Pages

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Thủ tướng kém về kinh tế lại độc đoán, độc tài

Hội Nghị Thành Đô năm 1990 tại Tứ Xuyên,
Trung Quốc.

Nguyễn Trọng Vĩnh


Trong khi Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ VN tại TQ là lại lo lắng cho sự lũng đoạn của Bắc Kinh vào hậu trường chính trị của Hà Nội, sẽ tiếp tục diễn ra như từ sau hội nghị Thành Đô đến nay.

Bài viết của ông Nguyễn Trọng Vĩnh mang tên “Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, không cho phép nước ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta” đang khiến dư luận đặc biệt chú ý. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông Đại sứ để sáng tỏ thêm vấn đề.

Lũng đoạn nghiêm trọng

Mặc Lâm: Thưa ông Đại sứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói rất nổi tiếng đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng trong bài viết mới nhất của ông hiện đang lưu hành trên mạng có tên là “Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, không cho phép nước ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta” cho thấy sự độc lập của Việt Nam đang bị Trung Quốc lũng đoạn rất nghiêm trọng. Trước nhất xin ông Đại sứ cho biết thêm một số chi tiết về bài viết quan trọng này. 

Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi cũng chỉ biết được đến thế thôi còn tỉ mỉ hơn thì tôi không biết. Trung Quốc rất ghét Nguyễn Cơ Thạch cho nên nó mới ép phái đoàn của ta tại Thành Đô phải nhận điều đó. Phải gạt bỏ Nguyễn Cơ Thạch thì nó mới bình thường hóa quan hệ. Phái đoàn của ta lúc bấy giờ chả hiểu các ông ấy như thế nào mà lại chấp nhận cái điều kiện ấy của nó. 

Mặc Lâm: Theo như ông Đại sứ khẳng định thì từ Hội nghị Thành Đô đến nay Việt Nam đã tỏ ra rất bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc mất tự chủ đầu tiên là loại bỏ ông Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi vị trí Ngoại trưởng và kế đến là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã công khai phục tùng Trung Quốc khi chấp nhận cho họ khai thác bauxite mà không thông qua Bộ chính trị. Ông Đại sứ có thể cho biết căn cứ vào đâu mà ông khẳng định như vậy? 

TQ rất ghét Nguyễn Cơ Thạch cho nên nó mới ép phái đoàn của ta tại Thành Đô phải nhận điều đó. Phải gạt bỏ Nguyễn Cơ Thạch thì nó mới bình thường hóa quan hệ. - Nguyễn Trọng Vĩnh
Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi chỉ biết rõ có việc như thế nhưng bảo đưa ra văn bản hay điều gì để mà chứng minh thì không thể đưa ra được. Tuy nhiên việc này rất nhiều người biết chứ không phải một mình tôi. 

Mặc Lâm: Cũng trong bài viết ông Đại sứ cho biết là trong đại hội X của đảng, cũng chính ông Nông Đức Mạnh đã gạt ông Phạm Bình Minh ra khỏi vị trí Bộ trưởng Ngoại giao vì cho rằng Trung Quốc không đồng ý, tuy nhiên hiện nay ông Phạm Bình Minh vẫn được đề cử chức vụ này. Phải chăng có sự thay đổi nhận thức trong Bộ chính trị hay còn một nguyên nhân nào khác sau khi ông Nông Đức Mạnh về hưu thưa ông? 

Nguyễn Trọng Vĩnh: Đúng là sau khi ông Nông Đức Mạnh về hưu rồi thì người ta thấy rằng để đưa vào vị trí bộ Ngoại giao một người có kinh nghiệm, có nghiệp vụ thì việc người ta chọn ông Phạm Bình Minh là Bộ trưởng Ngaọi giao thì không có gì lạ. Bởi vì có một thời từng đưa ông Nguyễn Thiện Nhân nhưng ông ấy không có nghiệp vụ ngoại giao nên không theo dõi tất cả tình hình từ trước tới nay cho nên người ta thấy không có ai hơn ông Phạm Bình Minh. 
thanhdo1990-250.jpg
Hội Nghị Thành Đô năm 1990 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. File photo.

Hơn nữa bây giờ không còn ông Nông Đức Mạnh cản trở nữa thì người ta đưa ông Minh vào vị trí này. Tuy nhiên dù sao trong tình hình căng thẳng này thì người ta vẫn cứ ngại, chỉ làm đến đấy thôi chứ thông thường thì ở nước ta ba vị trí Bộ trưởng công an, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao đều là ủy viên Bộ chính trị, từ trước tới nay là như thế. Thế nhưng lần này người ta chỉ mới đưa được ông Phạm Bình Minh vào chức Bộ trưởng Ngoại giao còn chức ủy viên bộ chính trị thì người ta còn ngần ngại.

Mặc Lâm: Thưa phải chăng sự ngần ngại này phát sinh từ sự lo sợ mích lòng Trung Quốc vẫn còn đè nặng lên tư duy của nhiều người trong Bộ Chính Trị?

Nguyễn Trọng Vĩnh: Đúng thế! Người ta sợ mích lòng Trung Quốc vì trong lúc tình hình đang căng thẳng mà lại đưa cái ông mà Trung Quốc nó không thích thì tình hình căng thẳng thêm, người ta sợ thế. 

Điều không bình thường?

Mặc Lâm: Thưa ông Đại sứ hôm 1 tháng 10 Hội nghị Trung ương 6 khai mạc và ngay ngày hôm sau người ta thấy Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam là Khổng Huyễn Hựu đã gặp Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việc này có bình thường hay không thưa ông?

Nguyễn Trọng Vĩnh: Việc này nói là bình thường cũng được mà nói không bình thường cũng được.
DSC0473-250.jpg
Buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XI tại Hà Nội hôm 01 tháng 10 năm 2012. Courtesy chinhphu.vn

Bình thường là vì khi tôi còn làm Đại sứ thì cũng có lúc tôi gặp những người lãnh đạo của Trung Quốc khi muốn chuyển đạt ý kiến gì thì tôi đề nghị gặp một vị nào đấy trong lãnh đạo của họ. Đấy là bình thuờng. Còn việc không bình thường ở chỗ ông Đại sứ Trung Quốc lại gặp ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trước cuộc họp Trung ương đảng thì không bình thường là chỗ đó, còn về nội dung thế nào thì tôi không biết được.

Mặc Lâm: Hiện nay có rất nhiều tin tức hậu trường cho rằng Hội nghị Trung ương 6 chủ yếu nhằm xem xét bản thân Thủ tướng. Theo ông thì nếu Hội nghị không đạt được kết quả sau cùng thì phải chăng do yếu tố Trung Quốc hay do các bên thỏa hiệp với nhau nhằm giữ vị thế lãnh đạo như nhiều người tiên đoán thưa ông? 
Còn việc không bình thường ở chỗ ông Đại sứ Trung Quốc lại gặp ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trước cuộc họp Trung ương đảng. 
Nguyễn Trọng Vĩnh
Nguyễn Trọng Vĩnh: Việc này thì tôi không có ý kiến chính xác, không có gì là chứng thực cả, tôi chỉ gọi là dự phòng thế thôi còn trong nội bộ của ta thì tôi không nói đuợc gì đâu.

Mặc Lâm: Ông đã thẳng thắn cho rằng nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn tiếp tục giữ chức thì sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam, xin ông cho biết tại sao như vậy?

Nguyễn Trọng Vĩnh: Toàn dân người ta đã biết ông này không có năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế cho nên chưa bao giờ kinh tế của chúng ta nó sa sút như bây giờ. Sự không có năng lực của ông ấy là đã rõ. Mặt khác các tập đoàn kinh tế nào là Vinashin, Vinalines rồi còn bao nhiêu tập đoàn kinh tế khác mà ông Thủ tướng trực tiếp quản lý đã thất thoát hàng ngàn tỷ của nhân dân, thiệt hại quá lớn. Vì vậy nếu ông ấy cứ tiếp tục thì thiệt hại lớn lắm. Kinh tế sẽ còn sa sút và các tập đoàn kinh tế nó sẽ còn thất thoát đến đâu nữa, như vậy thì còn gì nguy hại hơn nữa?

Mặt khác ông ấy lại độc đoán, độc tài vì vậy nếu còn nắm quyền thì ông ấy còn làm bao nhiêu thứ khác chỉ có hại cho đất nước như vậy thì không lo sao được?

Mặc Lâm: Một lần nữa xin được cám ơn ông Đại sứ đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Không có nhận xét nào: