Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Đại hội ĐCS Trung Quốc XVIII có thể là lần cuối?



ĐH ĐCS TQ XVII chỉ có búa liềm. Ảnh: internet

HM Blog. Số La mã XVIII là 18, một số độc, 1+8 = 9. Trong chữ Nho, cửu (9) là tột đỉnh. Khi đã là tột đỉnh thì anh bắt đầu trượt dốc.

Người ta luôn đặt câu hỏi, đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 18 này có phải là lần cuối hay không?

Theo dõi các đại hội Đảng của Trung Quốc người ta từng thấy ảnh Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, rồi Carl Marx treo trên hội trường. Nhưng mấy đại hội gần đây chỉ còn búa liềm và cờ đỏ. Trong lúc đại hội ĐCS Việt Nam thì hầu như hai ảnh Carl Marx và Lê Nin luôn là chủ đạo trên hội trường.
Chỉ cần nhìn những chi tiết đó cũng biết mầu sắc đảng CS của mỗi nước cũng rất khác nhau dù họ vẫn dùng mầu đỏ là chủ đạo, tặng nhau 16 chữ vàng, 4 tốt.



Lang thang trên mạng, thấy bài trên viet-studies do anh Phạm Gia Minh, một đồng nghiệp cũ ở IOIT, dịch từ tiếng Anh. Nghe nói bài này sẽ in ở Tạp chí Thời đại mới tháng 11 này. Bài vẫn đang tiếp tục biên tập.

Trong bối cảnh ĐHĐCS TQ đang tiến hành tại Bắc Kinh, bài viết như thế này rất có ý nghĩa thời sự.

Bài viết sau của ông Cheng Li (Lý Thành), Giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Viện Brookings. Washington DC.

Hiệu Minh blog chỉ đăng phần tóm tắt và vài suy nghĩ cuối để bạn đọc nắm được ý chính.

Cảm ơn Ts. Phạm Gia Minh và viet-studies.
Hồi kết cho chế độ chuyên chế dẻo dai của Đảng Cộng sản Trung Quốc?
Một đánh giá ba phần về sự thay đổi quyền lực ở Trung Quốc.

Bản dịch của Ts. Phạm Gia Minh

Tóm tắt

Bài tiểu luận này thách thức quan điểm đang thịnh hành về cái đuợc xem là “chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai”của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Quan điểm này khẳng định rằng hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc có khả năng củng cố năng lực đất nước nhằm quản trị có hiệu quả xã hội thông qua những thích ứng về định chế và điều chỉnh chính sách.

Những phân tích cuộc khủng hoảng gần đây vẫn còn tiếp tục được tiết lộ ra về Bạc Hy Lai cho thấy các vết nhơ trong hệ thống chính trị Trung Quốc, đó là tình trạng dung túng người thân và phe cánh cùng những mối liên kết kiểu bảo trợ – đỡ đầu trong quá trình lựa chọn các nhà lãnh đạo; tham nhũng tràn lan, sự lũng đoạn quyền lực chính trị bởi một nhóm quan chức cấp cao ở các công ty thuộc sở hữu nhà nước ngày càng gia tăng, sự coi thường pháp luật của giới chóp bu và thất bại tiềm tàng trong các thỏa thuận mặc cả giữa các phe phái cạnh tranh lẫn nhau trong hàng ngũ lãnh đạo đảng.

Bài tiểu luận cho thấy rằng “chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai “của đảng cộng sản Trung Quốc thực ra chỉ là một hệ thống trì trệ xét cả trên lý luận và thực tiễn bởi lẽ, hệ thống này chống đối lại những thay đổi mang tính dân chủ rất cần thiết ở quốc gia này.

ĐH ĐCS VN luôn có ảnh Carl Marx và Lê Nin

Luận điểm về chế độ độc đoán chuyên quyền có tính bền bỉ và dẻo dai có nguồn gốc từ quan niệm cho rằng Trung Quốc là một thể thống nhất vững chắc đang đặt ra những vấn đề liên quan tới sự thất bại của nó trong việc đánh giá các xu hướng thay đổi dường như có tính nghịch lý ở quốc gia này.

Trong tiểu luận, những nghịch lý đó được khắc họa bởi ba quá trình phát triển đồng thời, cụ thể là: (1) Lãnh đạo yếu nhưng phe phái mạnh, (2) Chính phủ yếu nhưng nhóm lợi ích mạnh và, (3) Đảng yếu nhưng đất nước mạnh.

Không nên nhầm lẫn giữa tính bền bỉ và dẻo dai của đất nước Trung Quốc (nếu căn cứ vào vị thế của giới trung lưu đang hình thành, sự khôn ngoan, sắc bén của các nhóm lợi ích mới và tính năng động của toàn xã hội) với năng lực và tính chính danh của đảng cộng sản Trung Quốc để điều hành đất nước.

Bài tiểu luận này đưa ra kết luận cho rằng nếu như đảng cộng sản vẫn muốn lấy lại lòng tin của quần chúng và tránh một cuộc cách mạng hướng từ dưới lên thì đảng này phải tránh quan điểm về một “chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai”, đồng thời đi theo đường lối chuyển đổi dân chủ một cách có hệ thống với những bước đi dũng cảm về phía bầu cử dân chủ trong nội bộ đảng, thiết lập sự độc lập của tòa án và dần dần mở cửa cho truyền thông chủ đạo.

Những suy nghĩ cuối

Quan sát trên một bối cảnh rộng hơn, mặc dù ba lần thay đổi quyền lực là nguyên nhân cho những căng thẳng trong quản trị đất nước và làm nảy sinh tâm lý bất an, nhưng chính đó lại đáng được coi là những phát triển tích cực, đáng khích lệ đối với Trung Quốc.

Giám sát và đối trọng giữa các phe phái trong lãnh đạo của ĐCSTQ, các nhóm lợi ích năng động – đặc biệt là vai trò ngày càng tăng của giới trung lưu và nhận thức được chia sẻ rộng rãi về một thế lực toàn cầu đang lên cùng sự tự tin của công chúng là những gì mới mẻ đã ra đời gần đây.

Và tất cả những điều đó sẽ là những nhân tố quan trọng cho một sự chuyển tiếp tất yếu tới dân chủ.

Trong tương lai gần, tiêu điểm của các nhà phân tích về Trung Quốc không nên chỉ là việc liệu lãnh đạo ĐCSTQ có sử dụng đúng các thủ tục pháp lý để xử lý vụ Bạc Hy Lai, mà còn phải xem liệu họ có thể tận dụng cơ hội đó để đạt được sự đồng thuận mới và theo đuổi cải cách chính trị.

Một điều mà có lẽ hôm nay ai cũng thấy rõ hơn bất cứ lúc nào trong suốt cả thời kỳ cải cách (ý nói cải cách kinh tế- ND) đó là chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai của ĐCSTQ, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn chỉ là một hệ thống trì trệ bởi lẽ hệ thống này chống đối lại các chuyển biến dân chủ.

Nếu ĐCS mong muốn lấy lại lòng tin của quần chúng và tránh một cuộc cách mạng hướng từ dưới lên thì đảng phải tiến hành những thay đổi dân chủ thực sự, có hệ thống, ở trong nước.

Những biến đổi sâu sắc sau đây cần phải được thực hiện.

Thứ nhất, cùng với việc xử lý vụ Bạc Hy Lai qua cơ chế pháp lý hiện hành thì việc kêu gọi cải cách luật pháp – kể cả cải cách thực tiễn công tác xét xử của tòa án, thực thi nguyên tắc nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến là điều đã trở nên vô cùng quan trọng.

Điều này có thể là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà lãnh đạo có tư tưởng cách tân, và ở một mức độ nhất định cho tất cả các lãnh đạo, để họ nhận thức được rằng, cải cách luật pháp là con đường tốt nhất để họ tự bảo vệ trong một đất nước còn thiếu vắng nguyên lý pháp quyền.

Có thể Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để thiết lập một hệ thống hiến pháp đầy đủ, tuy nhiên, sẽ sớm cần một tuyên bố chính thức mang tính tư tưởng, chính trị và pháp lý rằng, đảng phải ở dưới hiến pháp, chứ không phải là ngự trị bên trên hiến pháp.

Chủ tịch Giang Trạch Dân tại ĐH 18. Ảnh: Internet

Thứ hai, quản lý và điều hành truyền thông cũng là một việc cần cải cách gấp. Trung Quốc hiện đang bước vào “mùa của các lời đồn”và truyền thông xã hội đã trở nên quyền lực đến nỗi chính quyền Trung Quốc phải thường xuyên dừng những dịch vụ micro-bloging. Đó không phải là phương cách hiệu quả để điều hành đất nước (đặc biệt khi Trung Quốc dự định xây dựng một nền kinh tế định hướng sáng tạo). Lý do vì sao người dân tìm đến với truyền thông xã hội là bởi vì truyền thông chủ đạo không phản ánh nhiều sự thật cuộc sống.

Do đó, con đường để ngăn chặn chủ nghĩa giật gân sinh ra bởi truyền thông xã hội là hãy cởi mở, khai phóng truyền thông chủ đạo. Điều đó không chỉ có lợi cho giới trí thức tự do, dân chủ mà còn lợi cho chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Càng đè nén, bưng bít những tin giật gân thì chúng càng trở nên mạnh mẽ và lan tỏa.

Sau mười năm thương mại hóa, ngành truyền thông Trung Quốc đã góp phần tạo nên những nhà báo Trung Quốc biết đi theo con đường của tự do báo chí. Những biến chuyển cách mạng đang diễn ra trước mắt trong lĩnh vực truyền thông xã hội và viễn thông sẽ biến tự do truyền thông trở thành một sự cần thiết chứ không phải là một sự lựa chọn.

Thứ ba, sẽ là ngây thơ về chính trị và thiểu năng về trí tuệ nếu tin rằng sự sụp đổ của họ Bạc chỉ kéo theo những diễn biến tích cực và không có gì sai lầm xảy ra ở Trung Quốc nữa.

Tuy vậy cũng đáng nhớ lại rằng vụ ám sát một nhà văn Đài Loan bởi các điệp viên của Quốc Dân đảng Đài Loan đã giúp khởi động quá trình chuyển tiếp từ chế độ chuyên chế sang dân chủ vào giữa những năm 1990.

Cũng tương tự như vậy, ĐCSTQ hiện nay cần phải hoặc tiến hành những thay đổi để tiến bước cùng lịch sử, hoặc là sẽ bị lịch sử bỏ lại sau lưng. Trong một viễn cảnh rộng lớn hơn, các lãnh đạo yếu, chính phủ yếu và đảng yếu cũng không phải là xu hướng chỉ ở Trung Quốc mới có; đó cũng chính là những thách thức chung trong thế giới hôm nay.

Xin chào mừng đất nước Trung Quốc bước vào thế kỷ XXI!

Tác giả: Lý Thành (Cheng Ly)

Không có nhận xét nào: