nhiều đó là do các biến động kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ quyết định nới lỏng định lượng không giới hạn lần thứ 3, khiến cho thị trường tiền tệ quốc tế hình thành kỳ vọng rằng đồng Đô la sẽ tiếp tục bị mất giá.
Xu hướng trú ẩn tài sản dài hạn cũng không có chuyển biến mạnh, mặc dù về mặt tâm lý, nhiều người giàu ở Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến chuyện đa dạng hóa các hình thức giữ tài sản, trong đó bao gồm cả việc nắm các tài sản ở nước ngoài như bất động sản. Tuy nhiên, xu hướng này đã có từ lâu, và là một xu hướng khá tự nhiên ở các nền kinh tế mới nổi.
Dư luận quốc tế đang quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, đặc biệt là sau sự kiện một số nhân vật có tiếng tăm trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam bị bắt giữ phục vụ điều tra về một số sai phạm. Các tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal, Bloomberg, và Asia Sentinel liên tục đăng các bài viết về Việt Nam với những quan ngại rõ ràng về sự ổn định của hệ thống tài chính và tương lai ngắn và trung hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Có lẽ đây là lần đầu tiên báo chí quốc tế dùng khái niệm “crony capitalism” (chủ nghĩa tư bản thân hữu) ( New York Times) và “economic meltdown” (sụp đổ kinh tế) khi nói về Việt Nam (New York Times). Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm báo chí quốc tế đặt vấn đề Việt Nam có thể phải vay của IMF để giải cứu kinh tế (Bloomberg) và lần đầu tiên báo chí quốc tế nói về bất ổn chính trị ở Việt Nam và sự mối nguy mà người lãnh đạo chính phủ ở Việt Nam đang phải đối mặt (Asia Sentinel).
Báo News Week trong một bài viết có tựa “từ hổ thành mèo, nền kinh tế Việt Nam đã đi sai đường như thế nào” thậm chí còn nói mỉa mai rằng Việt Nam giờ đây đã trở thành tấm gương mà các nền kinh tế cải cách sau như Miến Điện KHÔNG nên đi theo.
Kéo theo làn sóng phê bình của media là làn sóng hạ điểm xếp hạng tín dụng của các hãng xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Moody’s đã hạ điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam xuống mức B2, là mức thấp nhất mà công ty này dành cho Việt Nam từ trước đến nay. Moody’s cũng hạ điểm xếp hạng của tám ngân hàng thương mại của Việt Nam gồm ACB, BIDV, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, Vietinbank và VIB. Tất cả đều bị hạ một bậc trong xếp hạng khả năng tín dụng độc lập từ E+ xuống E. Tệ hơn nữa, theo BBC trích lời của ông Matt Hildebrandt, kinh tế gia từ JPMorgan Chase Bank ở Singapore, cho rằng Việt Nam sẽ còn bị hạ bậc ít nhất một lần nữa trong sáu đến chín tháng tới.
Môi trường đầu tư sau tháng 8
Đối với các nhà đầu tư trong nước, môi trường kinh doanh và thực trạng hoạt động của thị trường những năm qua có một đặc trưng là hệ thống luật pháp cùng các cơ chế giám sát rất không hoàn chỉnh và lỏng lẻo. Điều này dẫn tới thực tế là nhiều hoạt động được coi là bình thường nhưng nhìn dưới lăng kính của pháp luật hay của nhà quản lý thì có thể có vấn đề. Thí dụ điển hình là câu chuyện ngân hàng huy động tiền gửi vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Những chuyện như vậy là những chuyện ai cũng biết, ai cũng thấy, và không ai bị xử lý, mặc dù trên nguyên tắc, đều vi phạm pháp luật.
Thực trạng đó dẫn đến việc về nguyên tắc nhiều doanh nhân làm ăn ở Việt Nam có thể vướng vào vòng lao lý bất kỳ lúc nào. Các sự kiện hồi cuối tháng 8 vừa qua giống như một hồi chuông nguyện hồn, làm tất cả bừng tỉnh và nhận ra tình trạng bấp bênh của mình. Vì thế, thị trường hình thành một tâm lý (không hẳn là phổ biến) là thu hẹp bớt các khoản đầu tư ở Việt Nam, chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài, chuyển gia đình ra nước ngoài để giảm bớt rủi ro.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam đang đứng trước áp lực buộc phải thoái vốn theo mệnh lệnh của nhà đầu tư (những người đưa tiền cho các quỹ đầu tư này kinh doanh). Nhiều quỹ đầu tư lớn đều sẽ có đại hội các nhà đầu tư trong quý 4 này và các nhà đầu tư đứng đằng sau các quỹ này sẽ quyết định liệu có nên tiếp tục giữ các danh mục đầu tư ở Việt Nam hay là thoái vốn để rút tiền về nước. Áp lực thoái vốn là một vấn đề lớn, làm nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, một điểm rất tệ, nhưng giờ đây lại trở thành điểm mạnh, của thị trường chứng khoán Việt Nam trong việc ngăn cản dòng vốn chảy ngược ra nước ngoài, là tính thiếu thanh khoản của thị trường.
Thiếu thanh khoản làm cho việc thoái vốn của các quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam trở nên không khả thi. Nếu các quỹ đầu tư lớn thoái vốn, họ sẽ không tìm được người mua, ít ra là không thể tìm được trong thời gian này. Nếu họ bán trực tiếp trên sàn giao dịch thì sẽ làm giá cổ phiếu của họ sập mà vẫn không có lực hấp thụ. Có lẽ vì thế mà một số quỹ như Vietnam Equity Holding (“VEH”) và Vietnam Property Holding (“VPH”) thuộc công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management, sau một giai đoạn dài đắn đo cuối cùng đã quyết định không thoái vốn vào đầu tháng này.
Thiếu thanh khoản làm cho khả năng rút vốn ồ ạt khỏi thị trường Việt Nam có vẻ như là một kịch bản khó xảy ra. Thế nhưng điều chắc chắn mà ai cũng nhìn thấy là dòng vốn mới sẽ không vào nữa, hoặc nếu có vào thì cũng vào với sự cẩn trọng gấp đôi. Nhiều công ty và các quỹ nước ngoài đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam hiện nay cũng tạm ngừng lại để quan sát. Đối với họ, không phải là việc bắt giữ một vài cá nhân khiến lọ họ ngại, mà có hai lý do lớn:
Thứ nhất, các vụ bắt giữ này có phải là một giấu hiệu của sự bất ổn chính trị hay không. Ổn định chính trị từ trước tới nay vẫn được coi là một lợi thế lớn của Việt Nam và trong khi các thông tin chính thức còn chưa được công bố thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có lý do để lo ngại về nền tảng của sự ổn định này đang bị thử thách.
Thứ hai, các vụ bắt giữ này cho thấy nhiều hơn các vấn đề tồn đọng trong hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Việt Nam, vì thế đánh giá của họ về thực trạng cũng như tiềm năng ngắn và trung hạn của nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng theo hướng bi quan hơn, mặc dù các nhìn nhận về tiềm năng phát triển dài hạn vẫn không thay đổi.
Nguyên nhân
Không chỉ hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua hoạt động theo một trạng thái khá bát nháo do bị quản lý quá lỏng lẻo, một phần vì hệ thống luật và các quy định luôn phải chạy theo thực tế vốn phát triển nhanh hơn, một phần vì năng lực quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng cũng không đáp ứng được thực tế cần phải giám sát, một phần vì câu chuyện các quan hệ “thân hữu” giữa nhà quản lý và doanh nghiệp khiến nhiều sai phạm bỉ bỏ lơ. Nhìn nhận một cách công bằng, hiện trạng này cần phải được xử lý, nếu không kinh tế Việt Nam sẽ không thể bứt phá khỏi tình trạng cân bằng thấp như hiện nay. Vì vậy, nếu các vụ bắt giữ này là nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, tính minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật, và hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính thì đó là việc cần phải làm.
Tuy nhiên, cách làm cho tới nay là có vấn đề. Các vụ bắt giữ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tính đến thời điểm này ở Việt Nam đều theo một khuôn mẫu truyền thống, nghĩa là rất bí mật tới phút chót để đảm bảo việc bắt giữ được thành công. Khuôn mẫu này trong các vụ việc lớn liên quan đến tài chính có thể không thích hợp vì công chúng không được “chuẩn bị” để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Do đó, tâm lý hoảng loạn rất dễ xảy ra. Điều này được minh chứng trong vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên. Vụ bắt giữ hết sức đột ngột này đã tạo ra một cơn hoảng loạn chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam khiến nhiều nhà phân tích cho rằng riêng vụ bắt giữ này đã làm thị trường mất tới gần 5 tỷ USD, tương đương với toàn bộ khoản nợ xấu của Vinashin.
Vì thế, thông thường ở Mỹ hay Âu Châu phải qua quá trình giải shock, thí dụ, bắt điều trần trước các ủy ban của hạ viện/thượng viện, thông tin được dần dần thẩm thấu để công chúng hiểu rõ vụ việc trước khi việc bắt giữ diễn ra. Ngay cả việc tống giam nhiều khi cũng không cần thiết. Các cá nhân này có thể tại ngoại hầu tòa hoặc quản thúc tại gia để chờ hầu tòa thay vì bị giam giữ bằng cách nộp tiền bảo lãnh.
Truyền thông liên quan đến việc chấn chỉnh thị trường tài chính đang bị lệch lạc. Rất ít thông tin chính thức từ cơ quan chức năng liên quan đến các vụ bắt giữ được công bố cho công chúng. Trong khi đó, báo chí trong nước đã viết rất nhiều bài mang tính suy đoán về lý do của các vụ bắt giữ, trong đó có nhiều lý do không hợp lý. Thí dụ, đầu tư tài chính bị coi là phạm luật, trong khi đó thì tất cả các công ty đều phải có trách nhiệm quản lý nguồn tiền của mình, trong đó bao gồm cả việc gửi tiền ở ngân hàng và đầu tư ngắn/dài hạn.
Câu chuyện dùng cổ phiếu thế chấp vay vốn, phát hành trái phiếu…bị coi là quay vòng vốn bất hợp pháp trong khi bản chất nghiệp vụ này là bình thường. Nếu trái phiếu thiếu chất lượng mà vẫn bán được thì lỗi nằm ở phía người mua chứ không phải ở phía người bán. Và vì thế, việc bắt lỗi và xử lý (nếu có) phải nằm ở chỗ xử lý các vi phạm liên quan đến việc cố ý đầu tư vào các tài sản chất lượng thấp gây thiệt hại cho các cổ đông.
Trong khi báo chí trong nước không có nhiều thông tin và chỉ đưa ra những lý do thiếu cơ sở, thì việc này lại tạo cơ hội cho các trang mạng đưa ra hàng loạt thuyết âm mưu khác nhau. Các thuyết âm mưu này trong nhiều thời điểm lại có vai trò dẫn dắt dư luận, tạo ra sự suy đoán nhiều khi là tùy tiện và gây hoang mang cho thị trường.
Trong khi báo chí trong nước không có nhiều thông tin và chỉ đưa ra những lý do thiếu cơ sở, thì việc này lại tạo cơ hội cho các trang mạng đưa ra hàng loạt thuyết âm mưu khác nhau. Các thuyết âm mưu này trong nhiều thời điểm lại có vai trò dẫn dắt dư luận, tạo ra sự suy đoán nhiều khi là tùy tiện và gây hoang mang cho thị trường.
Để lập lại trật tự trên thị trường tài chính
Việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, tính minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật, và hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung là việc cần phải làm, và có tầm quan trọng đặc biệt cho triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam. Để việc này có tác dụng tích cực, và được thị trường nhìn nhận một cách tích cực, nhà nước cần có một lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch cho công chúng và các nhà đầu tư nắm được. Thí dụ, các vấn đề sẽ tập trung chấn chỉnh, giải quyết là vấn đề gì, nguyên tắc giải quyết các vi phạm trong quá khứ là gì, các hoạt động kinh doanh từ giai đoạn này trở đi sẽ phải tuân theo khuôn khổ như thế nào, cơ chế giám sát mới là gì và các nguyên tắc của cơ chế giám sát mới như thế nào.
Nhà nước cũng cần làm rõ để mọi người hiểu việc chấn chỉnh này là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của nhà nước về việc đổi mới và nâng cao tính hiệu quả – minh bạch của nền kinh tế chứ không phải là việc làm mang tính tình huống, ngắn hạn. Và mục tiêu của nó là nhằm giúp hệ thống kinh tế tư nhân vững mạnh hơn.
Song song với việc chấn chỉnh hệ thống kinh tế tư nhân, cần có nỗ lực tương xứng liên quan đến cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Đây là một xứ mệnh đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa làm được bao nhiêu. Điều này là thiết yếu vì nó cho thấy nhà nước có một kế hoạch hoàn chỉnh – đồng bộ, và triển khai nó cũng theo một cách hoàn chỉnh – đồng bộ chứ không phải cái gì dễ làm thì làm còn cái gì khó thì bỏ qua một bên.
Một điểm đặc biệt quan trọng mà nhà nước không thể bỏ qua hoặc thờ ơ là lòng tin của các nhà đầu tư và các chuyên gia, các nhà quản lý cao cấp của nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. Họ là những người tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bằng vốn, công nghệ, trình độ quản trị, và kinh nghiệm quốc tế. Khi một nhà đầu tư nước ngoài ra đi, việc lôi kéo họ quay lại là việc khó khăn và có thể mất hàng thập kỷ. Khi một chuyên gia nước ngoài dứt áo ra đi vì sự nghiệp của anh ta ở Việt Nam lỡ dở, có lẽ cả đời anh ta sẽ không bao giờ quay lại.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét