Ba lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trước buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/10/2012 (Reuters) |
Việc ông Dũng không bị kỷ luật mặc dù bị xem là tham nhũng, quản lý kinh tế kém cỏi và lạm quyền cho thấy là đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng chưa chấm dứt. Chỉ cần đọc báo chí chính thức cũng đủ thấy là phe Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang còn rất cay cú.
Theo VietnamNet, khi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn ngày 18/10/2012, ông Trương Tấn Sang đã tuyên bố “Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”. Về quyết định không kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà ông Sang gọi là “đồng chí X”, chủ tịch nước của Việt Nam thanh minh: "Chỉ có cân nhắc tình hình hiện nay, cân nhắc lợi hại thì quyết nghị là không thi hành kỷ luật. Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi, không phải là cá nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi”. Tìm cách trấn an những người sợ bị trù dập khi tố cáo tham nhũng, ông Sang còn hùng hồn tuyên bố: “ Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.
Về phần tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, cũng theo VietnamNet, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 16/10, tức là ngay sau khi hội nghị trung ương kết thúc, ông Trọng đã nói rằng hội nghị này “cơ bản đạt yêu cầu nhưng chưa phải là xong”. Theo ông, việc phê bình, kiểm điểm sẽ làm lâu dài, thường xuyên, "làm như rửa mặt hàng ngày".
Riêng ông Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Hải Phòng thì không thấy báo chí đưa tin ông tiếp xúc cử tri trong đơn vị bầu cử của ông, trong khi Quốc hội chuẩn bị khai mạc kỳ họp hôm nay (22/10/2012). Hôm qua, mới thấy tờ Nhân Dân đăng tin là ông Dũng đã “tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh và xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương”, nhưng không thấy ông bình luận gì cụ thể về kết quả hội nghị trung ương 6.
Hôm nay, trước Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn” của người đứng đầu Chính phủ và xin “thành thật nhận lỗi” về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, như Vinashin và Vinalines. Nhưng ông Dũng vẫn rất hận những trang blog mà gần đây đã liên tục đả kích cá nhân ông, nhất là trong thời gian trước và trong khi diễn ra hội nghị trung ương. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố là “công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu “. Điều này cho thấy là sau khi suýt nữa bị mất chức thủ tướng, nay ông Dũng sẽ tiếp tục chiến dịch trấn áp các trang blog nào tiếp tục chỉ trích ông.
Như vậy, rõ ràng là cuộc đấu đá, mà trên mạng có người gọi mỉa là trận chiến Ba – Tư ( Ba Dũng và Tư Sang ), vẫn chưa chấm dứt, nhưng cho dù hội nghị trung ương lần tới có kỷ luật được một ủy viên nào đi nữa, thì cũng sẽ chẳng có gì thay đổi trong một cơ chế mà Đảng Cộng sản vẫn đứng bên trên pháp luật và khi nào mà Việt Nam chưa thay đổi đường lối, định hướng, khi nào Việt Nam chưa có Nhà nước pháp quyền thật sự, thì vẫn chưa giải quyết được tận gốc rễ những vấn đề tham nhũng, lạm quyền, quản lý kinh tế yếu kém. Đó là nhận định chung của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học trong phần trả lời phỏng vấn với RFI Việt ngữ sau đây :
RFI : Thưa Giáo sư, sau hội nghị trung ương 6, đã có nhiều dư luận bàn tán sôi nổi về kết quả hội nghị này. Điều người ta chú ý đó là lần đầu tiên Bộ Chính trị công khai thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm của mình, nhưng rốt cuộc không có chuyện gì xảy ra tức là không có ai bị kỷ luật. Giáo sư có nhận định như thế nào về kết quả hội nghị này?
Giáo sư Tương Lai : Sau ngày 15/10, nghe bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư, rồi đọc thông cáo của hội nghị trung ương, thì đã có nhiều phản ứng. Trên TV, người ta cũng đã đưa lên ý kiến của rất nhiều cán bộ về hưu, cán bộ lão thành, cựu chiến binh, tỏ ra rất xúc động và tin tưởng. Rồi đến ông bí thư thứ nhất trung ương Đoàn Thanh niên thì phát biểu rằng ông “vô cùng khâm phục” trước “thái độ vô cùng dũng cảm” của Bộ Chính trị đã tự phê bình và nhận kỷ luật, ...
Nhưng dư luận thứ hai mà tôi nghe được lại là dư luận phẫn nộ và thất vọng, vì thấy đã mất bao nhiêu công của, bao nhiêu sự chuẩn bị kéo dài hàng bao nhiêu tháng, để rồi kết quả là không giải quyết được vấn đề gì.
Nhưng nhận thức của tôi thì khác. Tôi cho rằng nếu như kết luận “nhất trí 100%” của Bộ Chính trị mà được thực thi ở hội nghị trung ương, thì nó cũng chỉ dẫn đến kết quả là xả xú-páp, tức là “chém tế cờ” một nhân vật nào đó, để làm dịu bớt đi sự phẫn nộ của quần chúng nhân dân, để mà vớt vát chút uy tín của ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị, mà quá trình tuyên truyền quảng cáo thì rất là rầm rộ. Nếu được như thế đi chăng nữa, thì kết quả cũng chỉ đến thế mà thôi, chứ không giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Chống được tham nhũng thì tốt quá, nhưng cân nhắc, suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy đó chỉ là cái ngọn. Vì sao? Vì gốc của vấn đề là đường lối, định hướng. Xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mất kinh tế Nhà nước là mất chủ nghĩa xã hội, cho nên cần phải có những “quả đấm thép”, những tổng công ty. Càng mở rộng những tổng công ty đó bao nhiêu, thì càng chứng tỏ là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” càng vững vàng. Chính từ đó mới có những chuyện như Vinalines, Vinashin, . . .
Đương nhiên việc quản lý những tổng công ty này là hư hỏng rồi, nhưng vấn đề dù anh có là một nhà quản lý giỏi đi nữa thì anh cũng phải thực hiện theo đường lối ấy, không giải quyết được gì cho nền kinh tế cả. Cơ cấu lại nền kinh tế ấy không phải là làm theo kiểu giật gấu vá vai, mà phải đi lại từ gốc.
Chuyện cướp đất đai gây nên sự phẫn nộ của nông dân khiếu kiện khắp nơi đâu phải chỉ là do cá nhân các ông quan địa phương, những cường hào ác bá kiểu mới, tha hồ chiếm đoạt đất đai. Họ làm được điều đó, vì sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Quyền sở hữu không được xác lập rõ ràng. Khái niệm Nhà nước là khái niệm trừu tượng, cho nên chuyện cướp đất làm sao mà tránh được? Vì dân không được pháp luật bảo vệ. Luật pháp của ta trong thời gian qua biểu hiện sự yếu kém một cách không thể nói gì thêm được nữa. Mà gốc rễ vấn đề không phải là do ông chánh án này, ông thẩm phán kia, ông viện kiểm sát nọ làm việc kém.
Ngay trong hội nghị trung ương, ông Tổng bí thư đã khẳng định, Nhà nước của ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là không công nhận tam quyền phân lập. Mà không công nhận tam quyền phân lập thì làm sao thì gọi là Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó được!
Nhà nước pháp quyền không phải là thành tựu của tư sản. Đó chính là kết quả của thế kỷ ánh sáng, là thành tựu của trí tuệ loài người. Ngay khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó, bằng cách mở đầu tuyên ngôn độc lập với trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp. Đó là thành tựu của nền văn minh, của trí tuệ cả loài người. Anh không công nhận điều này thì làm sao có được một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Một xã hội không thượng tôn pháp luật, mà chỉ được điều khiển bằng các nghị quyết, thì làm sao tránh khỏi những sai lầm, tùy tiện như vừa qua?
RFI : Thưa Giáo sư Tương Lai, gốc rễ vấn đề phải chăng cũng là vì cho tới nay Đảng vẫn đứng bên trên pháp luật, không bị ràng buộc bởi bất cứ một cơ chế nào, cho nên mới có chuyện là Bộ Chính trị “ xin được kỷ luật”, mà Ban chấp hành trung ương lại không dám kỷ luật?
Giáo sư Tương Lai : Ở đây cần tách ra hai vấn đề. Nếu những người điều hành Đảng mà nắm vững điều lệ Đảng thì sẽ thấy là vừa qua có những xử lý sai với nguyên tắc, điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng ghi rõ Đại hội Đảng là cơ quan cao nhất của Đảng, họp định kỳ để quyết định chủ trương, đường lối. Giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành trung ương là cơ quan cao nhất của Đảng điều hành mọi vấn đề. Bộ Chính trị và Ban Bí thư là cơ quan thực thi trách nhiệm do Ban Chấp hành trung ương giao phó. Nhưng từ lâu, người ta đã biến Bộ Chính trị thành quyền lực cao nhất, ngồi lên trên đầu cả Đảng, cả Ban Chấp hành trung ương và cả Đại hội.
Bây giờ nói đến chuyện kỷ luật cả Bộ Chính trị thì tôi thấy chuyện này là vô duyên, vì tập thể Bộ Chính trị là cơ quan điều hành do Ban Chấp hành trung ương giao, vậy thì nếu có kỷ luật thì kỷ luật một cá nhân, ví dụ như cá nhân Tổng bí thư, người đứng đầu Bộ Chính trị, hay là kỷ luật ông ủy viên phụ trách Quốc hội, phụ trách Bộ Công an, ... Tức là những cá nhân đó bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trước Đảng, trước dân. Chứ làm sao có thể kỷ luật tập thể Bộ chính trị được! Nếu có thì chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.
Đài báo cứ nói là từ xưa tới nay chưa có chuyện đó. Nói như thế là không hiểu bìết gì hết. Đã từng có chuyện kỷ luật đấy. Ví dụ, hồi Cải cách ruộng đất, ông Tổng bí thư Trường Chinh đã bị kỷ luật và thôi chức. Ông Lê Văn Lương, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tổ chức, cũng đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.
Chỉ có bây giờ là họ nhập nhằng nói tập thể chung chung, mà không nói cụ thể là, trong tập thể Bộ Chính trị, ai là người chịu trách nhiệm điều hành mà để gây ra những sự rối ren đó. Rồi còn nói “một ủy viên Bộ Chính trị”, tức là đối với Đảng cũng như đối với dân, vẫn cứ nói mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Điều đó đủ nói lên cái “sức mạnh” của Bộ Chính trị đó như thế nào.
Trong nội bộ đảng là như thế rồi. Còn chuyện pháp luật đối với dân thì đem ra pháp luật mà bàn sau. Vừa qua chỉ mới là Bộ Chính trị đưa ( vấn đề kỷ luật ) ra, nhưng Ban Chấp hành phủ quyết. Điều đó cho thấy là cuộc đấu tranh giữa những thế lực trong Ban Chấp hành và trong Bộ Chính trị đang còn rất nhiều rắc rối. Thế mà lại nói là đoàn kết nhất trí ! Nói như thế là nói lấy được thôi. Chứ còn người nào tỉnh táo thì đều thấy không đúng như thế.
Bây giờ nếu dám nói đúng vào sự thật, thì phải gọi mặt chỉ tên, chỉ ra những sai lầm A, B, C. Ai phụ trách cái này, ai chịu trách nhiệm cái này và những người ấy phải bị kỷ luật. Không chỉ riêng “một uỷ viên Bộ Chính trị”, mà vừa qua có vấn đề về nhiều mặt lắm : mặt xây dựng Đảng, mặt xây dựng nước. Đây là những vấn đề tù mù, không rạch ròi, không minh bạch, chứng tỏ là về mặt nhận thức thì không thông thoáng và về mặt đoàn kết nội bộ thì không có. Cho nên mới có hiện tượng là Ban Chấp hành trung ương phủ quyết ý kiến của Bộ Chính trị. Tôi cho rằng chuyện phủ quyết chẳng có gì là không bình thường. Đó là một thực tế cần phải ghi nhận để xử lý vấn đề trong thời gian tới, để tỏ rõ là Đảng có sức mạnh, có kỷ luật, có đoàn kết thật, chứ không phải chỉ là đoàn kết trên khẩu hiệu, trên diễn văn.
RFI : Thưa Giáo sư, qua hội nghị trung ương vừa rồi, người dân đóng vai trò như những khán giả, không có tiếng nói gì trong các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngay cả Quốc hội cũng chẳng có tiếng nói gì đối với người đứng đầu chính phủ, mà trên nguyên tắc phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Giáo sư Tương Lai : Vấn đề anh đặt ra là đúng thôi, nhưng nó cũng không đúng ở chỗ, đây là hội nghị trung ương, chỉ bàn chuyện thuần túy nội bộ Đảng và người ta lại họp kín. Đã họp kín thì làm sao mà dân làm sao mà tham dự được !
Cũng đã có những ý kiến đóng góp và tôi cũng đã nghe những người được mời đóng góp ý kiến kể nhiều chuyện như là chuyện dài nhiều tập, rất là khôi hài. Đóng góp thì chỉ là đảng viên đóng góp cho Đảng. Còn về phía người dân, thì sau hội nghị trung ương, có một số vị lãnh đạo đi tiếp xúc với các cử tri được coi là đại diện cho dân. Nhưng mọi người ai cũng biết những “đại cử tri” ấy đã được tuyển lựa rất chặt chẽ. Đến những cuộc họp mặt cử tri ấy, họ nói được đến bao nhiêu phần trăm ý kiến của người dân thật? Phải ngồi trên xe ôm hay taxi, nghe ông lái xe nói chuyện, hay ra ngoài chợ nghe lời bình của các bà bán thịt, bán rau, thì đấy mới là ý kiến thật sự của dân. Còn những người đã được tuyển lựa qua bộ lọc của chính quyền, của Đảng, rồi đến họp mặt cử tri thì làm sao có thể là ý kiến của dân? Nếu các đồng chí lãnh đạo tin tưởng vững chắc, “cảm động”, “ thấm thía”, nghĩ rằng đó là ý kiến của dân, thì tôi e rằng họ đang bị lừa đấy.
RFI : Thưa Giáo sư, trong hội nghị trung ương vừa qua thì người ta cũng đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo chính phủ trong khóa họp Quốc hội sắp tới. Trong hoàn cảnh hiện nay, mọi việc đều do Bộ Chính trị quyết định, thì có thể thực hiện được việc đó hay không?
Giáo sư Tương Lai : Đương nhiên là nó sẽ có một vài cải tiến nào đó, một vài “biến tấu” nào đó và chắc chúng ta sẽ phải chờ đợi. Bao giờ chúng ta cũng phải hy vọng để mà sống chứ! Nhưng nếu quá lạc quan nghĩ rằng sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm thật, để từ đó đi đến những quyết định mang tính công khai, minh bạch, thì kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy chưa đủ dữ liệu để tin rằng chuyện này là thật. Nói như nhân vật trong phim “ Hãy đợi đấy”.
RFI : Chúng tôi xin cám ơn Giáo sư Tương Lai.
Thanh Phương (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét